Thứ tư, 24/04/2024 09:44 (GMT+7)

Vỉa hè Hà Nội: còn chỗ nào dư mà cho thuê?

MTĐT -  Thứ ba, 25/01/2022 16:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơ sở pháp lý cho thuê không gian công sản vỉa hè lòng đường cần được các nhà quản lý làm rõ, bởi đây là sở hữu Nhà nước, các cấp chính quyền được giao quản lý chứ không được giao khai thác?

Đa số các chuyên gia đều cho rằng, cần thận trọng và nên đánh giá một cách toàn diện, khoa học khi ứng xử với không gian công cộng đặc biệt này. Như cách tiếp cận trực diện ngay từ vấn đề pháp lý của KTS. Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội), thì "cơ sở pháp lý cho thuê không gian công sản vỉa hè lòng đường cần được các nhà quản lý làm rõ, bởi đây là sở hữu Nhà nước, là 'Quốc gia công thổ', các cấp chính quyền được giao quản lý chứ không được giao khai thác? Nếu không làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan sẽ gây khó khăn cho cá nhân và tổ chức thực hiện. Và không thể vì cái lợi trước mắt mà thỏa hiệp sẽ để lại hậu quả tai hại lâu dài.

Người Đô Thị xin giới thiệu một số góc nhìn từ các chuyên gia về vấn đề này.

* * *

TS. Nguyễn Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị):

Cho thuê vỉa hè sẽ giúp quản lý tốt hơn?

Đối với đường Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo gắn với nhiều công trình lớn, tòa nhà lớn, thì việc cho thuê có thể phù hợp. Nhưng đối với các tuyến phố Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Lê Phụng Hiểu nơi có nhiều hộ dân đang ở đấy kinh doanh thì ai là người được thuê? Câu hỏi đặt ra với UBND quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội là những người dân sống ở đấy có được thuê hay không?

Hà Nội có rất ít tuyến đường vỉa hè có chiều rộng 5-7m và đa phần vỉa hè rất hẹp, nhiều nơi đã biến thành chỗ đỗ xe. Còn cho rằng việc cho thuê sẽ giúp cho người ta quản lý tốt hơn thì có đúng như vậy không, vì thực tế hiện nay việc đỗ xe, trông giữ xe đã rất khó quản lý?

Mức giá cho thuê không biết dựa trên cơ sở tính toán như thế nào mà thấp như vậy ( 45 nghìn/1m2/tháng), trong khi mức giá cho thuê mặt tiền tại những phố đó đang rất cao.

KTS. Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội):

Rất đáng quan ngại!

Tôi cho rằng chủ trương cho thuê vỉa hè lúc này rất đáng quan ngại. Hà Nội và nhiều địa phương còn hạn chế các hoạt động kinh doanh mua bán trong nhà và cấm hoàn toàn các hoạt động đông người trên vỉa hè, lòng đường. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, nhiều cửa hàng phải đóng cửa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn vắng vẻ đìu hiu, vội vã cho thuê vỉa hè rất bất ổn.

Vỉa hè Hà Nội: còn chỗ nào dư mà cho thuê?
Khách hàng ngồi tụ tập đông đúc, không giãn cách tại 1 quán càphê trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Ảnh tư liệu minh hoạ: Minh Hiếu/Vietnam+

Công tác quản lý nhà công, đất công ở Hà Nội và nhiều thành phố đang còn nhiều hạn chế. Công cuộc chống lấn chiếm vỉa hè (không gian công sản) hàng chục năm nay chưa có kết quả đáng kể thì nay lại hợp thức hóa việc này. Phải chăng bộ máy quản trị đô thị chấp nhận tự nguyện "đầu hàng" trong "cuộc chiến" chưa có đủ cơ sở pháp lý này?

Cơ sở pháp lý cho thuê không gian công sản vỉa hè lòng đường cần được các nhà quản lý làm rõ, bởi đây là sở hữu Nhà nước, là "Quốc gia công thổ ", các cấp chính quyền được giao quản lý, chứ không được giao khai thác? Nếu không làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan sẽ gây khó khăn cho cá nhân và tổ chức thực hiện. Và không thể vì cái lợi trước mắt mà thỏa hiệp sẽ để lại hậu quả tai hại lâu dài.

Vì trên thực tế có nhiều nhà, đất thuộc sở hữu công đã có cơ sở pháp lý rất rõ ràng, mà vẫn còn bị một số tổ chức, cá nhân (được giao quản lý) mang cho thuê rẻ mạt hoặc bán, khai thác kinh doanh biến hình dưới các hình thức liên doanh, góp vốn, hợp tác... để lại những thiệt hại lớn cho xã hội, huống hồ chưa được xác lập rõ ràng như diện tích vỉa hè? Nên nếu tùy tiện khai thác vỉa hè sẽ gây nguy cơ phương hại tới cuộc sống cán bộ thực hiện: làm sai luật/ không làm sai lệnh.

