Thứ ba, 23/04/2024 13:06 (GMT+7)

Vụ 103 khu đất công ở TP.HCM: Lộ sai phạm của công ty VH Phương Nam

Võ Thái -  Thứ tư, 27/06/2018 17:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lợi dụng việc được UBND TP.HCM giao quản lý nhiều mặt bằng, nhà-đất công, công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam đã tiến hành hợp tác, cho thuê nhiều địa chỉ trái với quy định.

Trong kết luận thanh tra , kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà, đất công tại TP.HCM niên độ 2016 – 2017, quận 11 có tới 6 địa điểm xảy ra sai phạm.

Điều đáng chú ý, cả 6 địa điểm xảy ra sai phạm đều thuộc quản lý của công ty Cổ phần Văn Hóa Phương Nam (gọi tắt là công ty Phương Nam, địa chỉ số 940 đường 3/2, phường 15, quận 11, TP. HCM).

Công ty CPVH Phương Nam mắc sai lầm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất công.

Theo kết luận của thanh tra TP.HCM, công ty Phương Nam đã để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng các địa chỉ nhà công không đúng mục đích.

Ngoài ra, công ty Phương Nam còn hợp tác, cho thuê nhiều địa chỉ nhà công được giao, thu lợi sai quy định.

Qua điều tra ghi nhận thực tế cho thấy, tại địa chỉ số 181/14A đường Bình Thới (phường 9, quận 11), công ty Phương Nam đã cho công ty TNHH MTV Phương Nam Phim thuê từ nhiều năm nay.

Cũng trên đoạn đường này, tại các địa chỉ số 181/18A và 181/52-54A, công ty Phương Nam đã sử dụng sai mục đích khi tiến hành hợp tác kinh doanh với hai đơn vị là công ty TNHH MTV Quảng cáo thiết kế in Phương Nam và công ty TNHH văn hóa Việt Văn.

Công ty TNHH văn hóa Việt Văn, một trong những đối tác sai phạm của công ty Phương Nam.

Ngoài ra, lợi dụng việc được UBND TP.HCM giao quản lý, công ty Phương Nam đã sử dụng khu đất tại địa chỉ số 1223 đường 3/2 (phường 6, quận 11) để tiến hành hợp tác kinh doanh với Trung tâm chế bản tạo mẫu II.

Đáng nói, sau kết luận thanh tra, hiện địa chỉ trên đã trở thành văn phòng của trường Trung cấp kỹ thuật kinh tế Sài Gòn 3.

Trung tâm chế tạo tạo bản tạo mẫu II hợp tác kinh doanh với công ty Phương Nam trên địa chỉ nhà-đất công.

Tiếp đó, công ty Phương Nam còn sử dụng địa chỉ số 349/126 đường Lê Đại Hành (phường 13, quận 11) như một “món hàng” trao đổi với gia đình nhạc sĩ Phạm Duy. Cụ thể, theo diễn giải thanh tra, công ty Phương Nam đã giao mặt bằng cho gia đình nhạc sĩ Phạm Duy làm nơi ở và làm việc.

Đổi lại, công ty Phương Nam được quyền khai thác và sử dụng các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy. Đặc biệt, tại địa chỉ số 1275 đường 3/2 (phường 6, quận 11), công ty Phương Nam đã sử dụng mặt bằng này cho công ty FPT thuê làm cửa hàng kinh doanh.

Hiện, dù kết luận thanh tra đã nêu rõ sai phạm, nhưng cửa hàng FPT vẫn kinh doanh bình thường.

Nhiều người đặt nghi vấn, liệu có hay không việc công ty FPT và các đơn vị nêu trên bắt tay hợp tác với công ty Phương Nam để trục lợi từ nhà, đất công.

Bởi trên thực tế, số tiền công ty Phương Nam thu được khi tiến hành hợp tác, cho thuê các mặt bằng, suốt nhiều năm trời là không hề nhỏ.

Liệu, số tiền đó có được chuyển vào ngân sách của thành phố, hay đã bị chiếm đoạt trái với quy định?

Cửa hàng FPT vẫn hoạt động bất chấp kết quả thanh tra.

Để làm rõ các thông tin nêu trên, PV đã liên hệ làm việc với công ty Phương Nam và công ty FPT. Tuy nhiên, đại diện công ty Phương Nam cho biết, muốn gặp lãnh đạo phải hẹn trước và yêu cầu PV để lại nội dung câu hỏi.

Về phía công ty FPT, trao đổi qua điện thoại, nhân viên truyền thông của FPT cho biết, đơn vị không có liên quan tới vụ việc đồng thời khẳng định cửa hàng FPT tại địa chỉ nêu trên vẫn sẽ tiếp tục hoạt động.

Phải chăng, các đơn vị đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm, tiếp tục hành vi sai phạm bất chấp kết luận của thanh tra!?

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Bạn đang đọc bài viết Vụ 103 khu đất công ở TP.HCM: Lộ sai phạm của công ty VH Phương Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới