Thứ tư, 17/04/2024 05:14 (GMT+7)

Vệ sinh môi trường: Nghề nguy hiểm

MTĐT -  Thứ tư, 26/12/2018 13:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù không có trong danh sách những nghề nguy hiểm, sức chịu đựng, sự can đảm của các công nhân vệ sinh môi trường quả là đáng nể.

Hàng ngày họ phải "đầm mình" trong nước cống thối hoắc, đen ngòm và đối mặt với đủ các thứ bệnh truyền nhiễm.

Theo tờ Brightside của Mỹ thì có 11 nghề nguy hiểm nhất thế giới như phóng viên, lấy nọc rắn, xây dựng cầu, công nhân làm trên giàn khoan... và thậm chí cả shipper! Nhưng có lẽ người ta đã quên đi những "bàn chân lặng lẽ" hàng giờ, hàng ngày làm sạch đường phố. Đó là những công nhân vệ sinh môi trường.

Được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sắp xếp cho đi cùng một đội dọn vệ sinh một cống hộp ở đường Tố Hữu, tôi vừa hồi hộp vừa tò mò. Hồi hộp vì từ bé đến giờ chưa từng được chui xuống cống, mọi hình ảnh mà tôi có thể tưởng tượng ra về "thế giới ngầm" đó là dòng nước đen ngòm, lềnh bềnh rác rưởi và... thối hoắc. Nhưng tò mò vì có lẽ những tưởng tượng trên có thể đúng, có thể sai, biết đâu mình lại được "móc cống" sạch, được chụp những bức ảnh đủ sáng... Nhưng rồi mọi thứ không như tưởng tượng.

Nói về cống ở Hà Nội thì cũng có vô số loại, nhưng phổ biến nhất là cống tròn, cống hộp, mương nước lộ thiên rồi độc đáo và khó tiếp cận hơn nữa là cống vòm thời Pháp - nơi một chiếc ôtô Kia Morning có thể đi vô tư! Và để làm sạch một lòng cống cần có một ekip bao gồm thợ chui cống, xe bồn, cán bộ kỹ thuật, tổng cộng từ 10 đến 15 người. Họ là những công nhân thuộc Xí nghiệp Xây lắp cơ giới thuộc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội.

Mặc trên người bộ đồ bảo hộ bằng cao su không thấm nước, tôi mò mẫm từng bước trên chiếc thang sắt trơn tuột, mặc dù có đồ bảo hộ nhưng vẫn cảm thấy "rờn rợn" vì bên dưới dòng nước đen ngòm bốc mùi nồng nặc, không biết dưới đáy kia có những gì đang chờ đợi mình. Đi cùng tôi là anh Trần Văn Tuấn - một thợ cống lão làng, anh bảo tôi xuống dưới cứ bình tĩnh, nước không sâu nhưng lại lắm thứ "của ngon, vật lạ" nên đi giữa cống cho an toàn, lết chân dưới đáy chứ đừng nhấc lên để nếu chạm vật nhọn không bị... thủng chân, chỉ khi nào thấy an toàn hẵng bước tiếp.

Xuống sâu, không khí đặc quánh lại, ánh sáng duy nhất chúng tôi có được phát ra từ chiếc đèn pin đeo trán, xung quanh mọi thứ tối đen như mực. Dù đeo hai cái khẩu trang nhưng tôi vẫn cảm nhận và phân biệt được từng "hương vị" dưới này. Từng bước chân như nặng hơn, dòng nước kia cũng nặng hơn bởi đủ thứ rác thải, từ túi nilon rồi thức ăn... cả băng vệ sinh lập lờ. Thi thoảng, tôi còn va phải thứ gì đó cứng cứng dưới đáy. Anh Tuấn bảo, dưới này còn có cả ván cốp pha với đinh nhọn như những bàn chông.

Lúc này cảm giác hồi hộp không còn nữa mà thay vào đó là... sợ, tôi sợ những bàn chông, sợ những thứ rác thải bốc mùi kia và sự cảm phục của tôi với anh Tuấn, với công nhân vệ sinh môi trường tăng gấp bội. Cảm phục bởi sức chịu đựng cao của họ, khi hàng ngày phải tiếp xúc với những thứ rác rưởi, bẩn thỉu này, thi thoảng những tảng váng mỡ vàng vàng, nhờ nhợ lại trôi đến, đành nhắm mắt gạt ra mà đi tiếp.

"Thế giới" ngầm dưới lòng đường.

Mò mẫm trong màn đêm, tay tôi khua khua gạt những đống rác trước mặt để kịp theo anh Tuấn, dù trên người không mang gì ngoài chiếc máy ảnh. Còn anh Tuấn thì phải kéo theo chiếc ống cao su to như đùi người, chiếc ống hút bùn, rác mềm lên xe bồn nhưng anh bước đi thoăn thoắt.

Dưới cống, thời gian như ngừng lại, càng vào sâu càng yên tĩnh, sự im lặng đến khó chịu. Thứ âm thanh duy nhất phát ra từ chiếc ống kia hoặc tiếng tôi xuýt xoa vì lạnh.

Sau nửa ngày "đầm" mình dưới cống, chúng tôi nhoi lên và tôi cảm thấy sung sướng, thậm chí hạnh phúc khi "đón" ánh sáng mặt trời, được hít thở thứ không khí "bình thường". Mọi người trong đội nếu ai nhà gần thì tranh thủ chạy về ăn cơm, còn lại sẽ tìm quán cơm bụi nào đó ăn vội rồi chiều làm tiếp. Anh Tuấn chia sẻ, ngày mới vào làm, nhìn thấy rác bùn là muốn nôn, về nhà nhìn mâm cơm rõ ngon mà cũng lắc đầu không ăn được. Vậy mà cứ làm lâu thành quen, dọn rác dưới kia xong lên đói vẫn ăn tất.

Buổi làm việc hôm nay có phần suôn sẻ bởi xe bồn vào được, gặp những chỗ ngóc ngách thì anh em chỉ còn cách làm thủ công, xuống dùng tay nhặt rác, vét bùn cho vào xô rồi đưa lên trên. Có những hôm mưa to, xuống dưới cống mà nước sâm sấp mặt, rác rưởi cứ ngang tầm mắt mà trôi, khoảng cách giữa đầu người và trần cống chỉ tầm một gang tay, đủ để ngóc đầu lên và thở. Chuyện anh em thi thoảng "tợp" ngụm nước cống là bình thường, những lúc xuống dưới dọn rác, tay phải chọc, ngoáy, móc... thì bộ quần áo bảo hộ kia vô tác dụng.

Với những công nhân dọn vệ sinh môi trường này thì việc dị ứng, ngứa ngáy cũng trở thành "một phần không thể thiếu" trong công việc họ làm hàng ngày. Có những anh em không chịu được vất vả, bẩn thỉu có ý định nghỉ nhưng lại được các bậc đàn anh như anh Tuấn động viên: "Mình không làm thì ai làm?". Tất cả vì một thành phố xanh, sạch, đẹp.

Vất vả, nguy hiểm là thế mà đồng lương lại chẳng được bao nhiêu. Hiện nay, công nhân vệ sinh môi trường được hưởng lương theo sản phẩm trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định 6841 của UBND TP Hà Nội, tức là người làm nhiều lương cao, người làm ít lương thấp. Họ được trả 150.000/ngày công và tính ra thu nhập một tháng không nghỉ ngày nào cũng chỉ được 4 triệu 500 nghìn. Quả thực rất thấp so với công sức họ bỏ ra.

Công nhân vệ sinh môi trường, nhất là những người làm nghề thu gom rác, làm việc trong môi trường vất vả, độc hại, nhiều rủi ro. Do vậy không chỉ lương, thưởng, các khoản thu nhập cần được cải thiện, mà các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… phải được bảo đảm. Chỉ như vậy, đời sống của hàng ngàn công nhân vệ sinh môi trường mới được nâng cao, giúp họ gắn bó với nghề lâu dài, điều này đồng nghĩa với việc môi trường Thủ đô sẽ được đảm bảo ngày càng sạch sẽ, văn minh, hiện đại hơn.

Theo CAND

Bạn đang đọc bài viết Vệ sinh môi trường: Nghề nguy hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.