Thứ bảy, 20/04/2024 00:15 (GMT+7)

Vì sao nước nghèo lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì biến đổi khí hậu?

MTĐT -  Thứ năm, 20/06/2019 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu trong cuộc sống chúng ta. Mà theo WB, người nghèo chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

BĐKH khiến nước nghèo bị thiệt hại 390 tỷ USD

Theo TTXVN, mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các thảm họa tự nhiên do tình trạng biến đổi khí hậu như lũ lụt và dông bão khiến các quốc gia nghèo chịu thiệt hại hàng trăm tỷ USD/năm do cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Theo WB, tình trạng cắt điện, cắt nước và rối loạn giao thông do thời tiết khắc nghiệt cộng thêm sự quản lý và duy tu yếu kém đối với hệ thống cầu đường, trạm điện khiến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chịu thiệt hại 390 tỷ USD (350 tỷ euro)/năm.

Theo dự báo, khoảng 66% dân số thế giới sẽ sống tại các thành thị vào năm 2050, tăng so với mức 55% hiện nay. Trước yêu cầu cần xây dựng thêm nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư đang tập trung vào các dự án ưu tiên, để đảm bảo chống chọi được các cú sốc do khí hậu gây ra trong tương lai.

WB dự báo đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tiêu tốn của các nước đang phát triển khoảng 4.200 tỷ USD trong dài hạn. Trong khi đó, WB ước tính sự gián đoạn về mạng lưới giao thông, cắt nước do thời tiết cực đoan khiến các nước đang phát triển thiệt hại khoảng 18 tỷ USD/năm.

Châu Phi chịu nhiều ảnh hưởng nhất

Mới đây, Liên minh châu Phi (AU) ra tuyên bố cho biết, châu lục này đang là khu vực phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, đứng thứ hai về mức độ nghiêm trọng, chỉ sau các khu vực vùng cực (Bắc cực và Nam cực). Những tác động tiêu cực này đã cản trở sự phát triển kinh tế của “lục địa đen”.

Các nước châu Phi đang ngày càng dễ bị tổn thương do tình trạng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt kéo dài, đe dọa sự phát triển kinh tế và tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Nền nhiệt trung bình tăng lên từ 3 – 4oC sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho châu Phi, làm tăng nguy cơ hạn hán khắc nghiệt, nhất là ở khu vực miền nam, đe dọa lĩnh vực nông nghiệp.

Thống kê cho thấy, có tới 90% thảm họa thiên nhiên ở khu vực miền nam sa mạc Xa-ha-ra là hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu, làm giảm từ 10 đến 20% sản lượng kinh tế của các nước trong khu vực này.

Sự phát triển kinh tế xã hội, tình trạng biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi ở châu Phi có mối liên hệ mật thiết với nhau. “Mối liên kết” giữa biến đổi khí hậu và bất ổn an ninh cũng ngày càng bộc lộ rõ. Sự xuất hiện và phát triển của các nhóm thánh chiến phần nào liên quan tình trạng nghèo đói của người dân.

Các chuyên gia cảnh báo, gần 50% GDP của châu Phi (khoảng 1.400 tỷ USD) có nguy cơ bị mất vào năm 2023, do tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Rủi ro đối với nền kinh tế châu Phi cao hơn rất nhiều so với các châu lục khác, bởi các thành phố lớn ở châu lục này đang phải đối mặt các vấn đề như thiếu nước sinh hoạt, điều kiện vệ sinh dịch tễ yếu kém... Dân số tăng nhanh và cơ sở hạ tầng lạc hậu đã đẩy gần 70% số thành phố ở châu Phi đứng trước nguy cơ từ các mối đe dọa do tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo Chỉ số tổn thương do biến đổi khí hậu năm 2018, trong danh sách 84 trong số 100 thành phố có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới đang đứng trước “nguy cơ nghiêm trọng” do tác động của biến đổi khí hậu, có tới 79 thành phố thuộc châu Phi. Ðáng lo ngại hơn, trong tốp 10 thành phố chịu nhiều rủi ro nhất do biến đổi khí hậu, có tám đại diện đến từ châu Phi, đứng đầu là thủ đô Bangui của CH Trung Phi, thủ đô Monrovia của Liberia.

