Việt Nam giúp Lào xây dựng hệ thống dữ liệu và thông tin cảnh báo thiên tai
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều tối 6/8 tại thủ đô Viêng Chăn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào tổ chức lễ khánh thành Phòng Thí nghiệm dữ liệu và truyền thông về thiên tai tại Lào.
Tham dự sự kiện có ông Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Boviengkham Vongdara, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào cùng đông đảo cán bộ nhân viên thuộc hai cơ quan liên quan của hai nước Việt Nam - Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Palita Sengchanths, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dựng công nghệ thông minh, cho biết động đất là thảm họa gây ra nhiều thiệt hại và mất mát to lớn không thể đo đếm. Ở Lào đã có những trận động đất có độ lớn lên tới 6,7.
Theo Thống kê của Trung tâm động đất trong khu vực và quốc tế, từ năm 1900 đến nay, Lào đã xảy ra 22 trận động đất có độ lớn trên 4,0, trong đó có 2 trận mạnh hơn 6,0 và có 6 trận động đất có độ lớn khoảng 5,0 - 5,9 độ. Các trận động đất phần lớn xảy ra ở phía Bắc Lào
Ông Palita Sengchanths nhấn mạnh việc quan trắc theo dõi động đất có vai trò quan trọng trong cảnh báo sớm và giảm thiểu ảnh hưởng do động đất. Các nước Đông Nam Á và Ấn Độ Dương đã xây dựng và củng cố hệ thống trạm quan trắc động đất hiện đại hơn, bằng việc sử dụng các máy đo động đất tốc độ cao và vận hành ngay lập tức, gửi tín hiệu vệ tinh IP Star hoặc qua đường internet tốc độ cao để có thể xác định thời gian, địa điểm và mức độ của động đất một cách nhanh chóng.
Phòng Thí nghiệm dữ liệu và truyền thông về thiên tai được bắt đầu cải tạo, lắp đặt thiết bị và phần mềm từ ngày 26/7 đến ngày 4/8, với diện tích mặt bằng 50 m2, gồm 4 màn hình hiển thị, 2 máy vi tính và một số thiết bị khác sử dụng trong việc quan trắc tình hình động đất theo thời gian thực.
Việc xây dựng Phòng Thí nghiệm dữ liệu và truyền thông về thiên tai giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào là điểm khởi đầu cho việc xây dựng hệ thống mạng lưới vật lý địa cầu trong nước và kết nối dữ liệu với mạng lưới trạm vật lý địa cầu của Việt Nam, Thái Lan và Đông Nam Á.
Hằng ngày, tại phòng thí nghiệm, các cán bộ sẽ tiến hành trực ca, xử lý số liệu báo tin động đất theo quy trình. Số liệu động đất được kết nối truyền nhận trong thời gian thực bằng chương trình SeisComP từ các trạm động đất ở Lào và từ các hệ thống quan trắc ở các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan và hệ thống quốc tế như Geofon, Iris...
Khi có động đất, hệ thống SeisComP sẽ tự động xử lý trong thời gian thực và đưa ra các thông số động đất, như thời gian xảy ra động đất, vị trí xảy ra động đất, độ lớn, độ sâu... Trong trường hợp trận động đất có độ lớn trên 4,5, cán bộ tại Phòng thí nghiệm sẽ tiến hành phân tích số liệu để hiệu chỉnh chính xác tham số động đất.
Hiện ở tại Lào có 3 trạm quan trắc để theo dõi những trận động đất, được lắp đặt tại 3 địa điểm, gồm thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang và tỉnh Bolikhamxay, khoảng cách giữa các trạm là từ 150 - 300 km.
Việc khánh thành Phòng Thí nghiệm dữ liệu và truyền thông về thiên tai cho Lào đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Lào, giúp cung cấp cơ sở khoa học cho việc quản lý dữ liệu và truyền thông về thiên tai, một trong những thành phần quan trọng của chương trình chính phủ số.
Theo Xuân Tú - Bá Thành (TTXVN)