Thứ sáu, 29/03/2024 01:14 (GMT+7)

Vì sao hàng loạt cây cổ thụ trên nhiều con đường trung tâm TP.HCM bị đốn hạ?

MTĐT -  Thứ hai, 29/11/2021 09:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhóm Bảo vệ Di sản ngày 27.11 đã gửi Thư đề nghị cung cấp thông tin về việc chặt cây xanh tới lãnh đạo TP.HCM và các cơ quan chức năng. Đây là những cây quý không chỉ bởi độ cao lớn mà còn giá trị ở chỗ nó đã làm nên hồn của đô thị từ những ngày đầu...

Hình ảnh những cây dầu cổ thụ bị cắt ngọn, cưa thành từng khúc trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày 26.11 đã nhanh chóng được nhiều người đăng tải lên mạng xã hội với nhiều dòng chia sẻ sự tiếc nuối, xót xa. Giới chuyên môn hữu quan cũng không đứng ngoài cuộc, khi đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc đốn hạ hàng loạt cây cổ thụ diễn ra trong những ngày qua.

Trong đó, Nhóm SHV (Save Heritage Vietnam - Nhóm Bảo vệ Di sản) gồm các thành viên là những người thuộc chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản, yêu quý và luôn có các hoạt động giữ gìn di sản, giữ gìn mảng xanh đô thị... đã có Thư đề nghị cung cấp thông tin, gửi tới lãnh đạo TP.HCM Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây Dựng TP.HCM), Công ty Công viên cây xanh (Sở Giao thông TP.HCM) về việc chặt cây trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều con đường trung tâm Thành phố.

Xác nhận với phóng viên Người Đô Thị, đại diện Nhóm SHV cho biết đã gửi Thư đề nghị cung cấp thông tin về việc chặt cây xanh tới lãnh đạo TP.HCM và các cơ quan nêu trên vào hôm nay (27.11). Theo vị này lý do gửi thư tới lãnh đạo TP.HCM là trong mấy tuần nay trên địa bàn quận 1, quận 3 đang cho chặt hạ trên diện rộng các cây xanh đô thị là những cây lâu năm, đang cho bóng mát và đặc biệt, những hàng cây gắn liền với thành phố này, với con người Sài Gòn.

Theo đại diện Nhóm SHV thì "các hàng cây dầu được trồng từ thời Pháp trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Pasteur và đường Trần Quốc Thảo tuy có tuổi đời gần trăm năm nhưng là loài cây được cho là rất kiên cường, sống khỏe và ổn định lâu năm.

Những thân cây còn nguyên nhựa sống, chưa hề có dấu vết của sự mục ruỗng. Để cây có một tán cây cao như những cây dầu ở trung tâm thành phố hiện nay, chúng ta phải mất rất nhiều thời gian. Đây là những cây quý không chỉ bởi độ lớn của nó, nó có giá trị vì nó làm nên hồn của đô thị từ những ngày đầu".

"Trong khi có bao nhiêu cuộc hội thảo "đô thị xanh", "phát triển bền vững" được diễn ra trong thành phố với những cam kết làm xanh hóa thành phố, giữ gìn mảng xanh cho đô thị thì trên thực tế, các cây xanh vẫn đang bị đốn hạ hàng ngày", đại diện Nhóm SHV nêu thực trạng, đồng thời chia sẻ thêm với phóng viên, qua Thư đề nghị cung cấp thông tin, nhóm những người thuộc chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản, yêu quý và luôn có các hoạt động giữ gìn di sản, giữ gìn mảng xanh đô thị này đặt ra một số câu hỏi cho cơ quan hữu quan nêu trên: về lý do chặt cây, kế hoạch tiếp theo sẽ còn chặt bao nhiêu cây? Có kế hoạch trồng lại cây vào vị trí đã chặt không? Chủng loại cây và kế hoạch trồng hoàn trả như thế nào? Khối lượng gỗ từ số cây bị đốn hạ sẽ được xử lý thế nào? Theo văn bản hướng dẫn của ai?...

Vì sao hàng loạt cây cổ thụ trên nhiều con đường trung tâm TP.HCM bị đốn hạ?
Vì sao hàng loạt cây cổ thụ trên nhiều con đường trung tâm TP.HCM bị đốn hạ?
Hàng dầu ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang bị đốn hạ. Ảnh chụp trưa 26.11. Ảnh: Chiến Bầu

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày qua, nhiều cây cổ thụ đã bị đốn hạ tại một số con đường ở trung tâm TP.HCM mà mới nhất, sáng ngày 26.11, nhiều cây dầu cổ thụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) bị chặt hạ, đào tận gốc trốc tận rễ nằm vất vưởng trên vỉa hè.

Đây là những cây dầu cổ thụ được trồng từ thời Pháp, gắn với đời sống sinh hoạt và là ký ức của bao thế hệ người Sài Gòn.

Đi tìm câu trả lời cho việc vì sao chặt cây cổ thụ, báo Pháp luật TP.HCM dẫn chia sẻ của ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Việc đốn hạ cây ở trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải phục vụ dự án nào mà từ việc thời gian qua có cây ở trục đường này bật gốc vào Thảo Cầm Viên gây nguy hiểm. Việc đốn cây là trong kế hoạch rà soát xử lý cây xanh gây mất an toàn vẫn thường làm".

Trước đó, vào ngày 9.10 vừa qua, đã có một cây dầu bật gốc ngã vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm khoảng 3 m tường sập và gây hư hỏng chuồng rái cá.

Tờ báo cũng liên hệ trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) chiều dài chưa đến 1,5 km nhưng là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn. Thời Pháp con đường được đánh dấu là đường số 2. Các cột mốc, năm 1871, 1897, 1936 và 1943 đường được lần lượt được đổi tên thành: Tây Ninh, Rousseau, Docteur Angier, Angier. Và đường chính thức mang tên học giả Nguyễn Bỉnh Khiêm từ ngày 22.3.1955.

Trong đó, đoạn đường giao từ Lê Duẩn đến Nguyễn Hữu Cảnh được nhận xét là con đường yên tĩnh, xanh mát bậc nhất của Sài Gòn, đã góp nên lời nhạc cho ca khúc “Con đường tình ta đi” của cố nhạc sĩ Phạm Duy: “Lá đổ để đưa đường hỡi người tình Trưng Vương…”.

Trong khi đó, trả lời báo chí sáng 27.11, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM khẳng định việc đốn hạ những cây xanh nêu trên đã được Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM phê duyệt.

Vì sao hàng loạt cây cổ thụ trên nhiều con đường trung tâm TP.HCM bị đốn hạ?
Vì sao hàng loạt cây cổ thụ trên nhiều con đường trung tâm TP.HCM bị đốn hạ?
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM khẳng định việc đốn hạ những cây xanh nêu trên đã được Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM phê duyệt. Ảnh chụp trưa 26.11. Ảnh: Chiến Bầu

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, cho biết đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có 3 cây dầu được đốn hạ trong thời gian từ 24 - 26.11. Những cây này già cỗi, lệch tán, thân cong nghiêng vào phía trong, rễ nổi gây hư bó vỉa hè và có nguy cơ bật gốc. Tại vị trí các cây này, công ty sẽ trồng lại loại cây me chua để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, 11 cây xanh còn lại thuộc các giống sao đen, me tây, kèn hồng, dầu, lim sét nằm dọc các tuyến đường như Pasteur, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), Hồng Bàng, Nguyễn Kim (quận 5), Trần Hưng Đạo (quận 1)… cũng được đơn vị đốn hạ trong thời gian tới.

Ông Sơn khẳng định qua khảo sát, các cây này đều có dấu hiệu hư hỏng, không còn bảo đảm an toàn nên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã đề xuất đốn hạ để thay mới. Những cổ thụ này không thể cắt tỉa do đặc thù cây khi cắt tỉa chỉ còn lại phần thân như trụ điện, rất khó sống. "Việc cắt tỉa, đốn hạ cây xanh nằm trong kế hoạch duy tu, chăm sóc hệ thống cây xanh trên địa bàn TP.HCM hằng năm. Những cây rậm rạp sẽ được cắt tỉa, còn những cây hư hỏng sẽ được thay mới" - ông Sơn giải thích.

Vì sao hàng loạt cây cổ thụ trên nhiều con đường trung tâm TP.HCM bị đốn hạ?
Cây cổ thụ trước trường Trưng Vương bị đốn hạ. Ảnh: Đặng Thanh Hưng
Vì sao hàng loạt cây cổ thụ trên nhiều con đường trung tâm TP.HCM bị đốn hạ?
Những thân cây có đường kính bốn, năm người ôm. Ảnh: Minh Hòa
Vì sao hàng loạt cây cổ thụ trên nhiều con đường trung tâm TP.HCM bị đốn hạ?
Những gốc cây cổ thụ sau khi bị đốn hạ, đào tận gốc trốc tận rễ nằm vất vưởng trên vỉa hè. Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM

* Thời gian qua như Người Đô Thị đã nhiều lần đưa tin, trong công cuộc chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình giao thông, Thành phố đã cho chặt hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đường. Chẳng hạn những vụ chặt cây quy mô có thể kể đến là hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Huệ, Công trường Lam Sơn (quận 1), Công viên Gia Định (Gò Vấp)...

Mới đây, phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị ở trung tâm TP.HCM, trong số 178 cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng, sẽ có 146 cây bị đốn hạ và 32 cây bứng dưỡng. Kế hoạch này thu hút được sự chú ý đặc biệt của người dân, vì vậy sau khi Người Đô Thị đăng tải bài viết "Chặt 146 cây xanh để chỉnh trang bến Bạch Đằng: Muốn hiện đại phải triệt hạ thiên nhiên?" của TS. Nguyễn Thị Hậu - bài viết với cách tiếp cận cây xanh như một thành tố quan trọng của di sản đô thị, đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo bạn đọc và dư luận xã hội.

Đặc biệt phản hồi đến tòa soạn sau khi nắm bắt thông tin thành phố có thể sẽ chặt hàng loạt cây xanh, nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, nghiên cứu di sản, thị dân đã rất bức xúc cho rằng, quyết định đó không chỉ tiếp tục triệt hạ mảng xanh đang ngày càng hao hụt ở TP.HCM, mà còn đi ngược lại chủ trương “hạn chế ảnh hưởng, di dời, đốn hạ cây xanh…” của UBND TP.HCM tại văn bản số 3421/UBND - ĐT (tháng 9.2020) hướng dẫn xử lý cây xanh bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng công trình trên địa bàn thành phố.

Họ kiến nghị lãnh đạo TP.HCM xem xét lại quyết định này, để có một phương án chỉnh trang phù hợp với hiện trạng cây xanh ở bến Bạch Đằng mà không làm ảnh hưởng đến 178 cây xanh, đồng thời nhất quán với chủ trương quản lý cây xanh trong văn bản nêu trên: ngay từ bước lập dự án, các đơn vị phải khảo sát hệ thống cây xanh hiện hữu xung quanh công trình và nghiên cứu, đề xuất giải pháp, phương án thiết kế phù hợp để hạn chế ảnh hưởng, di dời, đốn hạ cây xanh...

Bạn đang đọc bài viết Vì sao hàng loạt cây cổ thụ trên nhiều con đường trung tâm TP.HCM bị đốn hạ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Đô Thị

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.