Thứ sáu, 29/03/2024 01:19 (GMT+7)

Việt Nam thúc đẩy phục hồi xanh sau Covid-19?

MTĐT -  Thứ hai, 28/12/2020 09:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với những thành công trong khống chế và kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam được kì vọng sẽ có khả năng khôi phục tốt, thậm chí tận dụng được lợi thế để chuyển dịch sang một nền kinh tế bền vững

Để nắm được cơ hội này, theo Ngân hàng Thế giới, khu vực công của Việt Nam cần làm tốt hơn những gì đã nói.

Ảnh: PV

Năm 2020 diễn ra “khủng hoảng kép” dịch bệnh và thiên tai. Sau gần một năm, Covid-19 mới chỉ gây ra 35 ca tử vong trong khi chỉ trong vòng hai tháng 10 và 11, mưa lũ đã gây thương vong trên 250 người. Các biện pháp kiểm soát đại dịch đã gây ra tổn thất kinh tế đáng kể, làm giảm 4,2% tăng trưởng GDP so với quỹ đạo trước khi có đại dịch. Trong khi đó, thiệt hại kinh tế do bão năm 2020 gây ra rơi vào khoảng 1,3 tỷ USD (khoảng 0,5% GDP). Nếu gộp lại toàn bộ những tổn hại về môi trường và biến đổi khí hậu, thiệt hại ước tính cho Việt Nam ở mức 4 - 8% GDP mỗi năm do tác động trực tiếp đến vốn tự nhiên và ngoại ứng gián tiếp đến năng suất lao động cũng như cơ sở hạ tầng.

Thoạt nghe, hai vấn đề trên không có nhiều điểm tương đồng. Thậm chí nhiều người cho rằng biến đổi khí hậu là sự tích lũy của cả quá trình phát triển chứ không phải đơn thuần chỉ là một đợt bùng phát như dịch bệnh, rằng những biểu hiện của biến đổi khí hậu như nắng nóng bất thường, cuồng phong, lũ quét hay bờ biển bị xâm thực đều “chủ yếu do ảnh hưởng từ bên ngoài” nên khó có thể bảo rằng Việt Nam nên giải quyết nó như giải quyết dịch bệnh. Tuy nhiên nhìn vào hậu quả của bão lũ, TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về Biến đổi khí hậu, cho biết khi đi công tác hai tuần tại các tỉnh miền Trung bị thiên tai, ông nhận thấy rằng hệ thống cơ sở hạ tầng và hệ thống kinh tế tư nhân, cá nhân, hộ gia đình hầu như bị tác động rất lớn: “Người dân bị mất đi những nền tảng cơ bản nhất và có vẻ như họ không có được phương án dự phòng cho các tình huống khủng hoảng”. Các tổn thất về tài sản sẽ kéo theo chuỗi tác động xấu như mất đi cơ hội học hành của con cái, không còn được tiếp cận với những dịch vụ cơ bản y tế, điện nước, đi lại hay khó tiếp cận hơn với cơ hội việc làm mới trong tương lai.

Do đó, tại buổi công bố Báo cáo điểm lại về kinh tế Việt Nam ngày 21/12 vừa qua, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Jacques Morisset đặt ra một câu hỏi “Tại sao Việt Nam vẫn chưa xử lý những thách thức về môi trường và khí hậu một cách hiệu quả như kiểm soát khủng hoảng Covid-19?”.

Ba thất bại thị trường ở Việt Nam

Đến nay, Việt Nam đã nằm trong nhóm sáu quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu và là một trong chín quốc gia có ít nhất 50 triệu người – tức hơn một nửa dân số - sẽ phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Mặc dù chỉ đóng góp một phần nhỏ vào phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng lượng phát thải của Việt Nam đã tăng đến năm lần kể từ đầu thập kỷ 2000. Thành công về kinh tế mà Việt Nam có được trong một phần tư thế kỷ qua phải đánh đổi bằng tổn thất về nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nhà máy Vinamilk lắp đặt các tấm pin mặt trời. Nguồn: Minh Thi/ VGP

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, dù cam kết ở mức cao nhưng tiến triển cụ thể ở Việt Nam vẫn còn “rất mờ nhạt”. Xét ở góc độ vi mô, Ngân hàng Thế giới chỉ ra ba thất bại thị trường. Thứ nhất là sự bất cân xứng về thời gian giữa lợi ích và chi phí. Lợi ích của các can thiệp sẽ tăng dần theo thời gian, trong khi chi phí thì phải bỏ ra ngay. Chẳng hạn, hầu hết tác động xả thải không ảnh hưởng đến người đang phát thải mà tới thế hệ tương lai, nhưng chi phí đó lại không được phản ánh trong giá cả hiện hành, do vậy doanh nghiệp và người tiêu dùng nếu giảm phát thải cũng chỉ vì lý do đạo đức chứ không phải vì động cơ kinh tế. Tại Việt Nam, nhiều cá nhân có thể không đầu tư ban đầu cho công nghệ mới và sạch hơn do hạn chế về tài chính hoặc do rào cản quy định. Mặc dù tư duy như vậy có thể phù hợp cách đây 10 hoặc 20 năm, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thiệt hại của biến đổi khí hậu là “đang diễn ra”, chứ không chỉ chờ tới thế hệ tương lai.

Thứ hai, các cá nhân có xu hướng đầu tư thấp hơn mức cần thiết nếu nhìn trên góc độ tập thể, vì lợi ích của cá nhân thấp hơn lợi ích của xã hội. Một hộ gia đình sẽ không đầu tư vào năng lượng mặt trời vì lợi ích cho bản thân họ thấp hơn lợi ích cho xã hội nói chung. Ngược lại, cũng hộ gia đình đó có thể đợi cho các hộ gia khác đầu tư vào công nghệ hiện đại này trước, và nhờ đó, hưởng lợi từ không khí sạch hơn. Những thách thức về môi trường cũng không dừng lại ở biên giới quốc gia mà chịu ảnh hưởng bởi các nước khác, chẳng hạn rác thải nhựa đại dương trôi dạt vào Việt Nam. Đây là lý do chính phủ phải can thiệp vào tiến trình đầu tư tạo dựng thị trường để đảm bảo cung ứng loại “hàng hóa công cộng” là quản lý tài nguyên và môi trường.

Thứ ba là thị trường không phải lúc nào cũng tính đến mức giá đúng của tài nguyên do khó xác định những rủi ro liên quan đến thiên tai hoặc các hiện tượng khác. Về lý tưởng, thị trường đất đai và bất động sản cần phản ánh nguy cơ với các hiện tượng tự nhiên bất lợi tại một địa điểm, tuy nhiên trong thực tế, đôi khi người ta còn chạy theo hướng ngược lại, tức đầu tư phát triển vào các khu vực có nguy cơ thiên tai cao nhất vì mật độ dân cư ở đây còn thấp. Tương tự, giá điện hiện nay đang ở mức thấp cũng chưa phản ánh hết các tác động môi trường mà việc sản xuất ra nó tạo nên,bao gồm cả việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay sử dụng nguồn tái tạo.

Mặc dù Việt Nam có ‘tầm nhìn’ tốt về môi trường và biến đổi khí hậu nhưng lại thiếu hụt các cơ chế hiệu quả cần thiết để điều phối quá trình ra quyết định giữa các cấp có thẩm quyền. Nhà nước thực sự chưa tuân theo “các quy tắc xanh” trong hoạt động đầu tư, nhất là tại các doanh nghiệp nhà nước cũng như trong quá trình lựa chọn dự án và nhà thầu.

Mặc dù ba “thất bại thị trường” nêu trên có thể giúp hiểu thêm tại sao các cá nhân (hộ gia đình và doanh nghiệp) chưa thay đổi hành vi để thích ứng với rủi ro thiên tai một cách đầy đủ, nhưng nó cũng không lý giải được toàn bộ câu chuyện trì hoãn bởi chính phủ các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đến nay đều hiểu rõ những thất bại trên. Câu hỏi thực sự là tại sao chúng vẫn chưa được khắc phục?

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mặc dù Việt Nam có ‘tầm nhìn’ tốt về môi trường và biến đổi khí hậu nhưng lại thiếu hụt các cơ chế hiệu quả cần thiết để điều phối quá trình ra quyết định giữa các cấp có thẩm quyền. Việc thực hiện các cải cách về thiên tai, khí hậu chậm và không đồng đều cũng do quy định còn yếu, hiệu lực thực thi kém vì thiếu chế tài và các biện pháp kiểm soát. Cuối cùng, báo cáo nhấn mạnh, Nhà nước thực sự chưa tuân theo “các quy tắc xanh” trong hoạt động đầu tư, nhất là tại các doanh nghiệp nhà nước cũng như trong quá trình lựa chọn dự án và nhà thầu.

Hai bài học hậu Covid-19

Những thất bại thị trường trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy khu vực công cần phải là lực lượng tiên phong thúc đẩy sự chuyển đổi. Ông Morriset cho rằng, các bài học đáng ngưỡng mộ từ việc ứng phó với Covid-19 có thể được chính phủ áp dụng tương tự để phục hồi kinh tế-xã hội. Trước ngã rẽ hậu Covid-19 “trở lại như trước đại dịch hay thay máu để xây dựng một tương lai có khả năng chống chịu tốt hơn”, ông cho rằng Việt Nam nên tận dụng cơ hội đó để phục hồi xanh.

Theo quan điểm của ông Morriset, bài học đầu tiên là nhà nước có thể can thiệp kiên quyết trong trường hợp khẩn cấp và nhận được sự ủng hộ của người dân. Nếu các cú sốc của biến đổi khí hậu cũng được nhìn với một tâm thế khẩn trương thì Chính quyền và người dân sẽ nhanh chóng thay đổi cách phản ứng. Việt Nam đã xác định tầm nhìn về môi trường và biến đổi khí hậu đến năm 2030, do vậy các chính sách, hoạt động và đầu tư cần nhanh chóng xây dựng xoay quanh việc lấy yếu tố xanh và sạch làm chủ đạo. Ông hi vọng “Việt Nam nên trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới về phục hồi xanh” thông qua việc thực hiện bảy hành động ưu tiên mà OECD đề ra.

Bài học thứ hai quan trọng hơn là việc thực thi. Hầu hết các hành động mô tả mà chính quyền “nên làm” đã được đưa ra trong nhiều chiến lược ngành và chiến lược quốc gia gần đây. Vì vậy, thách thức còn lại và lớn hơn đối với các cơ quan quản lý là phải triển khai những hành động đó với tinh thần khẩn trương hơn nữa. Trong đại dịch Covid-19, chính quyền đã cho phép “thử nghiệm và đổi mới sáng tạo nhiều cách tiếp cận mới”, bao gồm kết hợp giữa sử dụng khai báo điện tử để theo dõi các ca nghi nhiễm và dương tính, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ban hành, giữa trung ương và địa phương, truyền thông minh bạch cho đông đảo người dân qua các công cụ và nền tảng công nghệ số. “Cách tiếp cận sáng tạo đó nên được nhân rộng để giải quyết các vấn đề môi trường”, ông Morriset nhấn mạnh.

Theo góc nhìn của ông, Việt Nam cần triển khai các chính sách thông qua việc áp dụng bốn nguyên tắc: Tạo ưu đãi bằng cách điều chỉnh giá cả; tạo tâm lý ngại chế tài để điều chỉnh hành vi; xây dựng lòng tin bằng cách làm gương; và sử dụng truyền thông cùng các cơ chế chia sẻ thông tin để thu hút cộng đồng.

