Thứ năm, 18/04/2024 19:28 (GMT+7)

Vi phạm môi trường: Mức phạt cao, người dân vẫn làm ngơ

MTĐT -  Thứ năm, 10/05/2018 15:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định 155 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/02/2017 với nhiều mức xử phạt nghiêm khắc trong lĩnh vực môi trường. Nhưng sau hơn một năm thực hiện, nhiều người vẫn thờ ơ.

So với các nghị định trước của Chính phủ, NĐ 155 đã tăng mức phạt lên nhiều lần đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Một số hành vi vi phạm “sát sườn” với người dân như: vứt, thải, bỏ đầu mẩu và tàn thuốc không đúng nơi quy định có thể bị phạt tới 1 triệu đồng; vứt rác thải bừa bãi tại nơi công cộng có thể bị phạt từ 3 - 7 triệu đồng; đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định bị phạt tới 3 triệu đồng,… mức xử phạt này được đánh giá là cao và đủ sức răn đe những hành vi “xấu xí”.

Rác vẫn xuất hiện khắp nơi

Tại thủ đô Hà Nội, trong vài năm trở lại đây có thể nói là đã có những chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, nhất là các khu vực trung tâm thành phố, tuy nhiên tình trạng vứt rác tùy tiện, bừa bãi tại nơi công cộng vẫn có thể bắt gặp gần như mọi lúc, mọi nơi.

Những tuyến phố xa trung tâm một chút như Kim Giang, Định Công, Nguyễn Xiển, Tam Trinh, các con đường dọc các bờ sông Lừ, sông Sét, đại lộ Thăng Long,... đang ngày đêm phải “gánh” những đống rác do người dân đổ ra, rác không được buộc kín bay khắp nơi, đất thải ngổn ngang, bụi bặm và ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), từ tháng 5/2017 đến nay, Công ty phối hợp với các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa tổ chức đặt hơn 5.000 thùng rác trên các tuyến phố và ngõ lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bỏ rác, ngoài ra Công ty đẩy mạnh cơ giới hóa trong công tác VSMT, đầu tư và đưa vào sử dụng hơn 40 chiếc xe quét hút hiện đại để nâng cao năng suất làm việc, tạo bộ mặt thủ đô Văn minh, sạch đẹp hơn.

Dù mức phạt cao nhưng nhiều người vẫn tỏ ra thờ ơ, không có ý thức bảo vệ môi trường. 

Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều “điểm đen” về rác trên địa bàn, nhiều người dân vẫn bỏ rác vô cùng tùy tiện, đã có thùng rác nhưng vẫn vô tư vứt rác ra đường, các gốc cây, cống thoát nước, thậm chí vứt rác… ngay cạnh thùng rác.

Chị Nguyễn Thị Tuyết – công nhân Chi nhánh Đống Đa (URENCO 4) chia sẻ: “Nhiều người dân vì tiện hoặc vì ngại nên vẫn không bỏ rác vào thùng. Rất nhiều trường hợp người dân bỏ cả vật liệu xây dựng, rác cồng kềnh hay thậm chí cả than tổ ong đang cháy dở vào thùng rác. Khi được công nhân môi trường nhắc nhở thì nhiều người có thái độ không hợp tác,… chúng tôi rất cần lực lượng chức năng đứng ra cùng kiểm tra, nhắc nhở và mạnh tay xử phạt đối với những trường hợp như vậy”.

Phạt ai, ai phạt?

Theo nghị định 155, thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là UBND các cấp; cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường; công an xã/ phường/thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan,… Quy định là vậy, nhưng trên thực tế thì các lực lượng này vào cuộc chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ. Rất nhiều lần, các quận, phường ra quân rầm rộ nhưng sau đó lại nhanh chóng lắng xuống.

Phần lớn người dân cũng cho rằng hiếm khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Tại Hà Nội mới ghi nhận được 2-3 trường hợp xử phạt người dân xả rác ra đường và tiểu bậy trong hơn 1 năm qua. Chính vì vậy, người dân dễ “nhờn” với quy định, rất nhiều người thiếu ý thức vẫn không hề “chùn tay” khi xả rác sinh hoạt ra đường, nơi công cộng.

Tiếp xúc với một cán bộ Công an phường Phúc Xá (quận Ba Đình), vị cán bộ này cho biết, rất khó để có thể “bắt quả tang” và ra quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường như vứt rác bừa bãi hay tiểu bậy bởi nhiều nguyên nhân: đây là những hành vi diễn ra nhanh, thường được thực hiện rất kín trước mắt các lực lượng chức năng nên khó khăn trong quá trình tuần tra giám sát, quan trọng hơn là các lực lượng này tương đối “ngại” xử phạt do quy trình xử lý vi phạm gồm rất nhiều bước, dễ gây chồng chéo về thẩm quyền và nhiều vấn đề “tế nhị” khác. Vậy nên, rác vẫn ngổn ngang, tiểu bậy không hiếm nhưng vẫn… không ai bị phạt.  

Cần có nhiều biện pháp để nghị định phát huy hết hiệu quả

Để Nghị định đi và thấm vào cuộc sống, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định 155 tới từng Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các đoàn thể, tổ chức. Chính đội ngũ này phải gương mẫu thực hiện và góp phần tuyên truyền, lan tỏa đến nội bộ cơ quan, người thân trong gia đình, rộng hơn là khu dân cư và ra cả cộng đồng.

Thứ hai, phải quán triệt phương châm giáo dục, tuyên truyền trước, xử phạt sau. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục, nhắc nhở phải làm trước là bởi: xả rác, phóng uế “tự do”, bừa bãi là một thói quen xấu đã tồn tại từ lâu trong đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam, nhất là ở nông thôn; thói quen xấu đó liên quan đến ý thức văn hóa của mỗi người dân.

Tuyên truyền, giáo dục một mặt giúp người dân hiểu được các quy định pháp luật và ý thức văn hóa nơi công cộng, thấy được hành vi xả rác, đi tiểu bừa bãi là thiếu văn hóa, là vi phạm các quy định của pháp luật; mặt khác, họ cũng thấy được lợi ích của mình từ việc không xả rác, đi tiểu bừa bãi mang lại, từ đó tự giác thay đổi những thói quen xấu, hành vi sai trái xưa nay vẫn làm.

Đồng thời với tuyên truyền, vận động, giáo dục cũng cần phải xử phạt thật nghiêm minh những tập thể, cá nhân vi phạm đúng người, đúng lỗi. Thay đổi cách thức tuần tra, kiểm soát và xử phạt của các lực lượng chức năng theo hướng đơn giản hóa. Việc xử phạt nặng các hành vi vi phạm là một trong những giải pháp tốt để ngăn ngừa được những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị.

Thứ ba, cần quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nơi công cộng như nhà vệ sinh, phòng hút thuốc, thùng rác, đổi mới quy trình thu gom rác, lắp đặt hệ thống camera giám sát,… nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhu cầu của người dân và kiểm soát người vi phạm...

Thứ tư, nâng cao giám sát cộng đồng, tạo mối liên hệ thường xuyên giữa cơ quan chức năng và người dân; vận động nhân dân tham gia quay phim, chụp ảnh hành vi vi phạm xả rác không đúng nơi quy định gửi tới các cơ quan chức năng, từ đó có thể “phạt nguội”… Cá nhân, hộ gia đình nào vi phạm nhiều lần thì có thể nêu tên ở khu dân cư, ở cơ quan… để đánh vào danh dự.

Phối hợp với các cơ quan báo, đài, các trang mạng xã hội và các diễn đàn để đăng tải các hình ảnh xả rác bừa bãi, những hành vi xấu xí để người dân thấy mà không dám vi phạm.

Hy vọng rằng, với các biện pháp thực hiện đồng bộ, đổi mới, trong tương lai không xa, nghị định 155 sẽ thực sự phát huy hết hiệu quả và ý nghĩa to lớn đối với môi trường, góp phần nâng cao ý thức của người dân vì một môi trường sống văn minh, sạch đẹp hơn.

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm môi trường: Mức phạt cao, người dân vẫn làm ngơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hoàng Hiệp

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.