Thứ bảy, 20/04/2024 03:46 (GMT+7)

Vụ chủ rừng kêu cứu: Thanh tra xong nhưng không ra...kết luận (Kỳ 3)

MTĐT -  Thứ bảy, 05/05/2018 09:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kết luận kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất, mở đường trên diện tích đất ông Trịnh Lương Hy đang sử dụng tại xã Hiệp An, của UBND huyện Đức Trọng, không khách quan.

Quá bức xúc trước lối hành xử không thấu tình, không đạt lý, chủ rừng Trịnh Lương Hy đã có đơn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị xem xét giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Dùng văn bản hết hiệu lực để trả lời

Sau khi tiếp nhận đơn của công dân, ngày 10/5/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 2473/UBND-TD do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên ký, trả lời đơn của ông Trịnh Lương Hy, có nội dung: Khoản 1 Điều 12 Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ quy định về nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất lâm nghiệp: “Quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp được giao, được thuê đúng mục đích, đúng ranh giới đã ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án (DA), ông Trịnh Lương Hy đã xây dựng một số công trình trên đất lâm nghiệp, như: Nhà bia tưởng niệm trên diện tích 48,75m2, công trình có mái che, diện tích 653,53m2, sân bê tông, diện tích 69m2, cổng, đoạn đường nối từ Nhà bia tưởng niệm đấu nối với đường gom dân sinh của đường cao tốc dài 330m, dàn trồng chanh dây, diện tích 250m2... nhưng chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc phạm vi DA thuê đất lâm nghiệp.

Do đó, việc UBND huyện Đức Trọng thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng đất thuê đối với ông Trịnh Lương Hy và xử lý các vi phạm là đúng quy định của pháp luật.

Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giải quyết vụ việc của ông Trịnh Lương Hy.

Theo luật sư Trần Thế Vinh, nội dung trả lời của UBND tỉnh Lâm Đồng không phù hợp với pháp luật và không có tính thuyết phục, không thể lấy quy định đã cũ, từ năm 2001 để giải quyết vụ việc của năm 2013!? Bởi lẽ, Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có những quy định đã được thay thế bằng Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 nhưng UBND tỉnh Lâm Dồng lại áp dụng vào trường hợp của ông Trịnh Lương Hy.

Trong đó, Điều 19 Quyết định 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có ghi rõ: Những quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này đều bị bãi bỏ. Từ đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, UBND huyện Đức Trọng thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý sử dụng đất thuê với ông Hy và xử lý các vi phạm là đúng quy định pháp luật !?

1 nội dung, Bộ TN&MT có 3 văn bản trả lời khác nhau

Không đồng ý với văn bản trả lời thiếu khách quan, không phủ hợp thực tế của UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trịnh Lương Hy đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ. Thực hiên ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/9/2013, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8151/VPCP-V.I về việc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ, kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh, kiến nghị của ông Trịnh Lương Hy.

Ngày 31/10/2013, Tổng Thanh tra Chính phủ có Quyết định số 2492/QĐ-TTCP thành lập Đoàn Thanh tra để kiểm tra làm rõ nội dung đơn của ông Trịnh Lương Hy tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Theo đơn của ông Hy, đất rừng ông thuê là rừng sản xuất, được cấp Giấy CNQSDĐ, do vậy, khi xây dựng các công trình trên đất thì thực hiện theo Khoản 3 Điều 14 Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Quy định rất rõ như vậy nhưng không hiểu sao ngày 5/12/2013, Thanh tra Chính phủ vẫn có Công văn số 2885/TTCP-CII gửi Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) về việc tham gia ý kiến liên quan đến việc quản lý sử dụng đất, có nội dung: Trong quá trình thanh tra thấy các chủ rừng đã vận dụng quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ rừng được sử dụng tối đa 30% diện tích đất đã được giao nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng tối đa là 20% để xây dựng các công trình nhưng không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau khi nhận được văn bản trên, ngày 14/1/2014, Thanh tra Bộ TNMT có văn bản số 12/TTr-P2 trả lời: Các chủ rừng sử dụng tối đa 20% diện tích đất được giao để xây dựng cơ sở hạ tầng....quy định tại Khoản 3 Điều 14 Chương III Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì các chủ rừng không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Không nhất trí với trả lời của Thanh tra Bộ TNMT, ngày 7/3/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 1018/UBND-TD đề nghị Bộ TNMT hướng dẫn cụ thể trường hợp nào cần lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp và trường hợp nào không phải lập thủ tục. Ngày 14/5/2014, Bộ TNMT có văn bản số 1791/BTNMT-TCQLĐĐ, trả lời: Căn cứ quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 36 Luật Đất đai 2003, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng sản xuất sang xây dựng công trình hạ tầng thuộc trường hợp phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trình tự, thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện quy định Điều 125 Luật Đất đai năm 2003.

Như vậy là 2 văn bản của Bộ TNMT không đồng nhất về việc có hay không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi xây dựng hạ tầng, do đó, Thanh tra Chính phủ lại có văn bản số 1027/TTCP-CII ngày 27/5/2014 đề nghị Bộ TNMT trả lời theo Khoản 3 Điều 14 Chương III Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất không ? Trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích quy định như thế nào?

Ngày 12/6/2014, Bộ TNMT ra văn bản số 2399/BTNMT-TCQLĐĐ có nội dung giống văn bản số 1791/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/5/2014!

Ông Trịnh Lương Hy cho biết, cách trả lời trên là không đúng bản chất vụ việc, lấy Luật Đất đai để áp dụng trong trường hợp này là không phù hợp, vì không thể chuyển đất thuê trồng rừng sang đất ở lâu dài được, không thể lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Đáng chú ý là tại Thông tư số 02/2008/TTLT ngày 23/6/2008 và Thông tư số 03/2012/TTLT-BKH-NN-TC của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không có điều khoản nào quy định chủ rừng được sử dụng diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy) tối đa là 20% phải chuyển mục đích sử dụng đất.

Chậm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Sau 3 lần thông qua dự thảo Kết luận kiểm tra đều không được sự đồng tình của ông Trịnh Lương Hy, nên phải gần 1 năm sau, ngày 22/9/2014, Thanh tra Chính phủ mới có Báo cáo số 2245/BC-TTCP kết quả kiểm tra, xác minh các nội dung phản ánh, kiến nghị của ông Trịnh Lương Hy tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, là chưa đảm bảo về thời hạn thanh tra theo Điều 45 Luật Thanh tra. Rất tiếc là Báo cáo của Thanh tra Chính phủ không đưa ra kết luận đúng hay sai mà chỉ kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung phản ánh, để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định. Như vậy, Thanh tra Chính phủ chưa thực hiện đầy đủ Điều 49, Điều 50 Luật Thanh tra.

Trong phần nhận xét, kiến nghị, Thanh tra Chính phủ thấy các nội dung đơn của ông Hy đang thuộc thẩm quyền xem xét, xử lý của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng. Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, xử lý các phản ánh, kiến nghị của ông Hy theo đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật!?

Rõ ràng, Báo cáo kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ rất chung chung, không kết luận cụ thể vụ việc. Đoàn có 5 thành viên, ra vào Đà Lạt nhiều lần bằng máy bay, chi phí đi lại, ăn ở tốn kém, để kiểm tra nội dung đơn nhưng không ra Kết luận thì kiểm tra để làm gì!?

Xét Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, ngày 2/12/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9687/VPCP-V.I có nội dung: Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền những nội dung phản ánh, kiến nghị của ông Trịnh Lương Hy liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất và xây dựng công trình trên đất, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 năm, ngày 10/11/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các Sở, ngành mới tổ chức buổi làm việc, ghi nhận ý kiến của ông Trịnh Lương Hy, sớm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết theo quy định. Như vậy, vụ việc còn kéo dài đến bao giờ mới được giải quyết dứt điểm!?

Bạn đang đọc bài viết Vụ chủ rừng kêu cứu: Thanh tra xong nhưng không ra...kết luận (Kỳ 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Minh Yến - Thế Bôn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...