Thứ bảy, 20/04/2024 19:19 (GMT+7)

Vĩnh biệt “ông ba mươi”

Nguyễn Hoài Nhơn -  Thứ năm, 16/12/2021 16:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghe nói đến nghề săn cọp ai cũng có cảm giác vừa phiêu lưu mạo hiểm lại vừa rờn rợn nhưng hấp dẫn lạ lùng, nó thu hút mọi người còn kinh dị hơn nhiều thứ chuyện kể trên đời.

Có thời con người đối mặt với cọp cũng đồng nghĩa đối mặt với tử thần. Diệt được một chú cọp coi như tạm giải quyết được hiểm họa. Nhiều làng bản còn treo giải thưởng cho trai làng – nếu ai bắt giết được cọp dữ là có quyền chọn yêu một cô gái đẹp làm vợ.

tm-img-alt
Ông Ba Mươi, ông Hùm, ông Kễnh là tên gọi khác của con cọp, có lẽ vì người ta quá sợ “ngài” nên nói tránh ra như vậy. Ảnh TL

Cọp – cái tên vừa nghe đã rùng mình phát hoảng, nó uy linh ghê gớm. Với bộ mặt gân guốc, răng nanh sắc lạnh chìa lởm chởm ra phía trước, quai hàm rộng cứng khừ như hai gọng kìm đánh vào nhau khấc khấc, mồm hoác hoạc, lưỡi thè lè đỏ lòm, mắt tròn to lanh lợi, xảo quyệt, ria mép rung rung thính nhạy, mũi đen sì phập phồng đánh hơi xa cả dặm rừng. Mặt mày vằn vện loang lỗ. Sự hung dữ, nanh ác bày ra ra lồ lộ trông đến phát khiếp. Thân hình cọp vạm vỡ nặng cả tạ, có con vài tạ. Bốn chân cọp là bốn bộ móng vuốt khoằm khoằm sắc lẻm, chộp đâu trúng đó, vày con mồi chết không kịp kêu. Cọp có tài dịch chuyển nhẹ nhàng, thanh thoát không gây một tiếng động nào trên mọi địa hình, kiên nhẫn cực kì trong việc rình mồi. Với bản tính hung dữ, cộng với vóc dáng “thiên nhiên phú” như vậy khiến cho cả người lẫn loài thú đều khiếp đảm.

Có một thời con người đành bó tay bất lực trước oai quyền của cọp, phải gọi cọp bằng “ông” kẻo thất lễ, thế mới phục ! “Ông” cọp đã trở thành linh thiêng. “Ông” được đưa vào miếu thờ thần hẳn hoi như một sự van lạy của người đời – mong “ông” giảm bớt sự độc đoán, tàn bạo của mình. “ông” được phong “chúa sơn lâm” ở nhiều vùng rừng núi thâm u, hẻo lánh. Liên minh “chúa cọp” không hiệp ước văn tự nhưng chúng lại hoạt động dữ dằn làm cho nhiều cư dân sống bằng nghề rừng đều phải ngán ngẩm, ăn không ngon, ngủ không yên, hoảng hồn vì sự rình rập đe dọa của chúng. Nhiều oan hồn bị cọp xé xác cho đến bây giờ cũng không dám quấy nhiễu hoặc trả thù. Thời chiến tranh ở làng tôi dân sơn tràng, dân đi hái củi, nhặt hạt dẻ rừng phải xách theo vài ba kí thịt bò bạc nhạc hoặc một cái đầu heo to tổ bố để cúng “ông”, dẫu chưa được trọng vọng lắm nhưng “ông” vẫn vui lòng chấp nhận như một thói quen thường nhật của sự háu ăn. Khi no “oản”, “ông” chỉ việc chui vào hang tối hoặc nằm dài ở bờ suối mát rượi nào đó đánh khò một giấc ngon lành quên cả việc rình mồi.

tm-img-alt
Cũng có tích về tên ông Ba Mươi rằng, ngày xưa, miền Trung và miền Nam rất nhiều cọp, chúng thường vào xóm bắt gia súc hoặc rình vồ người đi trong rừng. Ảnh TL

