Thứ năm, 25/04/2024 05:10 (GMT+7)

Vi phạm TTXD: Cần có chế tài xử phạt người đứng đầu (Bài 3)

Cẩm Anh - Thu Phương -  Thứ hai, 06/05/2019 10:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn cứ tái diễn và có xu hướng ngày càng phức tạp là do "khuyết" chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước.

“Khuyết thể chế” nên khó xử lý vi phạm

Thời gian vừa qua, Sở Xây dựng TP. Hà Nội lần đầu tiên đã công khai danh sách 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015 – 2016 trở về trước, động thái này được các chuyên gia ghi nhận là tích cực, bước đầu thể hiện sự cương quyết trong việc xử lý, chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thủ đô.

Tuy nhiên, mặc dù việc làm của Sở Xây dựng rất đáng hoan nghênh, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận lại một cách khách quan rằng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nhiều năm qua diễn ra một cách phổ biến và có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Vậy lý do vì sao tình trạng này vẫn cứ diễn ra nhưng việc xử lý lại chậm trễ, ì ạch, thậm chí là “dậm chân tại chỗ”?

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hà Nội cho rằng, vi phạm trật tự xây dựng vẫn đang diễn ra là do nguyên nhân từ nhiều phía, bao gồm ý thức người dân, thể chế chưa hoàn chỉnh, trách nhiệm của các cấp chính quyền… Tuy nhiên, quan trọng nhất là thể chế chưa hoàn chỉnh nên tồn tại nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hà Nội. 

Theo ông Điệp, công trình vi phạm trật tự xây dựng đã có khung xử phạt rõ ràng nhưng lại không có chế tài xử lý trách nhiệm liên quan, do đó, tình trạng này vẫn cứ tái diễn.

Ví dụ nếu người dân lấn chiếm, xã, phường có quyền xử lý, nhưng khi người ta lợp mái lên, địa phương không có quyền mà phải cấp quận, huyện thực hiện cưỡng chế. Vì vậy, người ta xây trái phép một ngôi nhà cấp 4 trong 1 đêm là rất bình thường, vì cấp gần nhất không có quyền nữa mà phải chờ cấp cao hơn cưỡng chế, nhưng để bắt tay vào làm được còn phải họp hành, làm theo quy trình, tốn nhiều thời gian”, ông Điệp đưa ra ví dụ.

Từ đó, ông Điệp kết luận rằng: “Chúng ta đang lỗi, khuyết về thể chế, phải có chế tài cụ thể, để người dân vi phạm thì cái anh quản lý đất đai, địa chính xã phường chịu kỷ luật cỡ nào, chủ tịch xã, phường xử lý như thế nào, quận, huyện chịu trách nhiệm thế nào? Chế tài phải cụ thể đến từng người cụ thể, chứ không như hiện nay vẫn chung chung lỗi tập thể rồi xử lý rút kinh nghiệm”.

Bên cạnh đó, GS. TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng tình trạng này tái diễn nột phần do mức xử phạt một phần nào đó chưa đủ sức răn đe, vì lợi ích mà các chủ đầu tư, người dân sẵn sàng vi phạm pháp luật.

Đã là vi phạm thì phải xử lý đến cùng

Trong khi trao đổi với lãnh đạo Phòng Quản lý trật tự đô thị quận Hoàng Mai, phòng viên chúng tôi đặt câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ, lãnh đạo khi để xảy ra vi phạm tại khu công nghiệp Hoàng Mai do Hợp tác xã Thanh Tùng làm chủ đầu tư, tuy nhiên, cán bộ phòng này cho biết họ mới tiếp nhận công việc một thời gian ngắn, chính vì vậy không thể nắm rõ toàn bộ thông tin mà chỉ có thể cung cấp những thông tin mà cơ quan có lưu trữ lại.

Trụ sở UBND quận Hoàng Mai. 

Bàn về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường – ông Đặng Hùng Võ cho rằng, đã là vi phạm thì phải xử lý, cho dù đã hết nhiệm kỳ thì người kế nhiệm vẫn phải xử lý, làm đúng theo trình tự, đúng quy định của pháp luật, đó mới là lẽ công bằng.

Cứ xử lý đi có sao đâu? Quá sai lầm nếu cứ hết nhiệm kỳ là dừng lại, làm sai thì phải chịu trách nhiệm, ngay cả nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng còn cách chức được, đương chức hay không đương chức hay lên cao hơn vẫn phải xử lý”, nguyên Thứ trưởng nói.

Bên cạnh việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hà Nội còn cho rằng, để khiếm khuyết về thể chế, các nhà làm luật cũng phải chịu trách nhiệm khi ban hành những quy định bất cập, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Bài cuối: Vi phạm TTXD: Chủ đầu tư phải nộp lại lợi ích bất chính

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm TTXD: Cần có chế tài xử phạt người đứng đầu (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành