Thứ sáu, 29/03/2024 22:19 (GMT+7)

Vì sao liên tục xảy ra tai nạn giao thông thảm khốc trên QL5?

MTĐT -  Thứ năm, 25/07/2019 17:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, QL 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương trở thành tuyến đường "tử thần" khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Chỉ trong 2 ngày 23 và 24/7, trên quốc lộ (QL) 5 (đoạn qua huyện Kim Thành, Hải Dương) đã xảy ra tới 4 vụ tai nạn giao thông làm 7 người chết, 3 người bị thương.

Trước đó, vào ngày 21/1/2019, trên Quốc lộ 5, thuộc địa phận xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương cũng xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc khiến 8 người tử vong.

Theo thông tin trên vov, trong năm 2018, trên Quốc lộ 5 qua Hải Dương xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông làm 29 người chết, 13 người bị thương. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có 21 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến quốc lộ này khiến 28 người chết, 22 người bị thương, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương xảy ra hồi tháng 1 khiến 8 người tử vong. Ảnh: Internet.

Quy định tốc độ thiếu hợp lý

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hải Dương, tai nạn giao thông trên tuyến này chủ yếu do lái xe không làm chủ tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; thiếu chú ý quan sát; tránh vượt không đúng quy định. Đáng buồn là những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng giờ đã không còn là chuyện hiếm và nhiều năm rồi, qua rất nhiều hội nghị quốc gia về an toàn giao thông, vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu để những hậu quả đau lòng ấy không tiếp tục xảy ra.

Theo tiến sỹ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, với mật độ dân cư như vậy, Quốc lộ 5 bây giờ đã trở thành đường phố chứ không thể gọi là đường cao tốc được nữa. Với đặc thù đó, tuyến đường này chỉ nên quy định chạy 50 km/h là hợp lý, và vì vậy tốc độ lên đến 80km/h như hiện nay là không hợp lý với lưu lượng người xe đông đúc như thế. Vì vậy cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý về tốc độ và quản lý lái xe.

"Chúng ta phải nghiên cứu xem bây giờ nhà của nhân dân trên đường sát vào nhau rồi và rất gần quốc lộ. Vì vậy cần xác định đây là khu dân cư liền kề. Như vậy chúng ta phải quy định tốc độ ở khi vực này chỉ là 60km/h, không được chạy 80km/h. Tôi nghĩ rằng biện pháp quản lý tốc độ có thể gây khó chịu cho một số lái xe nhưng đây chính là điều kiện mấu chốt để giải quyết an toàn", TS. Tạo nói.

Cũng theo ông Tạo, khi lái xe đến các đoạn đường này thì phải luôn làm chủ tốc độ và làm chủ mọi điều kiện an toàn. Người lái xe phải làm chủ điều kiện an toàn, đấy mới là mấu chốt. Vì vậy phải giáo dục lái xe như vậy, chứ không phải cứ ôm vô lăng là chạy bạt mạng. Vẫn còn nhiều lái xe đi ẩu và những người lái xe vô trách nhiệm. Đấy chính là nguyên nhân gây tai nạn đáng tiếc. Vì vậy, cần phải siết chặt lại trong đó có siết chặt công tác đào tạo và siết chặt công tác sử dụng lái xe.

Vụ tai nạn xảy ra sáng 23/7 làm 5 người chết. Ảnh: Internet.

Quốc lộ 5 đã quá tải từ nhiều năm nay

Theo Vnexpress, lý giải về việc tuyến đường này trở thành "điểm đen giao thông", đại diện Tổng cục Đường bộ nói một trong các nguyên nhân là quốc lộ 5 đã quá tải từ nhiều năm nay.

Nối Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 5 hiện đạt trung bình 56.000 xe mỗi ngày đêm, mặc dù thiết kế của tuyến đường này chỉ 17.000 lượt; hơn 50% số phương tiện là xe tải trên 10 tấn, xe container.

Trong khi đó, dân cư sống hai bên đường ngày càng đông đúc, nhiều nơi người dân thường sử dụng lối mở sang đường dù ngành giao thông đã cảnh báo về nguy cơ mất an toàn. Theo nhiều người dân ở huyện Kim Thành, dù biết nguy hiểm nhưng họ vẫn chọn lối mở "vì nếu đi qua cầu vượt thì chúng tôi phải đi thêm hơn 3 km rất bất tiện".

Ông Vũ Xuân Phong - Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương cho hay, "nhiều đoạn hàng rào dải phân cách bị người dân khoét lỗ để đi lại, lực lượng chức năng cứ rào chắn rồi lại bị phá; biện pháp tốt nhất là xây cầu vượt và đường gom trên tuyến này, song việc này chưa thực hiện được theo yêu cầu do kinh phí hạn chế", ông Phong nói.

Theo ông, nhiều năm qua, tỉnh Hải Dương đã kiến nghị làm đường gom 4 km đi dọc đường sắt để xóa 100 điểm giao cắt với đường sắt trên quốc lộ 5, tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng nhưng chưa được cấp trên phê duyệt.

Do được đưa vào khai thác sử dụng từ lâu và đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều điểm mặt đường trồi lún ảnh hưởng đến trật tự, ATGT và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng. Dọc tuyến tồn tại hàng loạt điểm vạch sơn kẻ đường chưa đúng quy chuẩn 41:2016 của Bộ GTVT, thậm chí có đoạn dài hàng km vạch sơn đã mờ, không phân định rõ ranh giới làn phương tiện.

Người dân chờ băng qua đường ở lối mở trên quốc lộ 5. Ảnh: Tuổi trẻ.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Trưởng ban quản lý bảo trì quốc lộ 5 thuộc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho hay, Vidifi đã lập dự án cải tạo mặt đường quốc lộ 5 từ Km 46 đến Km 76, tuy nhiên do vướng thủ tục đầu tư nên dự kiến đầu năm 2020 mới tiến hành sửa chữa.

"Trước mắt, với những đoạn đường hư hỏng thì chúng tôi sửa chữa tạm", đại diện Vidifi nói và cho rằng trong khi quốc lộ 5 chưa thể mở rộng, đường gom còn thiếu, các địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Về phía Vidifi, thời gian tới sẽ rà soát để tổ chức lại giao thông trên quốc lộ 5, lắp đặt thêm gờ giảm tốc tại các nút giao cắt, đường ngang; đóng một số điểm mở không đảm bảo an toàn và thay thế bằng cầu vượt.

"Chúng tôi cũng sẽ cắm thêm biển hạn chế tốc độ, tăng đèn tín hiệu giao thông tại một số đường ngang", ông Nguyễn Văn Huỳnh nói.

Trước đó, sáng 23/7, một chiếc xe ô tô 16 chỗ khi di chuyển trên QL5 thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương đã đâm tử vong 1 cụ già đi xe đạp thể dục buổi sáng.

Chiếc xe gây tai nạn đỗ tại hiện trường bật đèn cảnh báo. Lúc 6h45, tại vị trí này có nhiều người đứng xem tai nạn, thì 1 xe tải đi tới, bất ngờ đâm rồi lật đè vào đoàn người đứng bên đường. Vụ tai nạn khiến 5 người chết, 2 người bị thương.

Qua tai nạn giao thông ngày 23/7, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ rà soát toàn bộ hệ thống quốc lộ trên cả nước, nhất là quốc lộ có lưu lượng lớn, khu công nghiệp, đô thị để xem xét cắm biển báo, đèn tín hiệu, đường gom, cầu vượt để nâng cao an toàn cho người dân.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao liên tục xảy ra tai nạn giao thông thảm khốc trên QL5?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới