Thứ sáu, 19/04/2024 16:29 (GMT+7)

Bình Lục (Hà Nam): Công ty Đông Xuân "đầu độc" môi trường

MTĐT -  Thứ hai, 28/11/2016 09:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Với quy mô chăn nuôi “khủng” gần 1 vạn lợn nái, lợn thịt… Công ty TNHH Nông nghiệp & Xây dựng Đông Xuân (Công ty Đông Xuân) nhiều năm qua, xả thải “đầu độc” nguồn nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp của người dân xã Tiêu Động, La Sơn, huyện Bình Lục (Hà Nam).

Người dân đã kịch liệt phản đối, nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Phân lợn hôi thối đen đặc vẫn hàng ngày “ngang nhiên” xả ra mương nước, khiến dư luận bức xúc đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm cấp, ban, ngành của tỉnh Hà Nam.

Đặt chân đến xã Tiêu Động, huyện Bình Lục (Hà Nam) chúng tôi đã “hít thở” ngay mùi hôi thối, nồng nặc phân lợi từ kênh thủy lợi BH23. Qua tìm hiểu được biết, kênh thủy lợi dẫn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp người dân xã La Sơn, nay thành kênh “chết” với dầy đặc phân lợn, từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Đông Xuân. Công ty Đông Xuân hiện có 3 trại nuôi lợn, với tổng diện tích trên 12ha, nằm trên địa bàn 2 xã: La Sơn, Tiêu Động. Từ khi đi vào hoạt động, trại nuôi lợn của Công ty đã khiến người dân bức xúc, kiến nghị nhiều các cấp chính quyền không để xả thải trực tiếp ra môi trường, hạn chế mùi hôi thối… nhưng tình trạng này chưa được khắc phục triệt để, phân lợn vẫn xả ra kênh.

Việc xả phân trực tiếp ra môi trường của Công ty Đồng Xuân đã gây thiệt hại trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi người dân bắt buộc phải lấy nước ở kênh ô nhiễm cho ruộng lúa. Ông Nguyễn Kinh Luân, thôn Tiên Quán, xã La Sơn bất bình  cho biết: Từ khi trại lợn của Công ty Đông Xuân chăn nuôi (năm 2009) đến nay, ruộng lúa gia đình ông liên tục bị sụt giảm năng suất. Nhất là vào vụ lúa những năm gần đây mỗi sào chỉ được từ 50kg đến 70kg/sào, so với trước mất đi 1/3 sản lượng. Gia đình ông chỉ trông chờ vào 1 mẫu ruộng, nay năng suất như vậy không đủ cho tiền công chi phí, nhưng bỏ ruộng thì lại tiếc nên cứ phải làm để trông chờ vào sự may rủi. Nguyên nhân dẫn đến mất mùa lúa, ông Luân khẳng định là do việc lấy nước tưới từ kênh bị ô nhiễm, do quá nhiều phân lợn thải ra từ trại lợn của Công ty Đông Xuân. Không những lúa bị mất mùa mà khi, người dân làm ruộng do tiếp xúc nước ô nhiễm nặng về đều bị mẩm ngứa , mắc các bệnh ngoài da.

Công ty Đông Xuân mới chỉ đầu tư 1 máy ép phân, đáp ứng lượng xử lý lượng phân lợn của một góc trang trại

“Thôn chúng tôi, người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp, không có nghề phụ gì cho nên đời sống gặp nhiều khó khăn, với số ruộng ít ỏi chỉ còn 55 mẫu – ông Nguyễn Đình Tâm, Trưởng thôn Tiên Quán, chia sẻ: Đã nhiều lần ông đại diện cho người dân ý kiến với chính quyền các cấp, trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng chính quyền không hề đả động gì đến sai phạm của Công ty này. Việc xả thải từ trại lợn của Công ty ra môi trường không những giảm mà ngày một nhiều, khiến những thửa ruộng của thôn đều bị mất mùa. Trong thôn, 100% người dân làm nông nghiện, đời sống chỉ trông chờ vào ruộng vốn khó khăn, nay càng thêm bí bách. Nhiều hộ đang có ý định vụ sau sẽ bỏ ruộng để phản đối trại lợn gây ô nhiễm, yêu cầu chính quyền các cấp nhanh chóng vào cuộc dứt điểm xử lý tình trạng “nhức nhôi” kênh ngập hàng mét phân như hiện nay. Trước đây để giải quyết tình trạng ô nhiễm, thôn đã huy động người dân nạo vét kênh để lấy nguồn nước mới phụ vụ cho tưới tiêu của cánh đồng, nhưng chỉ được một thời gian lại ngập ngụa phân lợn.

Mương phân lợn xung quang trại nuôi lợn của Công ty xả thẳng ra kênh nước tưới cho cánh đồng thôn Tiên Quán, xã La Sơn

Đại diện chính quyền xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, ông Bùi Hữu Liêm trả lời phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường: Công ty Đông Xuân được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận Dự án và chính thức chăn nuôi lợn vào năm 2009, có đầy đủ thủ tục pháp lý, đánh giá tác động môi trường…. Người dân trong xã đã có ý kiến về trại nuôi lợn của Công ty Đông Xuân gây ô nhiễm môi trường nước, mùi hôi thối ở các buổi tiếp xúc cử tri của huyện. Năm 2014, Công ty đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) xử phạt về việc xả thải ra môi trường gần 300 triệu đồng. Sau khi bị xử phạt làm ô nhiễm môi trường, Công ty đã đầu tư máy ép phân và xử lý nước thải ra môi trường.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về phản ánh người dân ô nhiễm từ trại nuôi lợn, kiểm tra, xử lý, đề nghị… của chính quyền xã, huyện và tỉnh Hà Nam thì ông Bùi Hữu Liêm cho biết: Xã không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý và chỉ kiến nghị qua các lần họp, tiếp xúc cử tri với huyện. Còn việc để xác định trại lợn có ô nhiễm hay không, xử lý như thế nào thì trách nhiệm thuộc về các cấp, ban, ngành được giao. Xã không nắm được huyện, tỉnh đã kiểm tra, đánh giá hoạt động chăn nuôi của Công ty này hay chưa.

Kênh BH23 ngập ngụa phân lợn thải ra từ Công ty Đông Xuân

Để đánh giá khách quan về trách nhiệm của chính quyền huyện Bình Lục giải quyết kiến nghị của người dân, chúng tôi dù đã mất rất nhiều thời gian chờ đợi “Năm lần, bẩy lượt” gọi điện, nhắn tin cho Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách mảng môi trường, nhưng đều lý do bận họp và ủy quyền lại cho Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp. Nhưng vị Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lại “từ chối” với yêu cầu Nhà báo phải qua Văn phòng UBND huyện  báo cáo, để sắp xếp lịch làm việc thì Trưởng phòng mới tiếp. Khi chúng tôi đến làm việc với Văn phòng UBND huyện, thì nhận được thái độ khó chịu và câu trả lời “gọn lỏn” của ông Lê Gia Ngọc, Chánh văn phòng UBND huyện: Cả tuần lãnh đạo huyện bận họp, tuần sau thì chưa biết ngày nào để bố trí xếp được lịch làm việc…

Theo ông Trần Đăng Trình, Chi Cục trưởng Bảo vệ môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: Công ty Đông Xuân gây ô nhiễm từ chăn nuôi lợn, Chi cục chưa nhận được phản ánh từ cơ sở. Bởi vậy, Chi cục chưa thực hiện việc kiểm tra hoạt động chăn nuôi của Công ty này. Với chức năng, nhiệm vụ được giao hàng năm, Chi cục phải có kế hoạch và được Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt, còn khi thực hiện kiểm tra đột xuất là có phát hiện sai phạm và có kiến nghị từ cơ sở. Việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty Đông Xuân từ chăn nuôi lợn, Chi cục chưa nhận được phản ánh, đề nghị từ chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn của huyện Bình Lục.

Quyết định xử phạt Công ty Đông Xuân do hành vi xả thải ra môi trường của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an

Không hiểu sao trong nhiều năm qua, người dân xã Tiêu Động, La Sơn (huyện Bình Lục) liên tục kiến nghị về trại lợn của Công ty Đông Xuân “đầu độc” môi trường nhưng các cơ quan chức năng, chuyên môn từ huyện, tỉnh lại không hề có động thái gì. Chỉ đến khi sau 5 năm mặc sức xả thải ra môi trường (năm 2009 – 2014), Công ty bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an xử phạt, thì mới đầu tư máy ép phân và có giải pháp xử lý nước thải… Nhưng việc đầu tư này chưa đáp ứng với quy mô chăn nuôi, nên hàng ngày phân lợn vẫn xả trực tiếp ra kênh. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu có sự “làm ngơ” của các cấp chính quyền cho Công ty Đông Xuân gây ô nhiễm hay không? Hàng ngày, trại lợn vẫn gây ô nhiễm mà không hề được cơ quan chức năng nào kiểm tra, giám sát…?

Rất mong chính quyền tỉnh Hà Nam sớm vào cuộc để trả câu hỏi người dân, mọi người không bức xúc vì việc ô nhiễm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Bình Lục (Hà Nam): Công ty Đông Xuân "đầu độc" môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước