Thứ năm, 28/03/2024 23:20 (GMT+7)

Việt Nam cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch

MTĐT -  Thứ sáu, 30/12/2016 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Năng lượng là nền tảng cho nền văn minh và sự phát triển của xã hội. Con người cần năng lượng cho sự tồn tại của bản thân mình và phần quan trọng là để sản ra công cụ cho mọi hoạt động sản xuất và dịch vụ.

Ngoài năng lượng cung cấp cho sinh hoạt và đun nấu trong gia đình, năng lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đòi hỏi ngày một nhiều. Cơ cấu năng lượng nước ta gồm phần năng lượng truyền thống và củi, gỗ, than, dầu mỏ… Chúng ta đã xây dựng nhiều nhà máy điện trong đó 80% là nhiệt điện.

Người tiêu dùng lo lắng không phải chỉ chịu giá điện cao mà lo nhất là ô nhiễm môi trường do công nghệ của nhiệt điện. Yêu cầu ngành năng lượng phải quan tâm hơn nữa việc sử dụng các năng lượng mới, năng lượng sạch.

I. Tình hình phát triển năng lượng sạch trên thế giới

Theo báo cáo xu thế năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch năm 2008 của Clean Edge - Tổ chức chuyên nghiên cứu về công nghệ năng lượng thay thế, thị trường năng lượng sạch trên toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, tổng thu nhập của 4 lĩnh vực chính gồm nhiên liệu sinh học, năng lượng gió, điện Mặt Trời và các pin nhiên liệu tăng 40%, từ 55 tỷ USD trong năm 2006 lên 77,3 tỷ USD trong năm 2007. Theo dự báo, 4 lĩnh vực này sẽ tăng gấp 3 lần, tới 254,5 tỷ USD vào năm 2017. Sản lượng và giá bán buôn nhiên liệu sinh học trên toàn cầu đạt 25,4 tỷ USD trong năm 2007 và dự đoán đến năm 2017 sẽ đạt 81,1 tỷ USD. Thị trường nhiên liệu sinh học toàn cầu năm 2007 gồm hơn 59 tỷ lít êtanol và 908 tỷ lít diesel sinh học; năng lượng gió sẽ tăng từ 30,1 tỷ trong năm 2007 lên 83,4 tỷ USD vào năm 2017; lắp đạt thiết bị năng lượng gió toàn cầu trong năm 2007 đạt kỷ lục 20.000MW, tương đương với công suất của 20 nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch truyền thống.

Điện Mặt trời sẽ tăng từ 20,3 tỷ USD trong năm 2007 lên 74 tỷ USD vào năm 2017. Những lắp đặt hàng năm của thế giới trong năm 2007 chỉ ở mức 3.000MW. Theo nghiên cứu về những xu hướng năng lượng sạch của Cơ quan Tài chính năng lượng mới, đầu tư mới toàn cầu vào các công nghệ năng lượng - bao gồm vốn dự án, tài chính dự án, những thị trường chung, nghiên cứu và phát triển tăng 60% , từ 92,6 tỷ USD trong năm 2006 lên 148,4 tỷ USD trong năm 2007. Ở Mỹ, các nhà tư bản đã đầu tư 2,7 tỷ USd vào lĩnh vực năng lượng sạch, chiếm 10% tổng vốn dự án hoạt động. Năng lượng sạch chuyển từ vị trí dự trữ sang nguồn năng lượng chủ đạo, trong khi giá dầu ttăng cao kỷ lục làm kinh tế thế giới bị giảm sút thì năng lượng sạch tiếp tục phát triển.

Ở một số nơi trên thế giới, thuỷ điện là nguồn điện chính. Trên 15 quốc gia đã lấy hơn 2/3 điện năng của mình từ các thác nước. Ở Nam Mỹ, 73% điện năng sử dụng là từ thuỷ điện, so với 40% ở các quốc gia đang phát triển nói chung. Na Uy lấy 99% điện năng và 50% toàn bộ các năng lượng khác từ các thác nước.

II. Phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.

Ngày 05/10/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu chiến lược:

- Điện lực phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia.

- Đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2005 sản lượng điện năng đạt 53 tỷ kWh, năm 2010 đạt 88 - 93 KWh, năm 2020 đạt 201 - 250 tỷ KWh.

Liên quan đến năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2015 và cũng nhấn mạnh một số vấn đề sau:

- Nguyên liệu cho sản xuất cồn phải nhanh chon chuyển sinh sử dụng sinh khối (biomas) như các dạng cành cây, mùn cưa, lá, rơm, rạ… Các loài cây cho tinh bột nên tập trung cho mục tiêu lương thực.

- Nguyên liệu diesel sinh học (biodiesel) chỉ dựa trên các loại dầu không ăn được.