Thời thơ ấu tôi có may mắn được sơ tán lên “thung lũng cọp” thuộc xã Cao Mại, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Cái thung lũng vừa đẹp vừa buồn thê thiết. Bốn bề núi bao vây như Vạn Lí Trường Thành, ở giữa mọc một hòn lèn Bụt ngồi thiền như thế đã hàng triệu năm. Các bàn dân ở đây không khác gì anh lính “trấn thủ lưu đồn”. Suốt đời vừa quanh quẩn kiếm miếng ăn bằng nghề phát nương cuốc rẫy, vừa lẫn tránh bom đạn Mỹ. Thung lũng Cao Mại hồi đó đối với tôi vừa thần tiên lại vừa rùng rợn. Quang cảnh ở đây u tịch, sương phủ mơ màng hết ban mai. Hàng trăm con suối trong như lọc đổ xùm xòa thành những thác nước trắng trời. Cầu vồng tím, đỏ, vàng…hiện lung linh mờ ảo. Cây rừng mọc bò vào tận vườn nhà xanh mướt. Hoa trái đủ chủng loại như ổi rừng, bưởi, sim, mua, hạt dẻ, sồi…tranh nhau rớt kín mặt đất tứ mùa, rất hợp khẩu vị nhiều loài thú. Chúng đổ dồn về đây kiếm ăn no nê rồi sinh con đẻ cái nhiều vô xiết kể. Vào những năm 60-70 của thế kỉ trước, chưa ở đâu của xứ rừng miền Trung trung bộ như thung lũng Cao Mại lại giàu thú đến thế : Voi, trâu rừng, bò tót, chó sói, gấu, nai, sơn dương, heo, hoẵng…chạy loạn xạ trên những đồng cỏ óng xanh, con nào cũng béo mượt, lông lá rực rỡ đủ sắc màu đẹp không thể tả. Chúng là miếng mồi béo ngậy cho lũ cọp, chẳng cần rình cũng vớ được dễ dàng.

Cọp khoan thai làm chúa nhiều loài thú, khoan thai hưởng thụ kho thịt sống tưởng như vô tận ấy. Nhàm chán đâm ra tò mò, các chú lẻn khỏi cửa rừng, tối tối mò vào làng thay đổi khẩu vị. Tai họa bắt đầu từ đó. Đêm ít ai dám ra khỏi làng, nhà cửa đóng kín mít. Khi đi rừng phải nhìn trước, nhìn sau, cảnh giác trong mọi lúc mọi nơi. Ấy thế mà vẫn không tránh khỏi nanh vuốt của loài cọp dữ. Ở làng tôi và nhiều làng lân cận, số người bị cọp vồ tha đi hầu như không một ai may mắn sống sót trở về. Có khi chúng ăn hết thịt, có khi chừa lại đầu cẳng, truy tìm đến tận nơi, dân làng chỉ biết ngậm ngùi đem một phần thi thể của người xấu số trở về trông thật xót xa, đau đớn. Nhà nào rơi vào điềm gỡ ấy, những người thân còn lại thắc thỏm lo sợ cả một đời. Mỗi lần cọp vào làng bắt người, bắt bò là tiếng trống, tiếng mõ, tiếng nắp soong đập vào nhau xủng xoảng, tiếng chân chạy thình thịch, tiếng la hét om sòm, đuốc lửa khua lên trời sáng rực để xua đuổi cọp. Trẻ con ngồi trong mùng im re, tò mò lắm nhưng không dám bước ra sân để coi. 

 Có một đêm anh Động leo lên chòi canh mì, trăng ở rừng sáng như ban ngày, từ trên cao nhìn xuống anh thấy chú cọp ngồi chồm hổm dưới chân cột liếm mép chờ đợi, anh đuổi mãi vẫn không thèm đi. Hoảng quá anh la làng báo động cấp cứu, một tiểu đội du kích xã vừa lia đèn pin, vừa dùng súng K44 bắn đuổi, cọp ta mới lầm lì bỏ chạy quanh quẩn vào mấy bụi rậm. Ông Ngoại tôi còn kể, hồi ở Rào Bùng, ngày đi buôn, đêm cắm sào ngủ dưới đò, xế khuya, nước cạn, cọp đánh hơi ra kê mõm định nhảy vào khoang thuyền, may mà ông Ngoại tôi kịp tỉnh giấc vội vàng nhổ cọc chèo phang lia lịa vào đầu cọp, đau quá cọp chịu thua bỏ lên bờ. Thật hú vía ! Đêm đó ông Ngoại tôi neo đò giữa dòng sông chờ sáng, còn chú cọp tinh khôn kia cứ đứng trên bờ nhìn ra như có vẻ thèm thuồng lắm. 

Hồi những năm 1965-1968 chiến tranh vào thời kì ác liệt, mỗi lần nghe súng bắn, bom ném, các chú cọp ranh ma thường hồi hộp chờ tan trận đánh, chúng tranh giành nhau ra kiếm xác người chết. Có chú vướng ngay bom bi nổ chậm, banh thây tại chỗ. Còn chuyện này nữa, xảy ra thương tâm lắm! Hồi năm 1967 có một đơn vị Thanh niên Xung phong đóng quân cách trạm giao liên 41 vài chục cây số làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn. Giữa trưa cơm nước xong xuôi mọi người đều mắc võng tòong teng vào cây nghỉ ngơi. Riêng cô gái tên Bình, người Hà Nội, dáng mảnh mai nhỏ nhắn, một mình lẻn ra suối vắng trần truồng tắm hồn nhiên ở đấy. Cọp dữ mai phục trước mà cô không hề biết, chúng vồ lấy cô tha đi vội vàng như ma đuổi. Tiếng la thất thanh - cứu em với!...cứu…em…với !...âm vang cả một khoảng rừng. Toàn đơn vị hốt hoảng cầm súng AK đuổi theo. Tiếng cô gái yếu ớt nhỏ dần, nhỏ dần…truy gần đến nơi mọi người rất đau lòng thấy thân hình cô trắng nõn như sáp treo lững, mềm oặt dưới hàm răng cứng khừ của một con cọp vàng. Máu tươi phun ướt đầm đìa cả ngực lẫn bụng. Súng lên đạn nhưng không một ai dám bắn, cứ thế họ bám riết từ trưa cho đến tối mệt nhoài, chú cọp bất lực đành nhả cô ra. Rất tiếc cô gái xinh đẹp kia không sống được. Họ thay nhau bế cô về trong niềm tiếc thương vô hạn. 

Trong tất cả các loài thú hoang dã, có lẽ cọp là thứ động vật ăn thịt hung dữ nhất. Khi đói cọp không từ một thủ đoạn tàn bạo nào để tìm cách nhét cho bằng được vào cái bao tử của mình đủ thứ thịt sống. Ở đâu có cọp là ở khu rừng ấy mất hết bầu không khí bình yên. Với đôi bàn chân dẻo dai, rắn chắc, với bản tính lì lợm, hung hãn, cọp tha hồ sống nhởn nhơ “ngoài vòng pháp luật” mà không cần biết đến trên, dưới. Có lẽ không một con thú nào ngoài cọp biết thi hành và ứng dụng một cách tàn bạo luật rừng. Mỗi bước đi kiếm ăn của cọp đầy tự tin, mọi con vật dưới cơ đều khôn hồn tìm cách lãng xa chừng nào càng tốt chừng ấy hoặc sống ru rú trong một xó hang nào đó mà chúng biết chắc chắn là cọp không thể nào tấn công được. Chưa ở đâu bản năng sinh tồn của loài vật lại được cạnh tranh gay gắt và tận dụng đến cùng như ở các khu rừng nguyên sinh. Ngoài việc kiếm ăn, sinh đẻ, chúng còn biết phát huy mọi lợi thế mà tự nhiên cho phép để bảo toàn sinh mạng.

Có lần cọp đuổi một con hoẵng vàng mượt, đối với cọp đó là miếng mồi ngon rỏ dãi. Cùng đường, hoẵng chui tọt vào một hốc cây chỉ đúng vừa bằng thân thể chu hoẵng. Cọp chịu thua, đứng ngoài cửa hang tức lộn ruột bèn gầm rú điên dại, điếc tai cả một khu rừng, các loài thú dưới cơ đứng im thin thít. Đối với con người, cọp khôn khéo thận trọng hơn, tốt nhất là nên rình rập kĩ lưỡng. Nếu trong tay người có vũ khí như dao, rựa, gậy, đá…thì đừng có mà dại dột! Từ kinh nghiệm đồng loại cho hay, đã không ít chú bị con người chém cho vỡ mặt, bị đá ghe gãy răng, gậy thọc mù mắt…

CỔ TÍCH VỀ MỘT NGƯỜI BẨY CỌP

Ông Vượng có nghề bẩy cọp gia truyền. Vào những năm 1970, ông bắt được cả thảy 9 con. Tiếng tăm ông lừng lẫy khắp mọi nơi nghe giông giống chuyện cổ tích hơn là sự thật. Ấy thế mà sự thật về ông lại hấp dẫn hơn mọi chuyện cổ tích. Năm tôi 13 tuổi, gặp ông như một sự tình cờ, cuộc phiêu lưu của tuổi ấu thơ tôi có lẽ bắt đầu từ đó. Thấy tôi mạnh khoẻ lại rất nhanh nhẹn. Ông khoái tôi ngay:

- Này, có đi bẩy cọp với tao không ?

Tôi ậm ừ cho qua chuyện vì nghe đến từ cọp đã thấy bủn rủn cả chân tay, toàn thân nổi da gà ớn lạnh như sắp sốt rét. Nhưng khi trộm nhìn sắc diện ông lại thấy tự tin ngay. Ông có khuôn mặt to bè, chiếc mũi sư tử đỏ nhừ nổi tô hô phía dưới trán như một ốc đảo, bộ ngực căng phồng, chân cuồn cuộn từng múi cơ như bắp chuối. Dáng người thấp lùn, da đen bóng, ông lừ lừ như một đô vật. Tuy gần tuổi năm mươi nhưng chân tay ông rắn chắc, leo núi nhanh như sóc, mắt nhìn trước nhìn sau giảo hoạt không khác gì loài cáo. Tôi mê ông ngay, khi được đứng gần ông, tôi thấy mọi thứ như cọp beo trên đời này đều vô nghĩa tất. Từ ngày đó tôi quyết định bỏ nhà theo ông vào rừng sâu đánh bẩy.

Núi non ở đầu thượng nguồn con sông Gianh quả là hùng vĩ, hàng trăm chóp núi đội mây cao vút. Nhiều con suối tõe nhánh xanh ngăn ngắt, cá quẫy nhiều vô kể, chim kéo nhau bay về uống nước đập cánh rào rào, có nhiều loài rất lạ, khó phân biệt được tên, bảy sắc màu lông của chúng lập loè trong nắng chiều hôm. Bản giao hưởng bằng nhiều chất giọng chim ngân rung theo từng cung bậc khi bổng trầm, khi náo nức, dịu dàng. Tôi ngây ngất trước khung cảnh thiên nhiên hoang dại đẹp đến mê hồn. Bỗng dưng tất cả đều im bặt. Ông Vượng bấm tôi nói nhỏ :

- Cọp xuống suối uống nước, nhìn kia kìa!...

Trời ơi, con cọp xám, to đến dữ tợn. Tôi hoảng hồn mất hết sức phản kháng, tự dưng người sụm xuống, mắt nhắm nghiền. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cọp. Diện mạo hung hãn, nanh ác của nó toát hết ra bên ngoài. Cọp đứng trên bờ chúi cái mõm to bạnh xuống hụp nước, bóng in lù lù chờn vờn như sắp cắn xé. Tôi co rúm người lại hầu mong cọp xám đừng thấy. Ông Vượng quắc mắt sang tôi, lỗ mũi ông hếch toác lên, môi trề sang một bên có vẻ khinh bĩ. Đoạn, ông củng cố tinh thần tôi ngay bằng câu nói chắc như đinh đóng cột :

- Mai kia bác cháu ta phải bắt cho bằng được nó !

