Thứ sáu, 29/03/2024 09:14 (GMT+7)

Việt Nam chịu rủi ro lớn về nguồn nước

MTĐT -  Thứ hai, 24/08/2020 14:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rủi ro rất lớn từ các quốc gia thượng nguồn, an ninh nguồn nước chưa đạt yêu cầu; nước thải sinh hoạt “đầu độc” các dòng sông, nước ngọt đang dần khan hiếm… là những thách thức không nhỏ.

1. Tầm quan trọng của nước

Nước là một trong các nhân tố quyết định chất lượng môi trường sống của con người. Ở đâu có nước ở đó có sự sống. Nước có những đặc trưng vật lý mà những chất lỏng khác không có. Các tính chất đặc trưng đó là tỷ trọng, nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, tỷ nhiệt của nước, nhiệt bốc hơi và tính năng dung môi. Nhờ những tính chất đó mà có sự sống và tồn tại như ngày nay.

Nước nguyên chất là hợp chất của hai nguyên tử hyđrô và một nguyên tử ôxy. Các phân tử nước không tồn tại riêng biệt mà liên kết tạo thành nhóm. Trạng thái lỏng của nước tinh khiết không mùi, vị, màu sắc. Trong tự nhiên nước mưa ở vùng khí quyển sạch, nước tan từ băng, tuyết trên núi có thể coi là nước nguyên chất.

Tài nguyên nước bao gồm nước trong khí quyển, nước mặt, nước dưới đất, nước biển và đại dương. Các nguồn nước hầu hết là tài nguyên tái tạo, nằm trong chu trình tuần hoàn của nước, dưới các dạng: mây, mưa, trong các vật thể chứa nước: sông, suối, đầm, ao, hồ…, nước dưới đất có áp và không có áp, ở tầng nông hay tầng sâu của đất đá và nước ở các vùng biển và đại dương trên thế giới.

Mặc dù lượng nước trên Trái đất là khổng lồ, song lượng nước ngọt cho phép con người sử dụng chỉ chiếm một phần rất nhỏ bé (dưới 1/100.000). Hơn nữa sự phân bố của các nước ngọt lại không đều theo không gian và thời gian càng khiến cho nước trở thành một dạng tài nguyên đặc biệt, cần phải được bảo vệ và sử dụng hợp lý

2. Tài nguyên nước Việt Nam

a) Tài nguyên nước mặt

Tổng lượng dòng chảy hằng năm trên tất cả các con sông suối chảy qua Việt Nam khoảng 853 km3/năm tương đương 27.100m3/s. Tổng lượng dòng chảy thuộc phần phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam là 317 km3/năm, chiếm 37% tổng lượng dòng chảy, phần còn lại được sản sinh từ các nước làng giềng 536 km3/năm, chiếm 62% tổng lượng dòng chảy. Lượng nước của các sông phân chia theo các nhóm được nêu trong bảng 1.

Cũng như sự phân bố lượng mưa, dòng chảy sông ngòi ở Việt Nam phân bố không đều, nơi có lượng mưa lớn thì dòng chảy lớn và ngược lại. Lượng mưa bình quân hằng năm trên toàn lãnh thổ dao động từ 1500 – 2000 mm tương ứng với môđuyn dòng chảy 25 – 30 l/s/km2. Vùng có dòng chảy lớn nhất là vùng có lượng mưa lớn, đó là vùng Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh; Bắc Quang, vùng núi Hoàng Liên Sơn, vùng Mường Tè thuộc thượng nguồn sông Đà, vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh, vùng Thừa Thiên Huế… Với môđuyn dòng chảy lớn hơn 60 l/s/km2 và đặc biệt vùng Bắc Quang đại lượng này lớn hơn 80 l/s/km2. Những vùng có dòng chảy nhỏ hơn 2 l/s/km2 bao gồm vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng Sơn La ở Tây Bắc, Bắc Nghệ An, vùng sông Ba và Spok, Đà Lạt, duyên hải miền Trung và Nam Trung bộ, Tây Nam bộ. Đặc biệt là vùng núi từ mũi Nạy đến Hàm Tân thuộc Phú Khánh và Thuận Hải và vùng Cheo Reo sông Ba môđuyn dòng chảy chỉ đạt 10l/s/km2.

Bảng 1. Trữ lượng nước mặt của các sông

Trên toàn lãnh thổ Việt Nam do sự phân bố dòng chảy của sông ngòi rất không đều nên hầu hết lượng dòng chảy tập trung vào các tháng mùa lũ, thường mùa lũ xuất hiện chậm hơn mùa mưa khoảng một tháng do bị mất nước để bão hòa đất bị phơi khô trong mùa khô và các loại tổn thất khác. Nhìn chung mùa lũ bắt đầu từ tháng VI và kết thúc vào tháng XI, kéo dài 6 tháng nhưng ở duyên hải miền Trung mùa lũ đến chậm hơn từ tháng IX và kết thúc vào tháng XII (chỉ có 4 tháng). Tuy thời gian mùa lũ chỉ bằng hoặc ngắn hơn thời gian mùa kiệt nhưng lượng dòng chảy trong các tháng mùa lũ chiếm 70 – 80% lượng nước cả năm.

Tùy thuộc vào vị trí địa lý của lưu vực sông mà quyết định thời gian xuất hiện lũ lớn nhất hằng năm. Ở vùng núi phía Bắc, Tây Bắc, ven biển Quảng Ninh thuốc Bắc Bộ Tháng có lũ lớn nhất là tháng VII và tháng VIII. Các sông thuộc Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh lũ xuất hiện vào tháng IX và tháng X. Các vùng duyên hải miền Trung lũ xuất hiện vào tháng X và tháng XI. Lượng nước tháng lớn nhất này phụ thuộc vào từng vùng có thể chiểm tới 20 – 40% lượng nước hằng  năm, đã gây ra lũ quét, lũ ống, lũ bùn đá. Trái lại, mùa kiệt kéo dài hơn 6 tháng, kéo dài từ tháng XI năm trước đến tháng V năm sau. Tuy thời gian dài nhưng lượng nước chỉ chiếm 20 – 30% lượng nước toàn năm. Tháng có dòng chảy nhỏ nhất ở các sông thường xảy ra vào các tháng III và tháng IV. Lượng dòng chảy nhỏ nhất chỉ bằng 1 – 2% lượng dòng chảy cả năm gây ra cạn kiệt và HMH.

Ngoài ra, dòng chảy từ năm này qua năm khác cũng biến động. Tuy nhiên sự dao động giữa năm nhiều nước và năm ít nước không lớn lắm, thường chênh nhau 2 đến 3 lần.

b) Tài nguyên nước dưới đất

Theo tác giả E.K.Alan (1998) thì trữ lượng nước dưới đất của Việt Nam khá lơn (bảng 2). Tổng số trữ lượng động tự nhiên nước dưới đất trên toàn lãnh thổ chưa kể phần hải đảo là 1513,445 m3/s nhưng phân bố không đều trong các vùng địa chất thủy văn.

Bảng 2. Trữ lượng động tự nhiên nước dưới đất ở các miền địa chất thủy văn (ĐCTV) theo từng phức hệ địa chất (m3/s)

c) Tình hình khai thác sử dụng tài nước nguyên nước

Ở nước ta hiện nay có khoảng 621 đô thị lớn nhỏ, trong đó 78 đô thị có số dân từ 15.000 người trở lên, chiếm tổng số khoảng 12 triệu người hay 80% tổng dân số đô thị. Số còn lại thuộc các đô thị nhỏ (Trần Hiếu Nhuệ, 2000). Tiêu chuẩn cấp nước mới đạt 50 – 60 lít/người/ngày. Hiện nay chỉ gần 1/2 dân số đô thị được cấp nước. Tổng lượng nước cấp cho các đô thị đạt công suất  2,6 triệu m3/ngày trong đó 2/3 nguồn nước mặt và 1/3 nước từ dưới đất.

Cho đến nay mới đảm bảo cấp được “nước sạch” cho 32% dân số ở nông thôn. Trong đó sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nuiwcs từ sông ngòi không qua sử lý khoảng 28%, nước mưa 10% còn lại là các nguồn khác.

Tuy nhiên, nước dùng cho công nghiệp ở nước ta hiện nay chiếm trên 90% tổng số nước sử dụng. Thực tế khai thác nước ngọt phục vụ cho các nhu cầu khác nhau ở các châu lục và Việt Nam.

Bảng 3. Lượng nước yêu cầu cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt

Đơn vị : 106m3

- Sử dụng nước cho thủy điện: Việt Nam là một trong nhóm nước giàu nguồn thủy năng trên thế giới, ước tính trữ năng khoảng 300 tỷ kWh và trữ năng khai thác kinh tế 80 – 100 tỷ kWh tương đương 40 – 50 triệu tấn than. Mật độ thủy năng cao (94kW/km2) gấp 3,6 lần trung bình của thế giới. Trong thời gian qua đã xây dựng khoảng 10 nhà máy thủy điện quy mô lớn và vừa, trên 200 trạm thủy điện nhỏ. Trên sông Đà và sông Sêsan đã và sẽ xây dựng một số nhà máy thủy điện công suất lớn. Tuy vậy nếu kể cả công suất của các nhà máy dự kiến xây dựng thì mới khai thác thác 10% tổng trữ lượng thủy năng (các nước từ 50 – 90%).

- Sử dụng cho giao thông: Việt Nam có tổng chiều dài các sông và kênh tới 40.000km, đã đưa vào khai thác vận tải 15.000km, trong đó đã quản lý 7.000 km. Giao thông đường thủy Nam Bộ Phát triển hơn Bắc Bộ và Trung Bộ. Giao thông pha sông biển chưa được chú ý.

- Sử dụng nước cho thủy sản: theo Bộ Thủy sản cả nước có 1 triệu ha mặt nước ngọt; 400.000 ha mặt nước lợ và 1.470.000 mặt nước sông ngòi. Ngoài ra còn hơn 1 triệu ha mặt nước nội thủy và lãnh thủy. Tuy nhiên, cho đến nay tính chung mới chỉ sử dụng 28,5% diện tích nước mặt hiện có để cho khai thác, nuôi trồng thủy sản.

- Xu thế cạn kiệt của tài nguyên nước: có nhiều nguyên nhân làm suy thoái và cạn kiệt các nguồn nước. Trước hết là:

          + Nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cho phát triển kinh tế xã hội

          + Chưa nhận thức đúng về giá trị và vị trí của TNN. Ở Việt Nam “nước chưa được xem là hàng hóa đặc biệt”. Phổ biến là tình trạng khai thác bừa bãi và sử dụng không hợp lý tài nguyên nước. Điều này đã làm biến đổi số lượng và chất lượng tài nguyên nước, làm suy thoái và cạn kiệt các nguồn nước ở nhiều địa phương và khu vực.

          + Trong công tác quy hoạch chưa chú ý đến quản lý quy hoạch các dòng sông và các vùng châu thổ, nhu cầu nước để duy trì HST, chưa xem xét xác định được tỷ lệ khai thác hợp lý giữa nước mặt và nước dưới đất, sự điều hòa nước giữa các mùa và các vùng để hạn chế tác hại của lũ lụt và hạn hán.

          + Chưa quan tâm đúng mức đến quy hoạch sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu TNN và phối hợp với quy hoạch khai thác, sủ dụng các TNTN khác. Vấn đề quản lý tài nguyên môi trường théo lưu vực sông vẫn còn bỏ ngỏ.

  1. Rủi ro của nguồn nước

Rủi ro rất lớn từ các quốc gia thượng nguồn, đối ngoại về an ninh nguồn nước chưa đạt yêu cầu; nước thải sinh hoạt “đầu độc” các dòng sông, nước ngọt đang dần khan hiếm… là những thách thức không nhỏ đe dọa an ninh nguồn nước trong cả hiện tại và tương lai.

Ngày 17/8/2020, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về an ninh nguồn nước. Theo kết quả khảo sát tại 14 tỉnh, thành, tuy Việt Nam có 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, với 13 lưu vực sông diện tích lớn hơn 10.000km2, nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm hơn 71% khu vực đầu nguồn.

“Chúng ta chịu rủi ro rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mêkông, làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Vinh Hà nói.

Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mất lũ

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tác động kép của biến đổi khi hậu, nước biển dâng, khai thác nước ở thượng nguồn đã làm biến đổi sâu sắc tài nguyên nước vốn có của ĐBSCL khiến tổng lượng lũ giảm, thời gian bắt đầu lũ sẽ chậm lại, đỉnh lũ giảm và thời gian duy trì lũ có thể sẽ kéo dài hơn, muộn hơn. Hệ quả là nhiều vùng, nhiều năm sẽ không có lũ hoặc có nhưng không đáng kể.

Theo số liệu thống kê trước đó cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2018 có 4 năm xảy ra lũ lớn, 6 năm lũ vừa và 7 năm lũ nhỏ. Lũ nhỏ không mang lại nguồn lợi và nguy cơ xâm nhập mặn xảy ra vào mùa khô kế tiếp. Lũ có xu hướng đến muộn hơn so với trước đây, từ năm 2010 trở về trước, đỉnh lũ chính vụ hầu hết xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, các trận lũ hầu hết xuất hiện vào gữa tháng 10 (chậm hơn so với giai đoạn trước khoảng 10 ngày). Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện các lũ vừa và lũ nhỏ (chiếm khoảng 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng.

Theo Ủy hội sông Mekong, từ tháng 1-7/2020, mực nước ở lưu vực hạ lưu sông Mekong đang thấp kỷ lục trong năm thứ hai liên tiếp, do dòng  chảy thấp và hạn hán. Trong đó có lượng mưa thấp bất thường bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, điều kiện dòng chảy thấp kéo dài từ năm 2019 và lưu lượng nước thấp hơn từ các nhánh sông Mekong.

Báo cáo xác định sơ bộ nhiều nguyên nhân có thể của dòng chảy thấp và hạn hán trong năm nay. Trong đó, có lượng mưa thấp bất thường bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, điều kiện dòng chảy thấp kéo dài từ năm 2019 và lưu lượng nước thấp hơn từ các nhánh sông Mekong.

Hiện nay, dù đã muộn hơn một tháng so với nhiều năm trước, nhưng lũ vẫn chưa về khiến dân sống bằng nghề câu lưới ở đầu nguồn mong ngóng. Dọc biên giới Tây Nam giáp với Campuchia là cánh đồng mênh mông sau khi thu hoạch xong còn trơ gốc rạ. Vào thời điểm này của các năm trước, nước từ Campuchia tràn về ngập tới đầu gối, có nơi gần mét. Cùng với đó là không khí đánh bắt của người dân trên đồng khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, bây giờ ở khu vực biên giới, nơi đón nước lũ về đầu tiên, đồng ruộng khô queo.

Ông Hà Văn Đặt (56 tuổi) gắn bó với nghề câu lưới trên 40 năm ở đầu nguồn lũ. Ông cho biết, tình hình ngày càng khó khăn, trước đây cá mắm nhiều, nhưng giờ cạn kiệt. Dân dầu nguồn sống nhờ lũ nhưng lũ không về phải lay lắt qua ngày, chưa kể dịch bệnh rình rập. Theo ông Đặt, nghề câu lưới vô cùng vất vả. Trước đây khi đánh bắt ngoài đồng, không ít lần bị sống đánh chìm, nhưng ông may mắn thoát chết. Không riêng gì ông, những người sống bằng nghề câu lưới cũng chung số phận. Ông bảo, giăng lưới nhưng cũng nhìn trời, nhìn gió hay thời tiết không ổn là tranh thủ bơi ngay vào bờ, kẻo không kịp. “Làm nghề này không ít người gặp nạn, thậm chí chết giữa đồng. Bây giờ đỡ cái có đê bao, tuy nhiên, thủy sản không còn như xưa, nên làm ngày nào ăn ngày đó là mừng”, ông Đặt tâm sự.

Vợ ông Đặt là bà Trần Thị Hạnh cho biết thêm, trước đây 2 vợ chồng cùng 3 con sống trên ghe đi giăng lưới ngoài đồng. Thời đó cá nhiều vô số nhưng giá rẻ; cứ lênh đênh, bấp bênh. 3 đứa con học chưa hết cấp 2 rồi nghỉ nối nghiệp cha, đứa có vợ dắt nhau đi nơi khác làm thuê. Sau này Nhà nước hỗ trợ căn nhà trên khu tái định cư để ở cho ổn định rồi trả nợ dần. Hiện tại trong nhà chỉ còn vợ chồng già sống bằng nghề câu lưới. “Ở đây không có công việc làm. Nhiều người đã đi Bình Dương làm thuê chứ ở đây sống không nổi”, bà Hạnh nói.

Cần coi nước là hàng hóa đặc biệt

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, nước ngọt đang ngày càng khan hiếm, chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm, trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Sự gia tang dân số và quá trình đô thị hóa đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Các hồ và kênh mương đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải. Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm mức đọ cao, xu hướng ngày càng tăng.

“Nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng. Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước, cùng vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội”, Bộ trưởng Cường nói. Giải pháp được nêu ra là đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đầu tư xây dựng hồ chứa nước lớn phục vụ đa mục tiêu.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, “kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Khảo sát cho thấy, chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt của các đô thị loại 4 được xử lý, số còn lại đều xả ra nguồn nước. Khu vực nội thành Hà Nội mỗi ngày xả 500.000m3, trong đó có 100.000m3 thải ra từ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và bệnh viện. Ba con sông của Hà Nội là sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch đều ô nhiễm nặng”… “Những vấn đề trên đã trở thành thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước cả hiện tại và tương lai”, ông Hiển nói.

Trước nhiều thách thức đặt ra, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức và kiểm soát an ninh, nguồn nước, an toàn hồ đập. Theo ông Hiển, cần coi nước là loại “hàng hóa đặc biệt”, thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Cùng với đó, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào quản lý nguồn nước và tăng cường quan hệ quốc tế. “Cần khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh nguồn nước vần toàn hồ đập”, ông Hiển nói.

Tiến sĩ An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của MRC kêu gọi, đồng thời cho biết, đã đến lúc tiến hành cuộc nói chuyện và hành động vì lợi ích chung của toàn bộ lưu vực sông Mekong và các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Bản báo cáo dài 32 trang cũng chỉ ra rằng dòng chảy thấp hiện nay có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Campuchia do mất nguồn thủy sản và tiềm năng tưới tiêu. Việt Nam có thể bị giảm năng suất ở vựa lúa đồng bằng và năng suất nông nghiệp, ở Lào và Thái Lan cũng có thể bị ảnh hưởng. Đặc biệt, có thể có sự mất cân bằng sinh thái, dẫn đến giảm khả năng sinh sản, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá và các loài thủy sinh khác, đe dọa an ninh lương thực cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trong khu vực.

MRC đề xuất các nước thành viên MRC gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam xem xét cảnh báo tình hình để đảm bảo việc sử dụng nước được quản lý cẩn thận nếu mực nước trong mùa lũ năm 2020 không cải thiện đáng kể. Các quốc gia nên tìm kiếm các nguồn nước thay thế để đảm bảo nguồn cumg cấp nước, yêu cầu các nhà khai thác thủy điện và thủy lợi điều chỉnh hoạt động ngắn hạn của họ và giám sát khả năng xói mòn bờ. Nếu các dòng chảy vẫn thấp, nên xem xét yêu cầu Trung Quốc xả “nước bổ sung” như họ đã làm vào năm 2016 để giảm bớt tình trạng thiếu nước, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.

  1. Quản lý và bảo vệ tài nguyên nước

Các biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên nước thường được phối hợp với nhau và tác động lẫn nhau. Sau đây là một số biện pháp chính:

 - Quy hoạch nguồn nước để bảo vệ nước, đưa nước vào sử dụng hợp lý, khai thác nguồn nước sẵn có để sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn. Biện pháp quy hoạch quản lý, sử dụng nước nhằm mục đích: sản xuất điện năng, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, cấp nước cho nông nghiệp, cấp nước cho thủy sản, điều hòa dòng chảy cho giao thông, bảo vệ chống ngập lụt và cạn kiệt.

- Các chính sách, pháp chế và quản lý nước thích hợp:  Đây là biện pháp mang tính chất pháp lý, thiết chế và hành chính để áp dụng cho việc sử dụng và phân phối tài nguyên nước, đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên nước. Tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền luật tài nguyên nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các nguồn gây ô nhiễm tài nguyên nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thanh Nam, “Việt Nam chịu rủi ro to lớn về nguồn nước”, Tiền Phong ngày 18/8/2020.
  2. Cảnh Kỳ, “Khó giải quyết tình trạng thiếu nước hạ lưu sông Mekong”, Tiền Phong ngày 19/8/2020.
  3. Hòa Hội, “Dân đầu nguồn ngóng lũ”, Tiền Phong ngày 20/8/2020.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH - CN Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam chịu rủi ro lớn về nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.