Thứ sáu, 29/03/2024 17:11 (GMT+7)

Về nơi Thủy Tổ Quan họ ngày xuân

MTĐT -  Thứ tư, 16/02/2022 11:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày xuân, người dân địa phương và du khách về Đền Thờ Vua Bà-Thủy Tổ Quan họ dâng hương chiêm bái thể hiện lòng thành kính Vua Bà. Trong tình hình dịch COVID-19, mỗi du khách đều ý thức thực hiện 5K, bảo vệ mình và cộng đồng.

Với người Kinh Bắc, đền Vua Bà khu Viêm Xá, phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) là ngôi đền thiêng. Tương truyền rằng Vua Bà là con gái Hùng Vương đời thứ 6 khi đi du ngoạn núi sông, bỗng gặp cơn phong vũ cuốn lên trời rồi đưa đến trang Viêm Xá. Thấy phong cảnh hữu tình, bà cho là điềm trời xui khiến nên đã ở lại dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Những khi nông nhàn bà dạy dân làng ca hát. Từ một làng, điệu hát, lề lối hát được truyền sang nhiều làng trong vùng. Sau khi Công chúa qua đời, người dân Ấp Viêm Trang tưởng nhớ công ơn nên lập đền thờ, tôn là Vua Bà - Thủy tổ Dân ca Quan họ. Trải qua thời gian, cách hát của Vua Bà dạy dân làng đã trở thành nghệ thuật hát Quan họ. Những làng có chung nghệ thuật hát này gọi là làng Quan họ gốc. Nghệ thuật hát Quan họ do Vua Bà khởi xướng nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Những liền anh, liền chị nơi đây luôn tự hào và nguyện gìn giữ Quan họ truyền thống đến muôn đời.

Về nơi Thủy Tổ Quan họ ngày xuân
Du khách thăm Đền Vua Bà, Viêm Xá, Hòa Long (thành phố Bắc Ninh). (Ảnh tư liệu).

Vua Bà giáng Ấp Viêm Trang vào mùng 6 tháng 2 (âm lịch). Ngày đó trở thành ngày hội đền Vua Bà. Trong 49 làng Quan họ cổ, Viêm Xá có đền thờ Vua Bà nên lễ hội ở đây được xem là lễ hội Quan họ và có những nét độc đáo riêng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Sứ, người thường đóng vai Vua Bà trong ngày hội cho biết: Ngày mùng 5, dân làng Viêm Xá tổ chức mở cửa đền. Buổi chiều, các cụ ông tế, các cụ bà dâng hương. Tối mùng 5 và tối mùng 6, tất cả anh Hai, chị Hai ở các làng đến, đầu tiên là hát thờ ở đền Vua Bà, sau là hát giao lưu, đối đáp nam-nữ, hát canh thâu đêm suốt sáng. Viêm Xá có khoảng 10 bọn Quan họ, mỗi bọn kết nghĩa với một bọn Quan họ khác trong vùng. Vào ngày hội đền Vua Bà, các bọn Quan họ kết bạn đến dự hội và chơi Quan họ cho “tàn canh mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày”. Ngoài các anh Hai, chị Hai Quan họ trong các bọn còn có thế hệ trẻ đi theo để học nghề và giữ tình nghĩa kết bạn lâu bền. Đến nay, Quan họ Viêm Xá và Quan họ Hoài Thị (Liên Bão, Tiên Du) được xem là hai bọn Quan họ đã kết bạn lâu nhất đã hàng trăm năm. Liền anh Nguyễn Sỹ Yên, Chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Thị cho hay: Trong ngày hội Vua Bà, Quan họ Hoài Thị được Quan họ bạn Viêm Xá mời về dự hội. Bao giờ Quan họ Hoài Thị cũng đến từ chiều mồng 5 để tham dự, lúc này mọi mặt của sinh hoạt văn hóa Quan họ đều diễn ra: Hát thờ ở đền Vua Bà, hát canh, dự cơm Quan họ… mỗi năm sẽ có một anh Hai hoặc chị Hai đứng ra tổ chức mời Quan họ bạn và tổ chức hát canh, các canh hát đối đáp theo lề lối xưa được diễn ra với đủ các chặng: Giọng lề lối, giọng vặt, giã bạn.

Về nơi Thủy Tổ Quan họ ngày xuân
Liền anh, liền chị Quan họ Viêm Xá, sửa soạn đón khách (Ảnh tư liệu).

Hội làng Viêm Xá, đặc sắc nhất là sinh hoạt văn hóa Quan họ và các nghi lễ thể hiện ước mong của nhân dân như: Tục “cướp cầu” mong mưa thuận gió hòa. Trò cướp cầu diễn ra ở ngay sân đền. Mỗi bên có năm trai tân khỏe mạnh vào đội cướp cầu. Ông chủ hội tung cầu khai hội, hai bên xông vào cướp cầu rồi truyền cho nhau ném vào hố của bên mình. Bên nào ném trúng trước là thắng. Tương truyền năm nào bên đông thắng thì năm ấy mưa thuận gió hòa, dễ làm ăn. Nghi thức rước kiệu Vua Bà ra bến sông lấy nước. Nước ấy gọi là nước thiêng, dùng để tắm tượng, tưới cây, tưới ruộng làm phép cho cây cối phát triển tránh mọi sâu bệnh. Lần đầu du xuân tại Đền Vua Bà, chị Nguyễn Thị Khánh, thành phố Bắc Giang cho biết: Tôi được người bạn mời về quê hương Bắc Ninh du xuân, giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa. Đến đây, tôi được tìm hiểu về nguồn gốc của Quan họ và cảm nhận sự linh thiêng trong ngôi đền và tình người ấm áp, đặc biệt được mời dự canh hát Quan họ và thưởng thức cơm Quan họ với các đặc sản của Viêm Xá như: bánh khúc, bánh rợm, chè đỗ đãi rất ngon… Những ngày xuân về nơi Thủy Tổ Quan họ, trong men say của tình người ấm áp, du khách được đắm mình trong không gian Quan họ để hiểu hơn về văn hóa, con người nơi đây và thêm yêu vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Bạn đang đọc bài viết Về nơi Thủy Tổ Quan họ ngày xuân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo baobacninh.com.vn

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.