Thứ sáu, 26/04/2024 05:13 (GMT+7)

Vì màu xanh của đảo

MTĐT -  Thứ sáu, 09/09/2022 15:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lượng rác thải tại Côn Đảo gia tăng theo từng năm. Nhưng đến nơi đâu ở Côn Đảo cũng sạch đẹp, từ trong khu dân cư đến các hòn đảo nhỏ. Đó là nhờ những công nhân vệ sinh môi trường ngày đêm làm sạch từng con đường, thu gom từng đợt rác đại dương.

Khu vực trung tâm huyện đảo luôn sạch sẽ, tinh tươm.
Khu vực trung tâm huyện đảo luôn sạch sẽ, tinh tươm.

Thầm lặng

Cảm nhận đầu tiên sau nhiều lần đến Côn Đảo, với tôi đó là khó mà bắt gặp một bãi đất trống đầy rác, khó mà nhìn thấy cảnh những túi rác tấp đầy dọc những đoạn đường vắng… như ở một số địa phương khác.

Gần 4 giờ sáng, con đường Tôn Đức Thắng cạnh khách sạn - nơi tôi lưu trú khi đến Côn Đảo đã sột soạt tiếng chổi tre. Trước đó 30 phút, chị Phạm Thị Quỳ, công nhân vệ sinh môi trường đã có mặt trên tuyến đường này - khu vực trung tâm của thị trấn Côn Sơn để quét rác. Công việc mỗi sáng của chị là quét dọn, thu gom rác, làm sạch sẽ trên các tuyến đường từ Tôn Đức Thắng, Lê Đức Thọ, Lê Văn Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn An Ninh…

Theo chị Quỳ, công việc của các chị được chia theo 2 ca. Buổi sáng từ 3 giờ 30 phút đến 6-7 giờ. Buổi chiều thường từ 13 giờ 30 phút đến khi hết rác, đường sạch. “Chúng tôi không quản ngại sáng sớm hay chiều nắng, nhiệm vụ của chúng tôi mỗi ngày là làm đẹp thị trấn, làm sạch từng con đường, từng góc nhỏ… để mọi người yên tâm sinh sống, để khách du lịch cảm nhận được sự bình yên ở nơi đây”, chị Quỳ nói.

Chị Đinh Thị Kim Hoa, người có hơn 10 năm gắn bó với công việc công nhân vệ sinh đường phố ở Côn Đảo cũng cắm cúi làm việc từ những giờ đầu tiên trong ngày cho đến trời sáng. Chị Hoa cho biết: “Tôi làm công nhân vệ sinh đường phố vì mưu sinh, vì kiếm sống nhưng một phần vì tôi yêu đảo, tôi muốn đảo thật sạch, thật đẹp”. Theo chị Hoa, tháng 11 và 12 lá bàng, xà cừ rớt xuống rất nhiều nên ngoài việc thu gom rác như bình thường còn có một lượng rác là lá cây cũng phải quét dọn sạch sẽ để gom vào thùng.

Trong khi đó, đội thu gom có 12 người chuyên làm nhiệm vụ thu gom rác sinh hoạt tại các hộ gia đình trong khu dân cư. 7 giờ tối, những chuyến xe chuyên dụng lại chạy dọc theo các tuyến đường trung tâm của huyện đảo. Anh công nhân lái xe, 2 công nhân khác làm việc luôn tay nào là xách rác, phân loại sơ bộ một số loại rác rồi đưa lên xe chuyên dụng để chuyển rác về bãi. Công việc của các anh vất vả, liên tục nên việc hỏi thăm tên tuổi của các anh cũng khó khăn. Xe dừng một đoạn thì phải chục bao rác phải hốt lên. Xe nhích một bước các anh lại phải vừa đi vừa chạy mới có thể vừa theo kịp xe, vừa gom kịp rác. “Chúng tôi phải làm nhanh mới kịp thu gom rác về bãi. Cuối tuần khách du lịch đến đảo đông hơn, lượng rác cũng nhiều hơn nhưng công việc của chúng tôi đòi hỏi sáng sớm khi các chị công nhân ra đường quét rác thì chúng tôi đã phải xong việc thu gom rác từ trong nhà dân, trong các khu nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng… ra đến bãi”, anh công nhân nói trong vội vã.

Công nhân vệ sinh môi trường làm sạch đường Tôn Đức Thắng.
Công nhân vệ sinh môi trường làm sạch đường Tôn Đức Thắng.

Để Côn Đảo luôn sạch - đẹp

Theo bà Lê Mộng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý công trình công cộng huyện Côn Đảo, lượng rác sinh hoạt trên địa bàn huyện ngày càng tăng do dân số trên đảo tăng và khách du lịch đến đảo cũng tăng lên theo từng năm. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 10.000 dân, lượng khách trung bình đến đảo khoảng 2.500 khách/ngày. Nếu như năm 2018-2019 lượng rác thải phát sinh khoảng 20-22 tấn/ngày. Thì nay trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 24-27 tấn/ngày. Công ty đã bố trí 3 xe chuyên dụng và chia các tổ, đội thu gom theo từng khu vực. Riêng đội vệ sinh môi trường có 22 công nhân chia theo 11 tuyến, mỗi tuyến có 2 người, chia làm 2 ca sáng sớm và trưa chiều. Thời gian vệ sinh này dù vất vả nhưng giúp việc làm sạch khu dân cư, đường phố được hoàn thành trước khi ngày mới bắt đầu để ít ảnh hưởng tới khách du lịch và người dân.

Buổi tối từ 19 giờ 30 phút đội thu gom 12 người sẽ thực hiện việc thu gom rác toàn khu dân cư, các nhà hàng, quán ăn… bảo đảm không để rác ứ đọng đến cuối ngày. Công việc này thường kết thúc vào 2-3 giờ sáng. Có những ngày lượng khách du lịch đông, rác sinh hoạt nhiều công nhân phải làm tới hơn 3 giờ sáng hôm sau. Sau khi được thu gom, rác sẽ được đưa thẳng ra bãi rác Bãi Nhát mà không để bãi trung chuyển, nhằm bảo đảm khu trung tâm của huyện đảo luôn sạch sẽ.

Hiện nay, người dân huyện Côn Đảo đang được hưởng đơn giá thu gom rác ưu đãi với mức thu 20 ngàn đồng/hộ. Các cơ sở kinh doanh có đơn giá thu gom là là 200 ngàn đồng/m3. Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ là 60.000 đồng/m3.

Ngoài rác thải sinh hoạt, Ban Quản lý công trình công cộng cũng phối hợp với WFF tổ chức thu gom rác đại dương. Mỗi đợt thu gom được 700-1.000 tấn. Đặc biệt là mùa gió chướng từ tháng 9 năm này đến tháng 2 năm sau, rác đại dương trôi dạt vào bờ biển Côn Đảo rất nhiều, nhiều nhất khu vực Bãi Vong, Suối Ớt, Bến Đầm, Đầm Trầu, Bãi Nhát… khiến công việc vệ sinh môi trường các bãi biển cũng vất vả hơn.

Để giữ gìn môi trường cho Côn Đảo luôn xanh, sạch đẹp, UBND huyện Côn Đảo, các cơ quan, đơn vị chức năng phát động nhiều phong trào “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng ngày môi trường thế giới, tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, ngày đại dương thế giới, tuần lễ ra quân ngày thứ 7 xanh - sạch - đẹp. Tổ chức các hoạt động thiết thực, cụ thể hàng tuần thứ 7 tổ chức tình nguyện viên, các tổ chức, cá nhân đồng loạt ra quân làm vệ sinh tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh doanh, điểm du lịch, bãi biển, các resort du lịch trên địa bàn. Đồng thời, triển khai trên các phương tiện xe điện, taxi, xe khách, phương tiện thủy nội địa trang bị sọt đựng rác thu gom bỏ rác đúng nơi quy định. Tuyên truyền các hành vi xử lý vi phạm hành chính về môi trường. Tăng cường kiểm tra kiểm soát, nhắc nhở người dân và khách du lịch bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Côn Đảo.

Công nhân thu gom rác trong các khu dân cư ngay trong đêm.
Công nhân thu gom rác trong các khu dân cư ngay trong đêm.

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì màu xanh của đảo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.