Thứ sáu, 29/03/2024 02:04 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Bao giờ mới hết nạn “cát tặc”?

Lâm Phong - Trần Duy -  Thứ ba, 06/11/2018 09:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để “bịt” người dân làm đơn kiện, Công ty cổ phần xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội đã “đi đêm”, hỗ trợ người dân xã Đôn Nhân hàng trăm triệu đồng.

“Cát tặc” đền bù để “bịt miệng” dân

Thời gian qua, người dân xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng để phản ánh tình trạng khai thác cát làm sạt lở nghiêm trọng tại địa bàn xã.

"Cát tặc" tàn phá sông Lô, đất nông nghiệp ven sông của người dân có nguy cơ "xóa sổ"

Nhiều người dân cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép của Công ty cổ phần xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội (Công ty Phúc Lợi Hà Nội) ngày càng nghiêm trọng, hàng loạt tàu cuốc được tăng cường khiến khu vực kè của nhà nước bị sạt lở, đất nông nghiệp của người dân mất hàng nghìn m2.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2017 đến nay, xã Đôn Nhân có tới hơn 5.000m2 đất nông nghiệp của các hộ dân bị sạt lở.

Những vách đất lở xuống sông dựng đứng, cao gần 10 mét và vẫn đang có dấu hiệu lở rất mạnh, nguy cơ “xóa sổ” đất trồng màu ven sông ở khu vực này.

Theo thông tin từ người dân và xác nhận của trưởng thôn Thôn Thượng, bờ kè dài khoảng 100 mét, cao 10 mét được nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng từ năm 1976 hiện nay đã bị trôi xuống dòng sông.

Bị người dân khiếu kiện nhiều, tháng 2/2018 Cty CP Phúc Lợi Hà Nội đã “đi đêm” với người dân mỗi hộ 20 triệu đồng với nội dung là đền bù tiền hoa màu làm sạt lở.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tất, Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân cho biết, tôi không nắm được thông tin này. Trước đây trên địa bàn xã Đôn Nhân có 6 đơn vị khai thác, nhưng hiện chỉ còn Cty Phúc Lợi Hà Nội là đang khai thác.

"Số lượng tàu khai thác của Cty này thay đổi liên tục, có hôm vài ba cái, có hôm năm, bảy cái nên xã cũng không biết được bao nhiêu. Doanh nghiệp này đã dựa vào giấy phép để tổ chức khai thác không đảm bảo đúng thời gian khai thác đã cam kết; không thả phao định vị xác định rõ ranh giới điểm mỏ được cấp phép; không báo cáo số lượng tàu khai thác, không gắn biển Cty trên các phương tiện khai thác khoáng sản để tiện cho công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và nhân dân"… ông Tất cho biết.

Vì sao không xử lý được nạn khai thác cát trái phép?

Tại văn bản số 169/UBND-TNMT do ông Lê Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Sông Lô ký liên quan đến việc xử lý sự cố sạt lở đất nông nghiệp tại vị trí kè xã Đôn Nhân nêu rõ: “Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nội dung đề nghị, phản ánh của nhân dân xã Đôn Nhân về việc khai thác cát, sỏi gây sạt lở đất nông nghiệp của nhân dân, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê kè trên địa bàn là có cơ sở.

Cụ thể là năm 2015-2016, tại các điểm Bãi Soi của xã Đôn Nhân, đất canh tác bị sạt lở nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân”.

Nhiều tàu gắn gầu múc vẫn ngang nhiên múc cát trái phép sát bờ sông Lô.

Tại báo cáo số 58/CCĐĐ - PCLB ngày 29/2/2016 gửi Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu rõ, tại khu vực kè bối Đôn Nhân xuất hiện một cung sạt dài 62m, làm trượt đá lăng thể hộ chân kè được xây từ năm 2008.

Riêng khu bờ tả sông cũng xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông với cung sạt dài 200m, lấn sâu vào đất nông nghiệp hơn 10m, nguyên nhân được xác định có liên quan đến hoạt động khoáng sản.

Theo Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng kè sụt lún, sạt lở là do khách quan (?!).

Cụ thể, do điều tiết xả lũ trong mùa mưa bão của hệ thống hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái), làm mực nước sông Lô dao động với biên độ lớn, gây ra biến đổi dòng chảy tác động đến hệ thống đê kè.

Theo các đơn vị này từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn xã Đôn Nhân, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng 4 dự án kè chống sạt lở với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2016-2018, UBND tỉnh đầu tư xây dựng một chiếc kè mới với ngân sách gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện đã có 2 kè bị sạt lở.

Theo thông tin tìm hiểu, 10 năm qua, tổng nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn huyện Sông Lô phải nộp vào ngân sách khoảng 25 tỷ đồng. Số tiền này chỉ bằng một nửa số tiền UBND tỉnh đầu tư vào xây dựng hệ thống đê kè tại xã Đôn Nhân với chiều dài sông Lô chảy qua là 4,8 km.

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Bao giờ mới hết nạn “cát tặc”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.