Thứ sáu, 29/03/2024 19:47 (GMT+7)

Viện phí mới: Bên nào cũng kêu

MTĐT -  Thứ ba, 24/07/2012 08:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có những tỉnh chỉ đề nghị điều chỉnh chưa đến 200/447 dịch vụ y tế. Trong khi đó, với những bệnh viện hạng 2 dù có thu kịch trần cũng chỉ bằng mức trung bình của bệnh viện hạng 1

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, chỉ có 10 tỉnh, TP (trong đó có Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng) chưa thông qua viện phí mới, còn lại từ ngày 1-8, hơn 50 địa phươngsẽ thực hiện thu phí dịch vụ y tế theo giá mới được HĐND phê duyệt.

Quỹ bảo hiểm lo bội chi

Ông Sơn cho rằng hơn 30 tỉnh có mức viện phí mới chiếm khoảng 70% - 80% khung giá tối đa của liên bộ Y tế - Tài chính ban hành. Đây được cho là mức thu phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương cũng như khả năng cung cấp dịch vụ y tế tại đó. Tuy nhiên, cũng có những tỉnh áp dụng giá dịch vụ khá cao, từ 93% - 95%, như Khánh Hòa, Đồng Tháp, trong khi điều kiện kinh tế địa phương không phải là nhóm dẫn đầu, khả năng cung cấp dịch vụ chưa phải là tốt.

Cũng theo ông Sơn, khi viện phí mới được áp dụng sẽ có 40 tỉnh đứng trước nguy cơ vỡ quỹ, khoảng 20 tỉnh sẽ cân đối quỹ hoặc bội chi ít nhưng thường là những tỉnh nghèo, có số thu thấp. “Dù viện phí được thực hiện muộn hơn nhiều tháng so với thời điểm Thông tư 04 có hiệu lực nhưng năm 2012, quỹ BHYT sẽ bội chi khoảng 500 tỉ đồng, còn năm 2013 bội chi khoảng 1.000 tỉ đồng”- ông Sơn dự báo. Phân tích điểm bất lợi của tình trạng bội chi quỹ, ông Sơn cho rằng TPHCM là một điển hình bởi ngay trong quý I, địa phương này đã bội chi. Chính vì lo vỡ quỹ nên nhiều bệnh viện đã và đang đưa ra trần thanh toán cho từng loại bệnh hoặc giảm bớt ngày giường, thuốc chữa bệnh của bệnh nhân.

Người nghèo thêm nghèo!

Ông Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế - Y tế Việt Nam, cho rằng thời gian qua nhiều địa phương đã lúng túng trong việc phê duyệt viện phí mới. Việc thông qua khung viện phí lần này của các địa phương là hoàn toàn đúng quy định bởi mức giá này đã nằm trong khung giá tối đa mà liên bộ Y tế - Tài chính phê duyệt. Có khác chăng chỉ là trước đây, người bệnh phải bỏ tiền túi chi cho những khoản thuốc, vật tư tiêu hao mà bảo hiểm không thanh toán với bệnh viện; nay theo quy định, người bệnh sẽ không phải trả nữa. Điều này có nghĩa là từ lâu, người bệnh đã chấp nhận việc tăng viện phí, tuy nhiên thời điểm này được hợp thức hóa và việc chi trả sẽ do cơ quan bảo hiểm đảm nhận.

Ông Kính cho rằng việc các tỉnh nghèo đề xuất thu mức phí cao cũng không trái quy định và đã được HĐND thông qua, đồng thời giá dịch vụ y tế hiện nay mới chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành. “Thực tế không phải tỉnh nào ở miền núi cũng làm được tất cả các dịch vụ theo khung giá đưa ra. Có những tỉnh chỉ đề nghị điều chỉnh chưa đến 200/447 dịch vụ y tế, trong khi đó với những bệnh viện hạng 2 dù có thu kịch trần cũng chỉ bằng mức trung bình của bệnh viện hạng 1. Chính vì thế, quỹ BHYT ở nhiều tỉnh miền núi, tỉnh nghèo không dùng hết mà đều đổ về cho các TP lớn - nơi bội chi quỹ diễn ra thường xuyên. Chẳng hạn như Bắc Kạn, 3- 4 năm nay chỉ dùng hết 50% số quỹ”- ông dẫn chứng.

Ông Kính cho rằng ở các TP lớn, mức thu chỉ nên chiếm khoảng 70% - 80% khung giá nhưng các địa phương nên thu cao hơn để giúp các bệnh viện địa phương có điều kiện phát triển. “Theo tính toán, thì giá bán lẻ bao giờ cũng phải cao hơn giá bán buôn. Tiền đầu tư một máy chụp CT ở bệnh viện tuyến Trung ương hay địa phương đều tương đương nhau, trong khi tần suất sử dụng ở các bệnh viện tuyến cuối có khi gấp cả trăm lần bệnh viện tuyến tỉnh. Cứ như vậy, tỉnh nghèo cứ nghèo mãi”- ông nói.

Cũng theo ông Lý Ngọc Kính, nếu tỉnh nghèo duyệt viện phí cao, nhiều người sẽ thắc mắc rằng ảnh hưởng đến đối tượng chưa có thẻ BHYT, tuy nhiên con số này là rất ít bởi hầu hết hộ nghèo, đối tượng chính sách đã được Nhà nước mua thẻ, người cận nghèo cũng đã được hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ. Bệnh nhân không có BHYT sẽ thêm gánh nặng bởi viện phí mới.

Bài và ảnh: Ngọc Dung (Theo nld.com.vn)
Bạn đang đọc bài viết Viện phí mới: Bên nào cũng kêu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới