Thứ ba, 16/04/2024 14:21 (GMT+7)

Vụ chủ rừng Lâm Đồng: Biên bản đối thoại đóng... 8 con dấu - Kỳ 6

Minh Yến - Thế Bôn -  Thứ ba, 08/05/2018 09:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đơn phản ánh, kiến nghị, kêu cứu của Trung tướng an ninh Trịnh Lương Hy- một chủ rừng ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, kéo dài từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Xung quanh vụ việc này có nhiều chuyện khó tin nhưng có thật.

Đơn xin xây dựng 2 năm không trả lời


Năm 2005, gia đình ông Trịnh Lương Hy được nhận khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng tại tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Tháng 4/2009, ông Hy xin chuyển sang hình thức thuê đất lâm nghiệp của Nhà nước để trồng rừng và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất, thời hạn sử dụng 50 năm. Theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007- 2015, tại Mục 3 Điều 14 “cho phép chủ rừng sử dụng tối đa 30% diện tích đã được giao nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy...) tối đa là 20%”. Chính phủ có chính sách nhưng chủ rừng tập trung vào trồng rừng, trồng các loại cây lâu năm, đã phủ kín 49/50 ha đất được thuê. Diện tích còn lại, chủ rừng sử dung như sau: Hồ chứa nước 1.800m2; Nhà trông coi rừng, nhà xe ô tô, nhà bảo vệ, kho bãi, chuồng trại chăn nuôi heo, bò, khoảng 800m2; Giàn chanh dây 250m2 trên đất trống; Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ, đường vận xuất, phòng chống cháy rừng làm dưới tán rừng khoảng 7.000m2.

Do nhu cầu có chỗ để nghỉ, trông coi rừng, chủ rừng có gửi đơn đến UBND xã, UBND huyện xin xây dựng căn nhà cấp 4, được huyện Đức Trọng hướng dẫn phải xin chuyển mục đích từ đất rừng sản xuất sang đất xây dựng. Chủ rừng biết hướng dẫn này không đúng với chính sách nhưng để được việc, chủ rừng vẫn làm đơn gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT), UBND huyện Đức Trọng, xin chuyển mục đích sử dụng đất và nộp đơn, hồ sơ thiết kế ngôi nhà gửi Đội Xây dựng, UBND huyện ngày 8/5/2009. Hơn 2 năm sau không nhận được kết quả trả lời, tháng 9/2011, chủ rừng khởi công xây dựng nhà ở, nhà để xe ô tô và hoàn thành vào tháng 11/2011.

Vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính!?

Sau thời điểm này, chính quyền địa phương đã có có cách hành xử mang tính áp đặt, trái quy định pháp luật, không mang tính nhân văn đối với chủ rừng, đó là:
1/ Ngày 26/12/2012, UBND huyện Đức Trọng ra Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, có đại diện Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, Đoàn tiến hành kiểm tra vào ngày 2, 3/1/2013 nhưng không lập...biên bản. Quyết định của UBND huyện mà thành phần tham gia có cả Sở Xây dựng, Sở TNMT, thì có đúng quy định pháp luật !?
Đến ngày 26/4/2013 (4 tháng sau), Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng Phạm Thanh Quan ký Kết luận kiểm tra số 45/ KL-UBND về tình hình sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất đối với ông Trịnh Lương Hy.

2/ Các công trình có trong Kết luận kiểm tra đều được nâng khống diện tích: Nhà trông coi rừng thực tế 183m2 nâng thành 240m2; Nền nhà lót gạch Mỹ Ý- Đồng Nai, loại 2 nâng thành đá granite; Nhà để xe ô tô 24m2 nâng thành 46m2; Nhà nghủ chân để thăm bia Liệt sĩ 40m2 nâng thành 55,25m2; Nhà vệ sinh 6m2 nâng thành 12m2; Bia tưởng niệm Liệt sĩ thành công trình tín ngưỡng ...

3/Chủ rừng không có đơn khiếu nại (KN) Kết luận 45/KL-UBND ngày 26/4/2013 của UBND huyện Đức Trọng nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Đức Trọng lại ban hành Quyết định giải quyết KN số 43/QĐ-UBND-ĐT. Sau đó UBND huyện Đức Trọng phải ra quyết định thu hồi Quyết định số 43/QĐ-UBND-ĐT, vì không đúng pháp luật.

4/ Do nhu cầu vận chuyển vật tư xây dựng bia tưởng niệm Liệt sĩ và vận chuyển cây trồng, chủ rừng xin phép và được UBND xã Hiệp An, Công ty 7/5 thi công đường cao tốc chấp thuận, mở tạm 8m lưới B40, thời gian 1 tháng (mở ngày 23/11/2012, rào trả lại nguyên trạng ngày 24/12/2012). Không hiểu sao, 8 tháng sau, ngày 27/8/2013, Đoàn công tác của huyện Đức Trọng do bà Lê Thị Hà- Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An chủ trì, tiến hành lập biên bản vi phạm phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ và lĩnh vực đất đai. Vì Đoàn không có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, không có người chứng kiến nên chủ rừng không ký tên trong biên bản.