Thuê vỉa hè bán hàng thì đương nhiên công nhận đỗ xe lòng đường (chứ đỗ vào đâu?), cái sai này sẽ sinh cái sai khác..

Tôi thấy chủ trương này chưa được xem xét thấu đáo bởi có nhiều xung đột lợi ích có thể xảy ra:

1. Xung đột giữa các chủ thể sở hữu công sản với người được thuê công sản không đủ điều kiện pháp lý ngay từ lúc cho thuê đến các tình huống phát sinh. Ví dụ như xung đột về quyền không gian vỉa hè trước cửa nhà này với người thuê ở nơi khác đến. Câu hỏi là đường đi trước cửa bị cho thuê thì chủ sở hữu nhà hợp pháp sẽ đi bằng cách "bay" ra khỏi nhà?

2. Việc mua bán quyền cho thuê (của người được thuê bất hợp pháp) sẽ được xử lý như thế nào? Chúng ta không nên chỉ nhìn thấy lợi vài đồng trước mắt mà gây rối loạn xã hội và sau này phải bỏ hàng trăm nghìn lần để khắc phục.

3. Tình trạng rác thải nước thải, chiếu sáng, tiếng ồn về đêm, sự yên ổn an toàn của cuộc sống bị những người được thuê trước cửa phá hủy.

4. Lập luận cho rằng vỉa hè chỗ cho thuê thử nghiệm, có kết quả khả thi mới nhân rộng. Nhầm, tổng bình quân diện tích vỉa hè cho đi bộ tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình cao nhất Hà Nội được các nhà quy hoạch thời Pháp lập và được triển khai công phu tạo ra cảnh quan đô thị giá trị nhất cho Hà Nội, không phải là dư ra để cho thuê. Người Hà Nội bao năm nay còn khốn khổ thiếu vỉa hè đi bộ, trẻ nhỏ thiếu chỗ chơi... thì làm gì còn chỗ nào dư thừa mà cho thuê?

5. Mức giá thuê thì “tùy tiện”, cảm tính, phi kinh tế. Bởi tài sản lòng đường, vỉa hè được hình thành sau khi đền bù giải phóng mặt bằng tại các vùng ven Hà Nội lên tới vài tỷ đồng/m2. Trung bình tại quận Hoàn Kiếm là 1 tỷ/m2. Với mức giá cho thuê 45.000 đồng/m2/ tháng, thành phố sẽ mất gần 200 năm (xin nhấn mạnh là hai trăm năm) để thu hồi vốn?

Hiện nay giá thuê cửa hàng quận vào khoảng 1 triệu-1,5 triệu/m2/tháng. Thì với giá vỉa hè 45.000 đồng/m2/tháng, nhiều hộ thay vì mỗi tháng chi 30 triệu đồng để thuê cửa hàng, sẽ chuyển sang thuê vỉa hè với giá chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng, tại sao lại không thể? Rồi quận Hoàn Kiếm sẽ ứng xử thế nào sau cuộc "đổi chác" này?

Thu tiền thuê “giá tượng trưng” như vậy là cho không tài sản công để tư nhân khai thác, rất bất công. Cái bất công/ bất bình đẳng tiếp cận hạ tầng đô thị lộ rõ, chỉ ra rằng: tại sao dân Hà Nội phải hy sinh lối đi bộ của họ cho các gia đình có nhà mặt phố thêm diện tích vỉa hè làm kinh doanh? Giá cho thuê này có bõ trả công dọn rác, trả lương nhân viên trật tự lượn lờ quát nạt…?

Vỉa hè Hà Nội: còn chỗ nào dư mà cho thuê?
Vỉa hè chật kín xe và đồ đạc của các cửa hàng. Ảnh: Vietnamnet

TS. Nguyễn Đức Truyến (Viện Xã hội học):

Quy định khoảng cách giữa các cơ sở kinh doanh trên vỉa hè

Để tránh những tranh chấp dân sự giữa các cơ sở kinh doanh trên vỉa hè cần có khoảng cách với nhau là 1,60m và khoảng cách dành cho người đi bộ là 1,80m. Những thay đổi không gian cần có sự đồng ý bằng văn bản của những người kinh doanh liền kề và của chính quyền.

Để đảm bảo trật tự đô thị, sự an toàn và vệ sinh môi trường, các cơ sở kinh doanh trên vỉa hè không được lắp đặt các thiết bị điện không an toàn, các biển quảng cáo, các loại mái che hay lều bạt, các loại gỗ là kệ cho đồ đạc cùng như những vật liệu trải xuống vỉa hè, không được mở nhạc, không được sử dụng các thiết bị khuếch đại âm thanh...

Ông Đinh Đăng Hải (Tổ chức Health bridge Canada tại Việt Nam):

Cần bố trí, kẻ vạch làn đường dành cho người đi bộ

Việc cho thuê vỉa hè có thể xảy ra xung đột lợi ích giữa người đi bộ và những người được thuê vỉa hè kinh doanh. Bởi vậy, để giải quyết xung đột lợi ích, tại những tuyến phố có vỉa hè rộng, sau khi bố trí, kẻ vạch làn đường dành cho người đi bộ, những diện tích còn lại mới xem xét sử dụng vào mục đích cá nhân khác.

Trên các tuyến phố của Thái Lan kẻ vạch cho người bán hàng, tạo ra không gian bán hàng vừa đủ cho mọi người bán hàng, nhưng các vạch đó vẫn đảm bảo khoảng không gian đi bộ an toàn, thuận tiện.

Tại Hà Lan, Pháp nhiều gia đình được thuê không gian vỉa hè trước cửa nhà mình để kinh doanh cà phê, có những nơi họ trả tiền, có những nơi tự quản. Họ ký cam kết với nhau những người bán hàng phải đảm bảo vệ sinh, chỗ đi bộ cho mọi người một cách trật tự.

Các cửa hàng kinh doanh có thể trả phí thuê bằng tiền hoặc thông qua nhiều hình thức khác nhau. Số tiền cho thuê vỉa hè có thể sử dụng tiền đó để bảo dưỡng vỉa hè cho người đi bộ hoặc trồng cây, tạo điều kiện tốt cho người đi bộ, duy trì, nâng cấp các công trình hạ tầng.

TS Nguyễn Quang(Giám đốc UN-Habitat Việt Nam):

Xung đột lợi ích

Chủ trương cho thuê vỉa hè là một động thái tích cực ban đầu của việc nghìn nhận vỉa hè như một không gian mang lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên, từ quá trình thử nghiệm, cần suy nghĩ thấu đáo hơn và phải nghiên cứu đầy đủ, có quy hoạch những khu vực nào cho thuê được hoặc khu vực nào không cho thuê.

Vỉa hè Hà Nội: còn chỗ nào dư mà cho thuê?
Vỉa hè đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) được trưng dụng làm nơi trông giữ xe khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường. Ảnh tư liệu minh hoạ: Báo Giao thông

Vỉa hè có đa chức năng nên gây ra những xung đột về lợi ích. Trước hết gây xung đột về mặt xã hội, đối với những người buôn bán kinh doanh một mặt tạo sự sinh động nhưng một mặt gây xáo động, gây ra tiếng ồn, phức tạp. Thứ hai, gây xung đột về kinh tế giữa các đối tượng tham gia khác nhau, hưởng lợi từ những vị trí khác nhau. Ngoài ra, gây ra những xung đột về môi trường, môi trường.

Để đảm bảo chức năng an toàn cho người đi bộ, chức năng về môi trường sinh thái cần phải có có quy hoạch vỉa hè từng khu vực khác nhau. Là hoạt động thí điểm, nên cần được tham vấn cộng đồng đầy đủ về sự xung đột giữa các lợi ích xã hội, lợi ích kinh tế, môi trường ở từng khu vực… Sau đó chính quyền kiểm nghiệm, điều chỉnh giá thuê cho từng thời điểm từng vị trí khác nhau trong thành phố.

Giá cho thuê đắt hay rẻ phải dựa trên cơ sở hiệu quả kinh doanh và so với giá cho thuê văn phòng, cửa hàng... hiện có giá từ 10-100 USD/m2/tháng. Việc định giá cho thuê dựa trên lợi ích thu được của vỉa hè, vì nó phụ thuộc vào vị trí khác nhau.

Ông Tống Văn Nga (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây Dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Xây Dựng):

Nên hỏi ý kiến người dân

“Phải chăng đây là “sáng kiến mới" của Hà nội? Vỉa hè Hà Nội không rộng, xe máy nhiều, người đi bộ chỉ trông chờ vào vỉa hè để tránh tai nạn bất thường. Nay nếu cho thuê” mặt bằng để kinh doanh thì thật khó hiểu! Các nhà quản lý đô thị nên nghĩ đến Dân và nên hỏi ý kiến Dân trước khi đưa ra quyết định như vậy!”

Bạn đang đọc bài viết Vỉa hè Hà Nội: còn chỗ nào dư mà cho thuê?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Đô Thị

Cùng chuyên mục

Tin mới