Thứ sáu, 26/04/2024 02:09 (GMT+7)

Vì đâu 1 mét vuông rừng chưa bằng giá gói xôi?

MTĐT -  Thứ ba, 14/12/2021 15:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyện ở Lâm Đồng, doanh nghiệp làm mất 257 ha rừng thuê trong Khu đô thị Nam Đà Lạt, chỉ bắt đền bù có 19 tỷ đồng (tương đương gần 7.400 đồng cho mỗi m2 rừng, chưa mua nổi 1 gói xôi sáng)...

Dài ngót 600km, tham gia quyết định sự sống của hơn 20 triệu cư dân của 6 tỉnh thành trong lưu vực, góp phần tạo nên vùng kinh tế Đông Nam bộ năng động và phát triển nhất cả nước, Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam xuất phát từ cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng. Cũng có nghĩa chính quyền tỉnh Lâm Đồng “nhận sự ủy thác” với trách nhiệm bảo vệ tài nguyên đất đai, núi rừng và nguồn nước của thượng nguồn sông Đồng Nai.

Trao đổi với PGS-TS. Lưu Thế Anh (Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội), về “lượng giá dịch vụ hệ sinh thái” nhân sự kiện một công ty làm mất 257 ha rừng thuê, bồi thường cho chính quyền tỉnh Lâm Đồng 19 tỷ đồng (xem thêm bài viết Làm mất 257 ha rừng thuê, Khu đô thị Nam Đà Lạt bồi thường gần 19 tỷ đồng), trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa cam kết với thế giới chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

Vì đâu 1 mét vuông rừng chưa bằng giá gói xôi?
PGS-TS. Lưu Thế Anh

Rừng núi và đồng bằng, cần hiểu thế nào cho đúng với thực tế của mối quan hệ này, thưa ông?

Đó là mối quan hệ hữu cơ tất yếu của ba vùng: thượng nguồn, trung lưu và hạ lưu của bất kỳ con sông nào trên trái đất. Hầu hết, địa hình núi cao có các đường phân thủy để thu nước cho mạng lưới sông suối, tạo độ ẩm giúp thực vật phát triển thành rừng.

Thảm thực vật rừng, đặc biệt đối với các kiểu rừng có nhiều tầng tán (rừng thường xanh, rừng nguyên sinh) vừa điều tiết dòng chảy mặt, hạn chế xói mòn rửa trôi, trượt lở, lũ lụt ở hạ lưu; vừa bổ sung nước ngầm (trữ trong các tầng chứa nước ngầm) nhờ tầng thảm mục, bộ rễ “khủng” của cây rừng…

Hệ sinh thái rừng đã đóng vai trò điều tiết, cung cấp nguồn nước rất lớn và lượng phù sa bồi đắp, tạo nên sự trù phú cho vùng đồng bằng. Nghĩa là cuộc sống của con người và các hệ sinh thái đồng bằng phụ thuộc vào “sức khỏe” của hệ sinh thái rừng trên thượng nguồn (trước hết ở chức năng phòng hộ, điều tiết và cung cấp nước).

Ngoài cấp nước, còn những giá trị nào nữa mà con người đang được cung cấp “miễn phí” từ hệ sinh thái rừng?

Các nhà khoa học đã chia giá trị của rừng theo 4 dịch vụ căn bản của một hệ sinh thái, gồm: Cung cấp: nước (cho canh tác, chăn nuôi, sinh hoạt, công nghiệp, thủy điện, thủy sản…), lâm sản, nhiên liệu, dược liệu, thực phẩm từ các loài động thực vật rừng… Điều tiết: điều hòa không khí (hấp thụ carbon, cung cấp ôxy...), điều tiết dòng chảy và lũ, lọc nước, giảm cường độ gió bão... Hỗ trợ: tái tạo dinh dưỡng, hình thành đất, chống hạn hán và xói mòn đất, bảo vệ quần xã sinh vật... Văn hóa: thẩm mỹ, tinh thần, giáo dục, giải trí, lưu giữ các bằng chứng giúp cho con người hiểu biết thế giới tự nhiên, các thành tố văn minh, văn hóa của các cộng đồng người bản địa...

Vì đâu 1 mét vuông rừng chưa bằng giá gói xôi?
Làm mất 257 ha rừng thuê, Khu đô thị Nam Đà Lạt của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh chỉ phải bồi thường cho Lâm Đồng gần 19 tỷ đồng, tháng 10.2021. Ảnh: CTV

Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái này hoàn toàn có thể quy đổi ra tiền, bằng công cụ gọi là “lượng giá trị dịch vụ hệ sinh thái” cho các hệ sinh thái rừng khác nhau (do giá trị, vai trò khác nhau của mỗi khu vực địa lý và kiểu thảm thực vật rừng), để làm căn cứ xác định giá trị môi trường rừng và những thiệt hại khi xảy ra những vụ phá rừng, để xử lý bồi hoàn đúng với tổng giá trị thiệt hại gây ra cho nền sản xuất, cộng đồng và môi trường sinh thái.