Tôi chẳng mấy tin, trong bụng thầm nghĩ mà chẳng dám đốp chát lại ông “ Dữ thế kia liều mạng có mà chết”. Chú cọp xám uống nước xong bước lửng thững lên bờ không thèm để ý đến ông Vượng và tôi. Cái kiểu đi đứng thế kia càng biểu hiện sự oai linh ghê gớm của loài cọp. Tôi thấy mình vừa bé nhỏ, vừa bạc nhược hết chỗ nói. Chiều buông nhọ mặt người, cái chòi lá lợp cọ mới dựng xong cao gần mười mét, tuy mệt nhưng có chỗ để trú ẩn tránh loài thú dữ tung tác về đêm, tôi thấy đỡ sợ hơn đôi chút. Còn ông Vượng thì cứ tỉnh queo như chẳng có chuyện gì xẩy ra.

Sáng hôm sau tôi cầm cây dao rựa lập chập bước theo ông. Vô số dấu chân cọp in xuống đất to bằng cái bát ăn cơm. Ông chọn một con đường độc đạo xuyên qua hai hẻm núi bảo tôi đào hố, rồi ông đi chặt cây dền to bằng cổ chân, thứ cây có độ đàn hồi rất lớn. Ông cắm huỳnh huỵch một đầu xuống đất còn đầu ngọn buộc dây bẩy bằng cáp pháo sáng. Tôi cùng ông cố sức vít cong cần bẩy, cài con lanh vào miệng hố rồi khoả đất xóa sạch mọi dấu vết cho cọp khỏi đánh hơi nghi ngờ, thế là xong. Phải mất ròng rã mười ngày ông Vượng mới gài hết 100 cái bẩy phong tỏa hơn một cây số vuông. Ở đâu có chân cọp, ở đó ông chặn đường bằng vòng bẩy sắt tinh vi, khó lòng phát hiện ra. Chắc chắn lá dính, lũ cọp chạy đâu cho thoát. Một mạng lưới bẩy dày đặc thế kia, mỗi bước đi kiếm mồi của chúng, dù có khôn ngoan dò dẫm đến mấy cũng không tránh khỏi. Tôi đắc ý vì sự khôn khéo ma mãnh của ông trong việc đánh lừa thú rừng bằng kiểu gài hết sức khoa học này. Nếu cọp sa chân vào hố bẩy coi như tiêu đời. Mỗi sáng xách cây mác tra cán dài đuỗn đi thăm cùng ông, tôi hồi hộp đến nghẹt thở. Tôi bị cuốn say trong nỗi phấp phỏng chờ đợi. Mỗi tiếng động ở trước mặt hay sau lưng đều khiến tôi giật mình thon thót.

Phải mất chín đêm mong mỏi, nôn nóng mới có kết quả đầu tiên. Con cọp xám hôm nào xuống suối uống nước quả là xấu số, chân trước mắc bẩy dính cứng giãy dụa mãi vẫn không ra. Khi thấy chúng tôi, hai hàm răng cọp đánh khập khập, cây cối xung quanh bị cắn xé tan hoang từ lúc nào ? Ông Vượng giật cây mác nhọn hoắt từ tay tôi hướng thẳng vào mặt nó. Cọp xám lao bạt mạng vào ông. Cây mác ông cầm thủ thế dương sẵn, không đổi hướng. Cọp lao ra đánh phựt, mũi mác đâm lút cổ, những tia máu phun như mưa xối. Cọp xám rống lên một tiếng ghê rợn rồi lịm dần dưới tay mác của ông. Tôi đứng đực ra vì kinh hãi. Sau đó ông bảo tôi cùng ông kéo lê chú cọp xuống suối mổ bụng, róc thịt lấy xương phơi nắng cho thật khô đem cất vào ba lô đợi ngày mang về nấu cao hổ cốt. 

Ba hôm sau lại dính thêm một chú cọp con lông vàng mượt. Ông quyết định bắt sống. Chưa kịp gỡ dây thì bất ngờ cọp mẹ lao tới cứu con. Tôi quyết định nắm chặt cây dao rựa, ông cũng vừa kịp dơ ngọn mác thủ thế. Hai người quay lưng vào nhau cùng tử chiến với con cọp hung dữ. Mỗi lần nó xông vào là tôi với ông đâm chém lia lịa nhưng không trúng huyệt. Bị đau, cọp càng điên tiết hơn, nó há hốc mồm, bọt mép phun phì phì, hai chân trước xoè vuốt nhọn hoắt. Chúng tôi ở vào một tình thế hết sức bi đát, trước mặt là một vách núi đá dựng đứng, sau lưng lại là vực sâu, không còn con đường nào khác để chạy thoát thân. Cọp cái điên dại lao vào hai chúng tôi cào cắn lia lịa. Tôi và ông Vượng vừa né tránh, vừa lừa thế diệt cho bằng được con cọp cái hung dữ này. Lần thứ tư nó xông vào ông Vượng, mất đà ông ngã lăn quay xuống đất, cọp chồm lên người ông, cẳng chân ông nằm ngang miệng cọp, một thoáng tôi đã thấy nghiến nát bấy dưới hàm răng lởm chởm nhọn hoắt kia. Hoảng quá, tôi liều chết lao tới gần, dùng hết sức bình sinh nâng cao con dao rựa sắc lẻm chém vào gáy cọp đánh phập. Nó trợn ngược cặp mắt trắng dã rồi lăn kềnh sang một bên, tôi bồi thêm ba nhát vào cổ, cọp cái chết hẳn. Chân phải của ông đứt lìa lầy nhầy cả máu lẫn đất. Ông lăn lộn, quẫy đạp tơi bời trên vũng máu vì quá đau đớn. Tôi luống cuống xé vạt áo băng cầm máu cho ông rồi vội vàng cắt rừng chạy về làng kêu cứu. 

Khi viết lại thiên truyện kí này tôi vẫn chưa hết hãi hùng, dấu ấn của cuộc tử chiến ấy còn đọng lại khá đậm nét. Buổi đầu tôi cứ tưởng cái nghề bẩy cọp sẽ li kì, hấp dẫn biết chừng nào, không ngờ lại nguy hiểm đến thế ? Có lẽ câu chuyện cổ tích về ông Vượng đã đến hồi kết thúc. Ông cay đắng trở về quanh quẩn trong xó nhà như một kẻ chiến bại. Chiếc nạng gỗ khua lộp cộp vào ra làm mất đi phong thái ngang tàng khó bảo của ông. Không hiểu sao ở làng tôi cũng như nhiều làng rừng khác sống bên cạnh dãy Trường Sơn hùng vĩ bỏ hẳn cái nghề bẩy cọp thô sơ, có điều độ từ đấy. Một cuộc “cách mạng” trong nghề săn bắt cọp đã manh nha xuất hiện có tính toàn quốc góp phần cho sự tận diệt loài thú quí hiếm này và rất nhiều loài thú diễn ra thần tốc ngoài cả sức tưởng tượng của ông và tôi : đó là vũ khí. Tôi tưởng ông hả dạ vì được trả thù cho cái chân phải bị đứt lìa bởi hàm răng sắc lẻm của con cọp cái dạo nào nhưng không ngờ chính ông còn buồn hơn ai hết. Ông rầu rĩ nói với tôi :

- Con cọp là một trong những vật quốc bảo của rừng, cháu ạ !

Ngày đó tôi chỉ là một thắng nhóc mười ba tuổi tò mò theo ông làm một cuộc phiêu lưu cho chóng qua đi thời thơ ấu tủi nhục, đói khổ. Còn bây giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói ấy, nhưng để cứu chuộc những hành động phí phạm mà con người vô tâm gây ra tai họa đối với thiên niên hoàn toàn nằm ngoài khả năng, đó chỉ là sự sám hối muộn màng mang tính ngụy trá. Còn thực tế buồn thảm của rừng tự nhiên nhiệt đới Việt Nam trong những năm gần đây dù đã gióng lên từng hồi chuông báo động cứu cấp vẫn không có tín hiệu hồi âm.   