Thủ đô Kinshasa của CHDC Congo là một mối quan ngại đối với các nhà đầu tư. Thành phố có 13,2 triệu dân này thường xuyên hứng chịu mưa bão, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Các nguy cơ đối với nền kinh tế CHDC Congo sẽ gia tăng khi dân số của thành phố này được dự báo sẽ đạt mốc 26,7 triệu người vào năm 2035.

Vì sao lại tác động lên người nghèo?

Bằng chứng mới về việc các nước nghèo sẽ chịu những ảnh hưởng tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đã cho thấy số lượng những ngày nắng nóng ở các nước nhiệt đới đang phát triển có khả năng tăng lên rõ rệt khi hiện tượng nóng lên toàn cầu xảy ra.

Theo dự đoán lâu nay, người nghèo sẽ gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, chủ yếu là bởi vì có quá nhiều người nghèo nhất trên thế giới sống ở các vùng nhiệt đới, trong khi đó, những người giàu có xu hướng sống ở vùng ôn đới hơn.

Những người sống ở các nước nghèo nhất cũng phải chịu nhiều mất mát bởi đa phần họ phụ thuộc vào nông nghiệp. Ảnh minh họa: Internet.

Điều này ngược với trách nhiệm chung về biến đổi khí hậu được thông qua. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc về các nước giàu, những nước được hưởng lợi ban đầu từ ngành công nghiệp nên có lượng khí thải cao lâu nay so với các nước nghèo hơn.

Chỉ tính riêng năm 2014, lượng khí thải bình quân đầu người của Trung Quốc đã bắt kịp với lượng khí thải của EU, thậm chí sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế trên mức trung bình ở Trung Quốc.

Những người sống ở các nước nghèo nhất cũng phải chịu nhiều mất mát bởi đa phần họ phụ thuộc vào nông nghiệp, trong khi đó, nông nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiệt độ và hạn hán gia tăng, đồng thời, những đợt nóng và thay đổi lượng mưa lớn có thể dẫn đến lũ lụt, hạn hán và bão cường độ cao thường xuyên.

Nghiên cứu được dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu của trường Đại học Đông Anglia (UEA), nơi đầu tiên xem xét mối liên hệ giữa lượng khí thải CO2 tích lũy và những ngày nắng nóng thường xuyên hơn.

Được biết, trái đất đã ấm lên khoảng 1oC kể từ thời điểm diễn ra của Cách mạng Công nghiệp. Và, nếu tất cả các quốc gia đều thực hiện đúng với cam kết đã đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - điều mà đến nay vẫn chưa đi đúng theo lộ trình cần thiết - lượng nhiệt tăng thêm có thể duy trì ở mức 2oC.

Dù vậy, thậm chí là với kịch bản 2oC, nền kinh tế vẫn sẽ hứng chịu thiệt hại. Nhà địa chất học Diffenbaugh nói: “Lượng nhiệt tăng lên gấp đôi sẽ kéo theo nhiều tác động hơn là việc hết sức hiển nhiên”. Và, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, nhiệt độ tăng thêm của trái đất sẽ không chỉ dừng ở mức 2oC.

Nghiêm trọng hơn, Tổ chức Khí tượng Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc dự báo, dù tất cả các nước đã ký Hiệp định Paris cùng hành động vì biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất vẫn sẽ tăng thêm 3oC. Vài trong số các quốc gia gây ô nhiễm nhất thậm chí đã có chính sách ứng phó với kịch bản trái đất nóng lên tới 5oC.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nước nghèo lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì biến đổi khí hậu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...