Ở Việt Nam, xuất phát từ ý tưởng tiết kiệm điện, chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác giả Bùi Hoàng Lang, phường 16, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh đã chế tạo ra thiết bị chuyển đổi từ động cơ xăng và động cơ díêl sang dùng nhiên liệu biogas. Thiết bị này giúp tận dụng tối đa lượng khí biogas dưa thừa từ chăn nuôi gia súc, đồng thời làm giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay, các trang trại chăn nuôi ngày càng phát triển mạnh, người dân chủ yếu sử dụng khí biogas để đun nấu và ít áp dụng vào việc tạo năng lượng để chạy máy phát điện. Việc thay thế các loại máy phát điện chạy bằng động cơ xăng với công suất nhỏ 1KW, 2KW và 4KW sang sử dụng nguyên liệu biogas đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 10 - 30 con lợn thịt là rất thích hợp. Việc chuyển đổi chỉ cần chuyển bộ chế hoà khí của máy nhưng không làm ảnh hưởng đến cấu trúc máy. Đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, có thể dùng máy phát điện công suất lớn từ 7,5 - 20KW. Những trang trại chăn nuôi quy mô lớn từ 100 đến hàng nghìn con lơn sẽ dùng khí biogas tạo ra dòng điện 220V 1 pha hay 380V 3 pha tuỳ theo nhu cầu.

Khảo sát của ngân hàng thế giới khẳng định, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất điện gió ước đạt 513.360MW, nhiều hơn 100 lần công suất của thuỷ điện Sơn La, hơn 10 lần tổng công suấtt dự báo của ngành điện vào năm 2015. Việt Nam lại có trên 3.200km bờ biển nên rất thuận lợi cho việc phát triển nguồn điện năng từ sức gió. Cũng theo thống kê của ngân hàng này, mật độ năng lượng gió ở nước ta thuộc loại trung bình và lớn so với thế giới. Với 8,6% diện tích đất đai (khoảng 28.000km2) có tiềm năng gió được đánh giá là tốt và rất tốt. Với tiềm năng phong phú đó, nếu biết khai thác có thể cung cấp một nguồn năng lượng dồi dào để phát triển kinh tế ở các vùng cao, vùng xa, vùng hải đảo (bảng 1).

Bảng 1. Tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 65m của Việt Nam

Hội thảo Các chính sách về năng lượng Việt Nam do Bộ Công thương phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (ADF) và Cơ quan Quản lý Môi trường và Năng lượng Pháp (ADEME) được tổ chức ngày 09/04/2008 tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo Tổng cục năng lượng Việt Nam, với điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, nước ta có nguồn năng lượng tái tạo khá lớn và đa dạng gồm: thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời, sinh khối/ nhiên liệu sinh học, địa nhiệt… có thể khai thác để đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng gió ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn đó là:

- Nước ta chưa có đầy đủ hệ thống chính sách về phát triển năng lượng mới và tái tạo. Trong khi ở Trung Quốc đã có Luật phát triển năng lượng tái tạo. Thái Lan đã chuyển sang bước đầu tư thứ 2 quyết liệt hơn, kể cả việc phụ thu 4 cent/lít xăng nhập khẩu để làm quỹ hỗ trợ phát triển nhiên liệu sạch.

- Việc đầu tư đánh giá tiềm năng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo còn manh mún, chưa đồng bộ. Do đó, việc nghiên cứu và ứng dụng còn ít và tản mạn.

- Những dạng năng lượng sản xuất từ gió, nước, sinh khối thực vật và ánh sáng Mặt Trời rất sẵn nhưng kinh phí đầu tư để khai thác và sử dụng những nguyên liệu thô này hiện tại rất cao. Do đó, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ để phát triển các dạng năng lượng này.

Kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển với tốc độ cao, vì vậy, cung cấp năng lượng ổn định là ưu tiên hàng đầu. Nhu cầu năng lượng, đặc biệt là nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt là đòi hỏi cấp bách cho phát triển kinh tế - xã hội . Không đi không bao giờ đến. Tiềm năng mãi mãi vẫn là tiềm năng nếu không có chính sách, không năng động thì tiềm năng vẫn không thể phát huy được. Đề nghị phải có chính sách mạnh mẽ.

Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Khoa học - Công nghệ phải tư vấn cho Nhà nước có chính sách và đầu tư mạnh mẽ, giao nhiệm vụ cho các cơ quan khoa học và các trường, các viện và các hội khoa học triển khai.

Tuy so với nhiệt điện, nó đắt đỏ hơn, nhưng đổi lại môi trường được trong sạch, không phải tốn kinh phí xử lý môi trường và tránh được các hậu quả của xã hội .

Theo kết quả nghiên cứu của Viện KH Thuỷ văn và Môi trường cho thấy:

- Những vùng có tổng năng lượng gió năm W > 1.000kWh/m2 tương ứng với tốc độ gió trung bình từ 4m/s trở lên là nơi có tiềm năng năng lượng gió lớn, việc khai thác và sử dụng cho loại máy phát có công suất lớn là rất tốt.

- Những vùng có tổng năng lượng gió năm W < 600kWh/m2 tương ứng với tốc độ gió trung bình năm nhỏ hơn 3,5m/s là nơi có tiềm năng yếu, chỉ dùng cho máy phát có công suất nhỏ.

Tiềm năng năng lượng Mặt trời được phản ánh qua số giờ nắng, trung bình năm nước ta có khoảng 1.400 - 3.000 giờ năng, lớn nhất là vùng đồng bằng duyên hải cực Nam Trung Bộ và một phần lãnh thổ của phía Đông Nam Bộ, ít nhất là sườn phía Đông Hoàng Liên Sơn và phân lớn khu vực Đông Bắc. Do đó, việc khai thác tiềm năng năng lượng Mặt Trời ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Ở các nước Tây Âu có giờ năng trong năm ít hơn của Việt Nam nhiều nhưng việc sử dụng pin Mặt Trời lại rất phổ biến. Ở Việt Nam, đến nay hàng trăm thiết bị đun nước nóng Mặt Trời của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nghiên cứu chế tạo được lắp đặt tại Hà Nội và một số địa phương khác đã được người tiêu dùng đánh giá cao. Gần đây, Trường Đại học Hohenheim - Cộng hoà liên bang Đức đã hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiến hành thành công dự án sử dụng năng lượng Mặt Trời để sấy khô 9 loại sản phẩm khác nhau: chuối, dứa, nhãn, đu đủ, ớt, nấm, sắn nạo, soài và me ở huyện Yên Châu - Sơn La. Thiết bị sấy nông sản bằng năng lượng Mặt Trời kiểu tunnel, phù hợp với điều kiện nhiệt đới nóng ẩm của nước ta. Pin Mặt Trời sẽ hoạt động khi có các tia bức xạ truyền tới bề mặt cung cấp điện năng làm cho quạt quay hút không khí từ bên ngoài vào thiết bị để đẩy chuyển động dọc theo sàn. Tấm thu nhiệt sau khi được đốt nóng nhờ năng lượng Mặt Trời sẽ truyền nhiệt sang dòng không khí chuyển động trên bề mặt nhờ đối lưu. Nhiệt độ được điều khiển tự động sao cho nhiệt độ sấy không vượt quá 65oC. Hiệu quả sấy nông sản rất cao, chất lượng thơm ngon, giá bán cao hơn hẳn chất lượng khi sấy bằng biện pháp thủ công.

Nhân loại phải cố gắng tiếp nhận những thách thức mới của nguồn năng lượng và của môi trường, tận dụng mọi khả năng dùng năng lượng sạch để thay thế cho nhiên liệu khoáng chất có hàm lượng cacbon cao. Trên thế giới, những nước công nghiệp tiên tiến và một số nước phát triển đều có chính sách ưu tiên về thuế, lập pháp, quy hoạch, ứng dụng… đối với việc phát triển nguồn năng lượng mới và tái sinh nguồn năng lượng được liệt vào loại năng lượng sạch. Năm 1992, Chính phủ Mỹ tiến thêm một bước là tuyên bố ủng hộ kế hoạch phát triển pin quang điện, đến năm 2000, sản lượng của loại pin này đạt 1.400 triệu vol, tương đương 100 lần sử dụng của toàn thế giới hiện nay. Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho các gia đình lắp đặt máy phát điện bằng sức gió. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thực hiện từ năm 1993 “Kế hoạch ánh sáng Mặt Trời mới”. Trung Quốc đã đề ra cương yếu “Phát triển nguồn năng lượng mới và năng lượng tái s inh từ năm 1996 đến năm 2010” để đảm bảo lấy nhiên liệu hoá thạch làm kết cấu nguồn năng lượng chính, nhằm bình ổn sự quá độ sang việc lợi dụng một cách hữu hiệu than sạch phong phú về trữ lượng, cũng như năng lượng điện hạt nhân và tái sinh trong tương lai.

Tôi xin mượn lời Thượng nghị sĩ Al Gore đã đặc trưng hoá tinh thần này khá thành công trong cuốn “Trái Đất trên bàn chân” để kết luận vấn đề này:

“Tôi đã tin tưởng rằng chúng ta phải có hành động dũng cảm và rõ ràng. Chúng ta cần phải làm cho việc cứu vớt môi trường trở thành nguyên tắc tổ chức trung tâm cho nền văn minh nhân loại. Dù có nhận ra được điều đó hay không thì giờ đây chúng ta đã tham gia vào một cuộc chiến quyết liệt nhằm đem lại sự cân bằng cho Trái Đất của chúng ta, và cục diện của trận chiến chỉ thay đổi khi mọi người trên thế giới này thức tỉnh đầy đủ bởi một cảm giác chung về mối nguy cơ cấp bách để cùng nỗ lực toàn diện. Chúng ta không được phép đợi cho đến khi quá muộn. Chúng ta càng lo lắng nếu như số dân của thế giới này tiếp tục tăng như đã tăng trước đây. Hàng tỷ con người mới sinh ra và nghèo nàn sẽ tràn vào sân khấu thế giới. Đây lại là một phần to lớn nữa của hệ thống mà chúng ta buộc phải hiểu ra”./.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KHCN Hà Nội /TC Môi trường Đô thị VN

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.