Thứ sáu, 29/03/2024 14:17 (GMT+7)

Vì sao thương mại điện tử tại Việt Nam chưa 'bùng nổ' như kì vọng?

MTĐT -  Thứ hai, 04/05/2020 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại dịch COVID-19 bùng phát đang mang lại cơ hội to lớn cho thương mại điện tử phát triển khi hàng tỷ người trên khắp thế giới phải tuân thủ các sắc lệnh yêu cầu ở trong nhà hoặc giãn cách xã hội.

Thương mại điện tử trong bối cảnh đó đang bùng nổ ở nhiều khu vực trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng của ngày hôm nay mang đến những thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các nhà bán lẻ thay đổi nhằm theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử.

Tại Việt Nam, báo cáo của iPrice Group tiết lộ Tiki đã trở lại top 2 các sàn TMĐT Việt Nam sau hai quý bị Sendo qua mặt. Sau 3 tháng đầu năm, website của Tiki đạt 23,99 triệu lượt truy cập/tháng, giảm nhẹ 500.000 lượt/tháng so với quý 4/2019, nhưng vẫn ổn định nếu so với hai đối thủ Lazada Việt Nam và Sendo.

Lượng truy cập vào Lazada Việt Nam và Sendo trong quý 1 lần lượt giảm 7,3 triệu lượt/tháng và 9,6 triệu lượt/tháng. Hai sàn này cũng lần lượt xếp sau Tiki.

Hạng 1 toàn quốc vẫn là Shopee Việt Nam với 43,16 triệu lượt truy cập website/tháng. Shopee Việt Nam còn tăng thêm 5,2 triệu lượt truy cập website/tháng so với quý trước. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp Shopee đạt tăng trưởng về lượng truy cập website.

Như vậy lượng truy cập vào website của các sàn TMĐT, trừ Shopee, trong quý này giảm trung bình 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số ngành hàng đóng góp lớn vào tăng trưởng của thị trường trước dịch là hàng điện tử và thời trang giờ đã không còn là "gà đẻ trứng vàng". Các website thời trang giảm 38% lượng truy cập theo quý, trong khi hàng di động, điện máy chỉ tăng 4-5%. Đây là ảnh hưởng của việc COVID-19 làm suy giảm sức mua các mặt hàng giá trị cao.

Dữ liệu của iPrice Group cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà quý 1 vừa qua có một số ngành hàng trực tuyến trở nên "nóng sốt".

Hưởng lợi đầu tiên là ngành hàng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Trong tháng 2, nhu cầu tìm mua trực tuyến cho các sản phẩm khẩu trang và nước rửa tay khô lần lượt tăng đến 610% và 680% so với tháng 1.

Sang đến tháng 3, khi người tiêu dùng ở nhà tránh dịch nhiều hơn thì đến lượt ngành bách hóa trực tuyến lên ngôi. Lượng truy cập vào website của Bách Hóa Xanh quý này nhờ vậy đã tăng 49% so với quý 4/2019.

Các ngành này trước đó lại không phải là tâm điểm của thị trường TMĐT Việt Nam. Điển hình là trong top 50 website TMĐT Việt Nam chỉ có hai website chuyên doanh hàng tạp hóa là Bách Hóa Xanh và BigC, ít hơn nhiều so với 10 website ngành hàng di động và 7 website ngành hàng thời trang.

Ngược lại, chính các ngành trước đây là "gà đẻ trứng vàng" của TMĐT Việt Nam như thời trang và điện máy thì trong mùa dịch lại bị ảnh hưởng tiêu cực.

Trong 3 tháng đầu năm, các website ngành thời trang bị sụt giảm trung bình 38% lượng truy cập so với quý trước.

Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành điện máy trong tháng 2 giảm 17% so với tháng 1. May mắn là sang tháng 3, thị trường xuất hiện nhu cầu mua laptop, webcam, microphone, màn hình… để phục vụ học tập và làm việc tại nhà.

"Các ngành hàng tốt trên thương mại điện tử mùa dịch bao gồm bách hóa và y tế, vì vậy sàn thương mại điện tử phải chuyển dịch ngành hàng. Tuy nhiên, vì một số lý do khiến sự chuyển dịch này bị chậm như chuỗi cung ứng chưa sẵn sàng, cần thời gian để chuẩn bị. Bản thân các sàn cũng cần phải quan sát thị trường một thời gian mới đưa ra được quyết định" - anh Đặng Đăng Trường, Trưởng Ban Truyền thông iPrice Việt Nam cho biết.

Số liệu từ iPrice, lượng truy cập vào các website hàng bách hóa trong quý I năm nay tăng đến 45% so với quý trước. Theo đại diện Tiki, đây cũng là một trong những ngành hàng sẽ nằm trong sự thay đổi chiến lược của sàn này để phù hợp với xu hướng chi tiêu thắt lưng buộc bụng của người dùng trong trạng thái "bình thường mới".

Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Chủ tịch Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp, Tiki cho biết: "Các mặt hàng giá trị cao sẽ mang lại doanh số lớn trên đơn hàng, tuy nhiên ví dụ khi khách hàng mua điện thoại giá trị cao thì phải 1-2 năm sau họ mới có nhu cầu lại. Khi mình bán sản phẩm thiết yếu hàng ngày thì giá trị mua sắm lặp lại sẽ rất cao, vì vậy tổng doanh số các ngành hàng này cũng không hề thua kém. Tự tin với những ngành hàng này sẽ có sự cải thiện lớn hơn về dòng tiền".

Trước sức ép từ COVID-19, bản thân các sàn thương mại điện tử cũng có xu hướng cắt giảm chi phí, không ồ ạt đổ tiền làm quảng cáo khuyến mãi như trước. Đổi lại, họ đẩy mạnh tiêu tiền vào việc livestream và game trên ứng dụng và mạng xã hội. Tranh thủ thời điểm người dân có nhiều thời gian dành cho các thiết bị di động để tăng tương tác, gắn kết người dùng... phục vụ cho những mục tiêu lâu dài hơn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao thương mại điện tử tại Việt Nam chưa 'bùng nổ' như kì vọng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.