Những bài học trên không chỉ nhằm giúp Việt Nam nâng cao bền vững và khả năng chống chịu mà còn để hoàn thành được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khẳng định, “Chúng ta không nên suy nghĩ việc khôi phục tăng trưởng và thực hiện những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường là sự đánh đổi, mà phải coi nó như hai mặt bổ sung hỗ trợ cho nhau bởi những cơ hội mới mà nó đem đến” Ngày càng nhiều nhà đầu tư FDI và người tiêu dùng ở các nước phát triển đòi hỏi những giá trị về môi trường, bền vững và công bằng trong sản phẩm của mình, và đó là điều mà Việt Nam cần đáp ứng.

Ông Morriset cũng nhắc nhở rằng mục tiêu của phát triển kinh tế “không chỉ để làm ra của cải mà còn nhằm làm sao không phá hủy chính tài sản do mình tạo ra”, bởi vậy Việt Nam nên sớm hành động để học được cách tiến lên khéo léo hơn.

Gợi ý 4 nguyên tắc khi thực hành phục hồi xanh ở Việt Nam

1. Tạo ưu đãi bằng cách điều chỉnh giá cả. Trong lĩnh vực môi trường, việc áp dụng mức phí sử dụng quá thấp dẫn đến nguồn tài nguyên không tái tạo bị quản lý thiếu bền vững. Do vậy, để tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ nhà nước, Chính phủ có thể điều chỉnh phí sử dụng năng lượng, nước và xử lý rác thải để khách hàng sử dụng thận trọng hơn. Do nâng giá hoặc tăng thuế có thể là thách thức về chính trị và xã hội trong ngắn hạn, nên những chính sách này cần được ban hành từng bước, kết hợp với các chiến dịch truyền thông khéo léo để giải thích về lợi ích lâu dài.

2. Tạo tâm lý ngại chế tài bằng cách thực thi các quy định. Mặc dù ưu đãi là cách hiệu quả để tạo động lực nhưng không phải lúc nào cũng có hiệu quả, do vậy thường phải có thêm các quy định giúp thay đổi hành vi. Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc áp dụng nhịp nhàng các quy định mềm (chẳng hạn dán nhãn năng lượng sản phẩm tiêu dùng) và quy định cứng (ví dụ, nâng mức trần về môi trường khi sản xuất năng lượng…). Như được minh chứng qua COVID-19, điều này đòi hỏi phải có hệ thống báo cáo tốt, các biện pháp kiểm soát hiệu quả, và hệ thống tư pháp đảm bảo hiệu suất để các quy định hoặc ưu đãi được thực thi tốt.

3. Xây dựng lòng tin bằng cách làm gương. Nhà nước không chỉ là cỗ máy quản lý mà còn là một tác nhân quan trọng, thông qua các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng một số sản phẩm có tác động trực tiếp đến tài nguyên và môi trường. Nhà nước có thể lồng ghép các tiêu chí về rủi ro khí hậu, thiên tai và/hoặc môi trường vào quá trình lựa chọn dự án đầu tư, phát hành trái phiếu xanh, tiết kiệm năng lượng tại các công sở hoặc buộc các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các hành động dẫn đường.

4. Truyền thông. Chính phủ có thể hình thành các nền tảng số tương tác và liên thông về môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo, trong đó lượng hóa và mô hình hóa các mức rủi ro khí hậu để sử dụng cho các phương án đầu tư phát triển mới; công khai những dữ liệu đó cho đông đảo các bên liên quan và đẩy mạnh triển khai dữ liệu mở để khu vực tư nhân cũng có thể đóng góp.

(Theo Báo cáo điểm lại “Từ Covid-19 đến Biến đổi khí hậu: Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong Phục hồi xanh” của Ngân hàng Thế giới, tháng 12/2020)

Tham khảo: Báo cáo “Từ Covid-19 đến Biến đổi khí hậu: Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong Phục hồi xanh” của Nhóm Ngân hàng Thế giới, tháng 12/2020. https://bit.ly/3ha3T2t

Theo Phong Du/Khoa học Phát triển

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam thúc đẩy phục hồi xanh sau Covid-19?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.