Thứ sáu, 29/03/2024 01:57 (GMT+7)

Vì sao Sài Gòn liên tục mưa to hiếm gặp giữa mùa nóng?

MTĐT -  Thứ tư, 05/04/2017 09:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù đang là mùa khô nhưng những ngày qua, người Sài Gòn vừa trải qua cơn mưa to bất thường. Chuyên gia dự báo khí tượng cho rằng ngoài các nguyên nhân khách quan thì biến đổi khí hậu..

Từ ngày 30, 31/3 đến ngày 4/4, người Sài Gòn đã phải “chịu trận” những cơn mưa trái mùa. Trong đó, ngày 1/4, mưa to kéo dài đã khiến nhiều người không kịp trở tay và phải bất lực dắt xe đi trong biển nước. Vậy vì sao giữa mùa khô, TP.HCM lại xuất hiện những cơn mưa to kéo dài như vậy, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi cùng thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ để bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này.

Sự bất thường của thời tiết TP.HCM

* Chào ông, xin ông cho biết diễn biến thời tiết ở TP.HCM năm nay khác mọi năm thế nào?

Theo số liệu nhiều năm thì vào mùa khô (thường từ giữa, cuối tháng 11 năm trước đến đầu tháng 5 năm sau) thời tiết ít mưa, thỉnh thoảng xuất hiện những trận mưa trái mùa, lượng mưa thường chỉ vài mm, tổng lượng mưa các tháng trong mùa khô chỉ dao động từ 5 - 20mm.

Riêng năm 2017 rất đặc biệt, số trận mưa nhiều, đã xuất hiện một số trận mưa to với lượng trên 100 mm, xuất hiện đợt mưa liên tục từ ngày 30 đến hôm nay, còn có thể kéo dài thêm 2 ngày nữa, có trận mưa to như ngày 1.4 thì chưa từng xảy ra trước đây trong mùa khô ở TP.HCM.

* Xin ông cho biết vì sao mưa trái mùa ở TP.HCM lại to và kéo dài bất thường như vậy?

Từ ngày 30, 31 tháng 3, áp cao lạnh lục địa cực đới mạnh lên đã nén áp thấp nóng phía tây lùi xuống phía nam, trên tầng cao áp cao cận nhiệt đới rút ra phía đông tạo điều kiện cho gió đông nam mang hơi ẩm từ biển vào. Ngay khu vực Nam Bộ hình thành những nhiễu động trên tầng cao, do đó gây mưa, dông.

Riêng ngày 1 tháng 4 do trên tầng cao áp cao cận nhiệt đới nâng trục lên phía bắc, kéo rãnh áp thấp xích đạo lên gần với TP.HCM, trên rãnh thấp xuất hiện những nhiễu động nên đã gây mưa rất to. Ngày 2,3,4 rãnh áp thấp xích đạo vẫn tồn tại ở khoảng 4 - 7 độ vĩ bắc, rãnh áp thấp này là nguyên nhân chính gây mưa cho TP.HCM những ngày qua. Thông thường vào thời kỳ này hàng năm ở TP.HCM rất ít khi rãnh áp thấp xích đạo có vị trí cao và tồn tại lâu như vậy.

Đợt mưa trái mùa năm nay xuất hiện số trận mưa nhiều hơn, lượng lớn hơn rất nhiều vì ngay trong mùa mưa TP.HCM cũng ít có những trận mưa to như vậy.

Lượng mưa đo được tại một số trạm ở TP.HCM trong ngày 1.4 (ngày mưa to nhất) như sau: Tân Sơn Hòa 162,9 mm; Nhà Bè 42,7 mm; Thủ Đức: 56,6 mm; Mạc Đĩnh Chi 37,7 mm,…

* Khi nào đợt mưa trái mùa này sẽ kết thúc, thưa ông?

Trong 1 - 2 ngày tới TP.HCM vẫn còn mưa, lượng mưa ở mức mưa vừa, có nơi mưa to, kèm dông, sét, gió giật mạnh. Từ khoảng ngày 7.4 đợt mưa trái mùa này sẽ kết thúc.

* Xin hỏi ông, vì sao khoảng thời gian này, buổi tối và sáng sớm TP.HCM hay trở lạnh và có sương mù?

Vào mùa khô thường là thời tiết oi bức, nhiệt cao, độ ẩm không khí thấp. Từ ngày 30.3 liên tục đến 4.4 TP.HCM có mưa, nên độ ẩm không khí khá cao (nhiều hơi nước trong không khí), trời nhiều mây nên nền nhiệt giảm, nên buổi sáng dễ có điều kiện hình thành lớp mù làm giảm tầm nhìn ngang dưới 10 km nhưng vẫn trên 1 km.

TP.HCM có thể có bão trong mùa mưa

* Dự báo từ giờ đến cuối năm, thời tiết ở TP.HCM diễn biến thế nào thưa ông?

Theo nhận định, nửa cuối năm 2017 ElNino nhiều khả năng quay lại, thời tiết như sau: mùa mưa Nam Bộ sẽ phổ biến bắt đầu từ đầu, giữa tuần tháng 5, lượng mưa các nơi phổ biến bằng hoặc ít hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN); những tháng đầu năm lượng mưa vượt TBNN, những tháng cuối năm sẽ hụt so với TBNN; Nhiệt có xu hướng cao hơn so với TBNN. Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn, trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, nhiều khả năng sẽ có bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Bộ nói chung, TP.HCM nói riêng.

Cẩn trọng với mưa trái mùa

* Ông có khuyến cáo gì đến người dân trong việc đề phòng thời tiết cực đoan những ngày tới?

Nam Bộ đang chuẩn bị sang giai đoạn chuyển mùa, khí quyển có sự bất ổn định lớn, vì vậy thường xuất hiện những hiện tượng mưa to, dông, sét, gió giật mạnh, thời điểm xảy ra thường vào chiều tối. Người dân cần đề phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với nước mưa, lưu ý khi có mưa, dông cần phòng tránh gió giật mạnh làm cây gãy, đổ, biển quảng cáo rớt vào người gây thương tích, nguy hiểm.

Sau đợt mưa này dự báo sẽ lại xuất hiện những ngày có nắng nóng, nhiệt độ cao (trên 35 độ), oi bức, lại xuất hiện mưa đột ngột nên dễ gây cảm, các bệnh về hô hấp. Cần lưu ý bảo quản thức ăn do trời oi bức dễ bị ôi thiu. Các hộ dân sản xuất trồng rau, hoa màu chủ động bảo vệ, tránh những trận mưa rào mạnh, gió giật gây thiệt hại.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần lưu ý mưa trái mùa thường bất ngờ, cường độ mạnh, thời gian ngắn, hay kèm dông, lốc nên làm gãy đổ cây, biển quảng cáo, phá hoại hoa màu (vườn rau, cây trái) vì người dân chủ quan. Mưa trái mùa cũng gây ngập lụt cục bộ, khó khăn cho giao thông.

Do tâm lý chủ quan, người dân không mang áo mưa nên dễ trực tiếp tiếp xúc với nước mưa. Nước mưa từ mưa trái mùa thường độc vì cuốn theo nhiều bụi, các chất ô nhiễm trong không khí. Mặt khác trong nền nhiệt độ cao đột ngột chuyển mưa, cơ thể không kịp thích ứng, dễ gây cảm.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Thanh niên

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Sài Gòn liên tục mưa to hiếm gặp giữa mùa nóng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.