Tức là sự phát triển của khoa học đã thay đổi nhận thức con người về vai trò của hệ sinh thái rừng, các công cụ kinh tế đã giúp tính toán và xác định cụ thể tổn thất. Nhưng ở Việt Nam, dường như chính quyền (cố ý hay vô tình) chỉ nhìn thấy mỗi giá trị gỗ (dịch vụ cung cấp), không thấy hết các giá trị to lớn khác của rừng? Đơn cử chính quyền Lâm Đồng nhận về 19 tỷ đồng cho 257 ha rừng bị mất (trong đó có 84,14 ha rừng tự nhiên) là hình như chỉ quy rừng ra từ gỗ, thưa ông?

Nếu xét đủ 4 nhóm giá trị dịch vụ mà hệ sinh thái rừng mang lại, thì hiện cơ quan chức năng mới chỉ phạt cho giá trị cung cấp (cũng chưa đầy đủ), còn tới 3 giá trị (điều tiết, hỗ trợ, văn hóa) chưa tính. Bởi pháp luật chưa có quy định đối với những giá trị gián tiếp này. Ngay cả các giá trị quan trọng, lớn nhất, như: hấp thụ carbon, điều hòa khí hậu, phòng hộ (phòng chống hạn hán, lũ lụt, trượt lở đất,...) đều chưa được đề cập tới trong chế tài xử lý các vụ xâm phạm đến rừng.

Vì đâu 1 mét vuông rừng chưa bằng giá gói xôi?
Khu nghỉ dưỡng Cereja Hotel & Resort Đà Lạt của Công ty cổ phần Thiên Nhân tự ý đốn hạ hàng loạt cây thông hơn 30 năm tuổi trên diện tích 300m², đào hố xây móng công trình trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, bị chính quyền Đà Lạt cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả tháng 3.2020. Ảnh: Đoàn Kiên

Nên mới có chuyện ở Lâm Đồng, doanh nghiệp làm mất 257 ha rừng thuê trong Khu đô thị Nam Đà Lạt, chỉ bắt đền bù có 19 tỷ đồng (tương đương gần 7.400 đồng cho mỗi m2 rừng, chưa mua nổi 1 gói xôi sáng). Vì căn cứ để xác định mức đền bù này được tính bằng sản lượng gỗ (phụ thuộc vào loài cây và tuổi rừng), nếu tôi đoán không nhầm thì đây là giá của rừng thông trồng. Các cơ quan quản lý của tỉnh Lâm Đồng xử lý doanh nghiệp vi phạm bằng phạt tiền theo đơn giá tính trên m3 gỗ của diện tích rừng bị mất theo giá thị trường, theo tôi chưa hợp lý, do:

Thứ nhất, các giá trị của dịch vụ điều tiết, hỗ trợ và văn hóa của rừng rất quan trọng, như điều hòa khí hậu, lọc nước, hấp thụ bụi và các khí độc, bổ sung nước ngầm, điều hòa dòng chảy và hạn chế xói mòn xuống các hồ chứa nước..., trong trường hợp này chưa hề được tính. Mà mất rừng là mất các chức năng đó.

Thứ hai, mất rừng cũng là mất vai trò tạo cảnh quan, giá trị thẩm mỹ và giải trí (nhắc đến cao nguyên này không thể không nói đến đồi thông). Nên nhớ, thông là loài cây lá kim sinh trưởng chậm, phải mất 20-30 năm mới có được kích thước thân 30-40 cm. Nghĩa là phải cần tới 30 năm mới có thể phục hồi được cảnh quan và các chức năng điều tiết, hỗ trợ của rừng thông vốn có ở khu vực này trước khi bị phá.

Tạm thời, tôi đề cập đến hai vấn đề bất hợp lý dễ nhận ra nhất, mà chưa nói đến các nội dung khác đã không được đưa vào hạch toán để xử lý, trong việc chính quyền tính giá đền bù 275 ha rừng với bên làm mất rừng.

Chẳng lẽ không có cách nào xác định chính xác mức độ thiệt hại do những vụ phá rừng tương tự?

Sao lại không? Chúng ta hoàn toàn có thể lượng giá được giá trị của cả 4 nhóm dịch vụ hệ sinh thái rừng khác nhau. 257 ha rừng ở Lâm Đồng dù đã mất, nhưng bằng các công cụ trực tiếp hoặc gián tiếp (so sánh với trạng thái rừng ở các khu vực xung quanh, xác định các loài cây rừng, lượng sinh khối, tốc độ sinh trưởng...), chúng ta có thể tính đúng, tính đủ tổng giá trị thiệt hại ở mức có độ tin tưởng cao (tất nhiên, không hoàn toàn chính xác 100%), quy ra tiền để buộc doanh nghiệp bồi thường, và chắc chắn giá trị không chỉ 19 tỷ đồng!

Vì đâu 1 mét vuông rừng chưa bằng giá gói xôi?
Một vụ sạt lở đất nghiêm trọng ngày 12.11 ở đầu đường Khe Sanh, phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khiến hơn 20 người sống trong 7 căn nhà ngay chân đèo Mimosa phải di dời khẩn cấp. Cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân. Một số chuyên gia quy hoạch, môi trường nhận định có liên quan đến vấn nạn mất rừng, phá rừng, xây cao tầng, bê tông hóa phố núi... Ảnh: Lâm Viên

Tôi có câu hỏi đối với các cơ quan chính quyền địa phương ở Lâm Đồng: lý do gì mà trong một thời gian dài họ không biết 257 ha rừng bị phá? Sao họ không phát hiện sớm từ ha đầu tiên để ngăn chặn kịp thời? Vì khi giao đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án, chắc chắn đã cắm mốc ranh giới đất, trên hồ sơ giao đất đã có thửa đất rõ ràng. Để mất tới 257 ha rừng rồi mới biết, là rất khó giải thích. Do năng lực quản lý, hay cố tình? Có thể thành lập hội đồng giám định để xem thiệt hại về kinh tế là bao nhiêu, kể cả các giá trị trực tiếp và gián tiếp. Từ góc độ giá trị môi trường rừng, tôi cho đây là một thiệt hại nặng nề.

Ở hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) của Liên Hợp Quốc vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết chấm dứt chặt phá rừng vào năm 2030. Theo ông, Việt Nam sẽ thực hiện cam kết này bằng những công cụ nào?

Hầu hết các nước đều quản lý và bảo vệ rừng bằng pháp luật rất nghiêm khắc, nên công tác quản lý và bảo vệ rừng rất hiệu quả. Ở Việt Nam, chúng ta đã có Luật Lâm nghiệp sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Bảo tồn đa dạng sinh học năm 2008 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật quy định về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Gần đây nhất, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, tại Điều 138 đã quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Đó là việc tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái tự nhiên tạo ra để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Tức trong đó có hệ sinh thái rừng. Theo quy định này thì các tỉnh, thành phố dưới hạ lưu sông Đồng Nai nếu có sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên thì phải trả tiền cho việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng ở đầu nguồn (cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng).

Cũng đồng nghĩa, những tổ chức, cá nhân phá hoại, gây thiệt hại đối với các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải trả tiền bồi thường để khắc phục hậu quả và phục hồi lại các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên bị mất. Đối với hệ sinh thái rừng, cần phải tính đầy đủ mức thiệt hại (chứ không mỗi gỗ) ở cả 4 loại dịch vụ, bằng tiếp cận lượng giá trị dịch vụ các hệ sinh thái và cần được luật hóa. Để cùng với những công cụ pháp lý, kinh tế và các điều kiện khác, giúp Chính phủ thực hiện cam kết của mình.

Vì các nguyên tắc trên hiện nay chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật, chưa tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe. Do vậy, để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các công cụ quản lý, trong đó trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực quản lý nhà nước các cấp; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị; áp dụng giải pháp khoa học công nghệ hiện đại; tăng cường nguồn lực tài chính bền vững (gồm cả ngân sách nhà nước, xã hội hóa, tài trợ quốc tế...) để quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả... Trong đó, có các công cụ quản lý kinh tế và “lượng giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng” để quản lý hiệu quả hơn.

Hầu hết các dự án đều “ăn” đất rừng

Nằm trên 3 cao nguyên (Lâm Viên, Di Linh, Bảo Lộc), độ cao trung bình 800 - 1.000m, giàu tài nguyên, có nhiều thung lũng bằng phẳng, nhiệt độ trung bình 18-25 độ ôn hòa,… khiến cơ hội nhận đầu tư, tích tụ dân số mở rộng thành phố Đà Lạt và hình thành các đô thị mới của Lâm Đồng vượt trội so với các tỉnh miền núi khác. Các hoạt động này chủ yếu lấy vào đất rừng.

Từ năm 2005 đến tháng 4.2021, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hút 488 dự án/473 doanh nghiệp có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Ngoài số dự án phải thu hồi, hiện còn 324 dự án/309 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất, thuê rừng để đầu tư triển khai trên tổng diện tích 52.859 ha.

Tính đến tháng 12.2020 chính quyền tỉnh đã thu từ 128 dự án bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng do để mất rừng (1.959 ha) là 335.848.044.404 đồng (đã thực hiện đóng tiền 50.991.935.280 đồng (trong đó giá trị lâm sản 102.115.004.023 đồng, giá trị môi trường 233.733.040.381 đồng); còn lại chưa thực hiện (284.856.109.124 đồng).

Tuyết Trinh (trích“Báo cáo tình hình bồi thường tài nguyên rừng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, số 104/BC-SNN ngày 26.4.2021)

Bạn đang đọc bài viết Vì đâu 1 mét vuông rừng chưa bằng giá gói xôi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Đô thị

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.