5/ Ngày 4/5/2013, UBND huyện Đức Trọng có văn bản số 1034/UBND giao UBND xã Hiệp An chủ trì, phối hợp với các Phòng Kinh tế Hạ tầng, TNMT, Tư pháp, Thanh tra Huyện....tổ chức kiểm tra để lập hồ sơ xử lý vi phạm trong việc sử dụng đất, xây dựng công trình, mở đường trên phần đất ông Trịnh Lương Hy đang quản lý, sử dụng là không đúng Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính. Tại điều này quy định khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản.

6/ Ngày 5/9/2013, UBND huyện ban hành Quyết định 440/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt 25.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá bỏ công trình xây dựng, khôi phục lại tình trạng ban đầu, trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định, là trái với Điều 3, Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.

7/ Từ tháng 12/2012 đến tháng 9/2013, chủ rừng 9 lần gửi đơn đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị xem xét, giải quyết những việc làm sai trái của UBND huyện Đức Trọng nhưng không được giải quyết thỏa đáng, buộc lòng chủ rừng phải gửi đơn kêu cứu đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra làm rõ vụ việc.

8 /Phải gần 1 năm, Thanh tra Chính phủ làm việc không biết có khuất tất gì mà Thanh tra Chính phủ không ra kết luận thanh tra theo luật định. Ngày 20/9/2014, Thanh tra Chính phủ đối phó bằng cách lách luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra các nội dung phản ánh, kiến nghị của chủ rừng, đồng thời kiến nghị giao Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

9/ Gần 1 năm sau, UBND tỉnh Lâm Đồng mới khởi động thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6/10/2015, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng mời chủ rừng gặp gỡ, làm việc, giải thích về căn cứ pháp lý liên quan đến phản ánh, kiến nghị. Chủ rừng không đồng ý với giải thích trái khoáy, không có cơ sở pháp lý.
10 /Ngày 10/11/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện các Sở, ngành tổ chức buổi làm việc, đối thoại với chủ rừng, do Phó Chủ tịch Trần Ngọc Liêm chủ trì. Ghi nhận ý kiến của chủ rừng và giao các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định. Biên bản có chữ ký của những người tham dự và được đóng dấu giáp lai.

11/ Ngày 12/1/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 172/UBND-TD trả lời Đơn kiến nghị, phản ánh của chủ rừng, UBND tỉnh làm theo quy trình ngược, không đúng bản chất vụ việc, không đúng quy định pháp luật, mang tính áp đặt. Việc đối thoại chỉ mang tính hình thức, làm cho có và chẳng để làm gì. UBND tỉnh không xem xét, kết luận vụ việc đã phát hành văn bản đi các nơi, dẫn đến hiểu sai, hiểu không đầy đủ vụ việc, ảnh hưởng uy tín, danh dự của chủ rừng.

12/ Thanh tra Bộ TNMT có văn bản số 12/TTr-P2 ngày 14/1/2014 và Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản số 99/TCLN-QLSXLN ngày 25/1/2016 khẳng định chủ rừng không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất được quy định tại Khoản 3 Điều 14 Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng lại căn cứ công văn trả lời số 8377/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 18/6/2014 của Bộ TNMT quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 36 Luật Đất đai, là lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.

13/ UBND tỉnh Lâm Đồng có liên quan đến vụ việc bị thanh tra nhưng lại có Công văn số 1018/UBND-TD trong thời điểm Thanh tra Chính phủ đang thanh tra, là vi phạm Mục 7 Điều 13 Luật Thanh tra, can thiệp trái pháp luật và hoạt động thanh tra.

14/ Ngày 4/3/2016, tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức đối thoại với chủ rừng, do Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt chủ trì, tham dự có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Tiến, đại diện các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng Võ Văn Phương. Biên bản đối thoại có chữ ký của những người tham dự và được đóng...7 con dấu, nếu tính cả dấu giáp lai thì biên bản có tới 8 con dấu. Phải chăng đây là kỷ lục trong 1 biên bản đối thoại với công dân.

Thành lập Tổ công tác kiểm đếm lại


Cuộc đối thoại do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì đến nay đã hơn 4 tháng nhưng đến phải đến ngày 18/7/2016, Tổ công tác liên ngành của huyện Đức Trọng, gồm 15 người, do ông Nguyễn Mậu Thế- Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, làm Tổ trưởng, mới tiến hành rà soát, kiểm đếm lại diện tích thực tế các hạng mục công trình xây dựng, chất liệu xây dựng của ông Trịnh Lương Hy, đang sử dụng tại tiểu khu 268, xã Hiệp An. Việc kiểm đếm, đo đạc đã xong từ lâu nhưng có lẽ các số liệu đó chỉ được để trong ngăn kéo, chứ không làm căn cứ để giải quyết vụ việc. Ai đúng, ai sai trong vụ việc này sẽ được làm rõ, để không có thêm những kỷ lục mới nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết, ai phải chịu trách nhiệm vẫn chưa có câu trả lời, còn chủ rừng thì lãnh đủ!?

--

--

Biên bản đối thoại ngày 4/3/2016 có 8 con dấu

Bạn đang đọc bài viết Vụ chủ rừng Lâm Đồng: Biên bản đối thoại đóng... 8 con dấu - Kỳ 6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới