Thứ sáu, 19/04/2024 12:00 (GMT+7)

Vì sao điểm thi tốt nghiệp tiếng Anh thấp nhất?

MTĐT -  Thứ sáu, 28/08/2020 11:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong 9 môn thi tốt nghiệp THPT 2020, tiếng Anh là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5 với số thí sinh bị điểm liệt nhiều nhất - 543.

Theo phổ điểm từng môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sáng 27/8, môn tiếng Anh có gần 750.000 thí sinh làm bài thi, trong đó gần 473.000 bị điểm dưới trung bình (chiếm 63,13%), 543 em bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), 225 em đạt điểm tuyệt đối (10).

Điểm trung bình môn này là 4,58 và mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4. So với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, hai con số này tăng khoảng 0,2 điểm nhưng vẫn khiến tiếng Anh "đội sổ" trong 9 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Phổ điểm môn tiếng Anh do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp.

Đối với kết quả này, nhiều giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh đều cảm thấy “chạnh lòng nhưng không bất ngờ”. Nhiều năm qua, môn tiếng Anh luôn có phổ điểm lệch hẳn sang trái, nhiều điểm trung bình hoặc dưới trung bình. Vậy nguyên nhân vì sao lại có tình trạng như vậy?

Theo các chuyên gia phân tích, có nhiều lý do khiến điểm tiếng Anh thấp hơn các môn khác. Thứ nhất, nếu không chọn tổ hợp xét tuyển đại học có tiếng Anh như D01 (Toán, Văn, Anh), A01 (Toán, Lý, Anh), A07 (Toán, Hóa, Anh) thì học sinh không quá quan tâm đến môn học. Nhiều học sinh đã có định hướng khối thi đại học và chỉ chú tâm học những môn này nên ngay từ đầu các em đã quan niệm thi tiếng Anh chỉ để tốt nghiệp nên không cố gắng học. Duy Thanh (Hà Nội) thi THPT quốc gia được 3 điểm môn tiếng Anh, nhưng không hề buồn mà cảm thấy may mắn vì không bị điểm liệt. Nam sinh này cho biết, vì học kém tiếng Anh nên càng lúc càng không thích và bỏ bê môn này. Giống như nhiều thí sinh khác, Thanh thi chỉ để lấy điểm đủ đỗ tốt nghiệp.

Thứ hai, đây là năm đầu tiên tiếng Anh trở thành môn thi bắt buộc, sự thay đổi này lại được thông báo muộn nên trở thành khó khăn cho những học sinh vốn chỉ tập trung cho các môn thi khác. Những năm trước tiếng Anh là môn thi tự chọn nên theo tư duy “truyền thống”, ngoài thí sinh ban D và những bạn có niềm yêu thích, các học sinh khác sẽ bỏ qua tiếng Anh để chỉ tập trung cho môn thi đại học dẫn đến việc bị mất gốc. “Năm nay lần đầu tiên tiếng Anh trở thành môn thi bắt buộc, với những người không biết tý gì hoặc mất gốc như em đây là khó khăn lớn. Chúng em không dung nạp kịp kiến thức và thích ứng được với cấu trúc đề thi có thêm phần tự luận, viết lại”, một học sinh nói.

Nguyên nhân thứ ba là việc học ngoại ngữ nói chung, đặc biệt môn tiếng Anh, hầu như chỉ được sự quan tâm của học sinh, phụ huynh ở thành phố, thị xã lớn. Ở thành phố lớn, phụ huynh và học sinh có xu hướng quan tâm tiếng Anh hơn. Dù không sử dụng để xét tuyển đại học, họ vẫn đầu tư cho con học tiếng Anh vì biết được tầm quan trọng của nó. Ngược lại, ở vùng nông thôn, đặc biệt những nơi có thế mạnh môn tự nhiên, nhiều thí sinh hoàn toàn không quan tâm đến tiếng Anh và chỉ học để mong thoát điểm liệt, đủ điểm tốt nghiệp. Điều kiện để học và tư duy coi trọng tiếng Anh cũng không bằng ở thành thị.

Đồng tình với quan điểm trên, giáo viên tiếng Anh của trường cấp ba công lập có tiếng ở Hà Nội cho rằng phổ điểm thi THPT môn tiếng Anh phản ánh đúng đến 90% thực tế học tập môn này. Từng giảng dạy ở trường “quê” Quảng Ninh rồi lên thủ đô dạy cả lớp chuyên ban A, D, cô giáo này cho biết, rất nhiều học sinh bị mất gốc tiếng Anh. Những em này vì đã dốt ngoại ngữ nên không yêu thích và giáo viên cố gắng dạy đến mấy cũng không ngấm kiến thức được.

Chính vì việc ngoại ngữ chỉ được chú trọng ở các thành phố lớn nên dẫn đến chất lượng giảng dạy ở các nơi không đồng đều. Điều kiện về kinh tế, cơ sở vật chất, các trung tâm dạy tiếng Anh nhiều hơn, giáo viên chất lượng tập trung ở thành thị đông hơn cũng góp phần nâng cao mặt bằng điểm tiếng Anh. Còn ở nhiều nơi khác, chuyện giáo viên ngoại ngữ dạy sai, phát âm sai là hoàn toàn bình thường.

Điểm thi tiếng Anh thấp đã trở thành mối quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2019, ngay sau kỳ thi THPT quốc gia, Bộ đã tổ chức tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh. Các chuyên gia cho rằng một trong những lý do lớn là việc tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ bậc phổ thông, hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3).

Nhìn vào phổ điểm thi THPT quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo GS Trần Xuân Nhĩ đặc biệt trăn trở với điểm Ngoại ngữ vì nhiều thí sinh có điểm thấp quá. Với trình độ như vậy, việc hội nhập với quốc tế của Việt Nam sẽ khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, giáo sư Nhĩ cho rằng nên thay đổi quy định không cho trẻ mẫu giáo học ngoại ngữ, chỉ dạy học từ năm lớp 3 như hiện nay. "Điều này là chưa hợp lý bởi trẻ nhỏ dễ tiếp thu ngôn ngữ nhất. Học sinh ở Singapore vào tiểu học là đã biết 1.000-2.000 từ tiếng Anh rồi", ông nói và kể rằng khi mang đề thi tiếng Anh THPT quốc gia của Việt Nam cho một học sinh lớp 3 của Singapore, em này đã làm gần đúng hết.

"Tôi nhớ có lần ông Lý Quang Diệu sang thăm Việt Nam nói lý do đất nước họ phát triển, một trong số đó là chú trọng dạy ngoại ngữ cho toàn dân tộc, để người dân đi khắp thế giới kiếm tiền về và những người trên thế giới cũng có thể tới Singapore phát triển kinh tế", GS Nhĩ chia sẻ./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao điểm thi tốt nghiệp tiếng Anh thấp nhất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?