LỜI AI ĐIẾU DÀNH CHO LOÀI CHÚA TỂ

Có một thời cọp trở thành đại họa cho con người, ở đâu có rừng, ở đó có cọp. Giang sơn riêng của cọp không một con vật nào dám ho he. Thấy cọp là phải nhanh chân “biến”. Con người cũng thế, cọp không từ nan. Mỗi khi vào rừng ai cũng thủ sẵn vũ khí đề phòng cọp tấn công thì bằng mọi giá phải chống trả quyết liệt để bảo toàn tính mạng. Cọp có thói quen rình mồi kiên nhẫn như mèo rình chuột rồi bất ngờ lao ra vồ bắt. Nên khi đi rừng ít ai thấy bóng dáng của cọp đâu. Nhưng cái mùi hôi thối từ lông lá, từ cái hàm răng gớm ghiếc chuyên xơi thịt sống bốc xa cả chục dặm. Đây là một bất lợi vô cùng trong việc rình mồi, có khi cọp phải nhịn đói cả tuần vì không kiếm được thức ăn. Nghe mùi cọp lởn vởn ở đâu đó là phải tránh xa.

Rừng Việt Nam có rất nhiều cọp, chúng sinh sôi nảy nở thật nhanh. Trước đây con người tìm cách giết cọp dữ chỉ nhằm bảo toàn tính mạng. Con cọp nào có thói quen ăn thịt người thì chắc chắn khó lòng sống nổi. Những người thợ săn có tay nghề lão luyện họ đánh hơi lần theo mùi cọp, tay cung nỏ, tay mác đi hết cánh rừng này sang cánh rừng khác khi nào tiếp cận chúng họ mới bí mật ra tay. Chừng nào trừ khử xong cọp mang bộ da lẫn xương mang về dâng làng, trả thù cho những người bị cọp xé xác, coi như hoàn thành xong sứ mệnh vẻ vang của mình. Kiểu săn bắt tự phát như thế vào những năm 1975 trở về trước có lẽ rừng tự nhiên Việt Nam cho đến hôm nay biết cơ man nào là cọp? Cái giống loài vốn sinh ra đã ưa làm chúa tể ấy xứng đáng được trị vì khắp bất kì đâu có núi non cây lá. Thế mà các chú cũng phải hứng chịu một nỗi bất hạnh lớn lao y hệt không biết bao nhiêu động vật rừng khác. Cọp được xếp hạng là loài thú quí, hiếm nhất nhì thế giới. Chính vì cái sự quí hiếm ấy mà các vị “chúa tể” của chúng ta đành phải gánh chịu hiểm họa khôn lường do chính con người dáng xuống. Đó không phải là sự trừng phạt có tính chất trả thù mà do món lợi nhuận kếch xù phát sinh từ việc săn bắt cọp.

Nếu “vớ” được một chú cọp (dù chết hoặc sống) có thể mừng như kiếm được báu vật. Một con cọp bắn chết riêng bộ da thuộc và xương dùng để náu cao bán không dưới một tỷ Việt Nam đồng. Còn bắt được cọp sống thì món lời thu được còn khủng khiếp hơn. Cái nghề săn cọp trở thành phổ biến. Con người đã kiên nhẫn lùng sục khắp mọi nẻo rừng từ nam chí Bắc. Hễ đánh hơi thấy mùi cọp là họ chẳng chịu buông tha. Cái kết cục bi thảm nhất của loài cọp là đang có nguy cơ tuyệt diệt hoàn toàn. 

Bây giờ vào rừng ít ai có tâm lí sợ cọp vồ, voi giày, gấu đuổi, bò tót húc, cá sấu rình nữa. Một sự tự tin thật đáng buồn. Bóng dáng của những loài thú quí ấy dần dần vắng biệt tăm hơi. Chúng sống thất thểu, ẩn dật như là bản năng tự vệ yếu ớt mà thiên nhiên thường không muốn dành cho những con vật khổng lồ này./.        

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh biệt “ông ba mươi”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chân dung được vẽ bằng lụa vụn.
Dự án "Những bức chân dung từ lụa vụn" đã khởi động, mục tiêu là hỗ trợ các nghệ nhân đằng sau các tác phẩm tranh lụa của Vụn Art.
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất