Thứ sáu, 29/03/2024 14:55 (GMT+7)

Vì sao chưa dự báo chất lượng không khí Hà Nội, TPHCM?

MTĐT -  Thứ sáu, 05/04/2019 17:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia cho rằng, việc dự báo chất lượng không khí sẽ giúp giảm thiểu đáng kể tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe con người.

Cách làm này đã được nhiều quốc gia thực hiện như Mỹ, Trung Quốc. Việt Nam cũng cần áp dụng, trước mắt là ở Hà Nội và TPHCM, những thành phố ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Giảm thiểu tác động sức khỏe

Chất lượng không khí (AQI) được chia làm 5 mức, tương đương với 5 mức khuyến cáo với người dân. Chỉ số AQI từ 0-50 thuộc nhóm tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ số AQI từ 51-100, chất lượng không khí trung bình, nhóm nhạy cảm gồm người mắc bệnh hô hấp, hen suyễn nên hạn chế thời gian bên ngoài. Chỉ số AQI từ 101-200, chất lượng không khí kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian bên ngoài. AQI từ 201-300, chất lượng không khí xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài. Với AQI trên 300, chất lượng không khí nguy hại, mọi người nên ở nhà

Với mạng lưới quan trắc của Hà Nội hiện nay gồm các trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ, Tổng cục Môi trường…đã cung cấp thông tin chất lượng không khí tức thời. Người dân có thể truy cập vào cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội (hanoi.gov.vn) hay một số ứng dụng như Pamair để biết chất lượng không khí Hà Nội hiện tại.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, dữ liệu về chất lượng không khí sẽ có giá trị hơn nhiều nếu được thông tin sớm dưới dạng dự báo. Nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, chất lượng không khí được dự báo như thời tiết, giúp người dân có thể chủ động kế hoạch của mình, nhất là trong những ngày ô nhiễm không khí lên cao. Từ đó giúp giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe- loại ô nhiễm được đánh giá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.

Dữ liệu của WHO cho thấy cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Chỉ riêng ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới. Khoảng bảy triệu ca tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí. Con số này cao hơn tổng số ca tử vong có nguồn gốc từ AIDS (1,1 triệu ca), lao (1,4 triệu ca), tiểu đường (1,6 triệu ca) và tai nạn giao thông (1,3 triệu ca).

Trong khi đó, ô nhiễm không khí ở Hà Nội được đánh giá là nghiêm trọng, thể hiện qua nhiều báo cáo như Báo cáo Môi trường Quốc gia về môi trường không khí (2013), Báo cáo Môi trường Quốc gia về môi trường đô thị (2016). Mới đây nhất, Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu 2018 do IQAir AirVisual hợp tác với Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) Đông Nam Á cho thấy, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 ở Đông Nam Á với chỉ số PM 2.5 trung bình 40,8 microgam/m3 (gấp 4 lần mức khuyến cáo của WHO).

Nhiều việc phải làm

Theo TS Hoàng Dương Tùng, về mặt công nghệ, việc dự báo chất lượng không khí hoàn toàn có thể thực hiện. Dựa trên số liệu về không khí, về khí tượng (như nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, địa hình, địa vật), dữ liệu về các nguồn phát thải, các mô hình tính toán hiện nay có thể đưa ra số liệu dự báo về chất lượng không khí. Nhiều quốc gia hiện nay dự báo chất lượng không khí trước 3-5 ngày.

Tuy nhiên, theo TS Tùng, khó khăn lớn nhất hiện nay ở Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng là vấn đề số liệu. Ông Tùng cho biết, mạng lưới quan trắc không khí ở Hà Nội hiện nay là quá mỏng. Trong số 10 trạm quan trắc mà thành phố Hà Nội lắp đặt gần đây, chỉ có 2 trạm fixed station có khả năng cung cấp các số liệu có độ chính xác cao, phục vụ công tác dự báo. Các trạm còn lại, ngay cả 2 điểm đo chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ cũng là các trạm đo sensor với số liệu mang tính tham khảo, không có độ chính xác cao. Theo TS Tùng, Hà Nội cần ít nhất 10 trạm quan trắc fixed station mới có thể có đủ số liệu phục vụ công tác dự báo.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết thêm, Việt Nam và Phần Lan đang có một dự án hợp tác xây dựng phần mềm tính toán, dự báo chất lượng không khí. Dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm nay và kéo dài khoảng 2 năm. Dự án này sẽ tiến tới xây dựng một phần mềm dự báo chất lượng không khí ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo ông Thức, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc xây dựng và mở rộng mạng lưới quan trắc để có đủ số liệu phục vụ công tác dự báo.

Ông Thức cũng cho biết thêm, trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Tổng cục Môi trường đang kiến nghị triển khai nhiều giải pháp. Trong giao thông ban hành quy chuẩn khí thải ô tô. Trong xây dựng sẽ siết chặt hoạt động bảo vệ môi trường trong các công trình xây dựng. Ngăn chặn hoạt động đốt rác thải, rơm rạ vùng ven đô. Hạn chế tiến tới chấm dứt sử dụng than đá, tổ ong ở Hà Nội và các vùng lân cận.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, giải quyết ô nhiễm không khí cần nhiều giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều bên từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, một số giải pháp có thể triển khai ngay như việc siết chặt bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng như xe ra vào công trường phải rửa lốp, việc phá dỡ các công trình xây dựng phải che chắn đúng quy định. Ngoài ra, cần sớm mở rộng hệ thống quan trắc, xây dựng dữ liệu chất lượng không khí đủ lớn để thực hiện dự báo chất lượng không khí.

Mạng lưới quan trắc không khí ở Hà Nội quá mỏng

Trong số 10 trạm quan trắc mà thành phố Hà Nội lắp đặt gần đây, chỉ có 2 trạm fixed station có khả năng cung cấp các số liệu có độ chính xác cao, phục vụ công tác dự báo. Các trạm còn lại, ngay cả 2 điểm đo chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ cũng là các trạm đo sensor với số liệu mang tính tham khảo, không có độ chính xác cao.

Theo Tiền phong

Bạn đang đọc bài viết Vì sao chưa dự báo chất lượng không khí Hà Nội, TPHCM?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.