Thứ năm, 28/03/2024 19:32 (GMT+7)

Vụ nước sạch nhiễm dầu: Cần làm rõ trách nhiệm đơn vị cung cấp nước

MTĐT -  Thứ ba, 22/10/2019 15:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quy trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch cho người dân. Dù cho có bị tác động bên ngoài, hoặc có thể do phá hoại đi chăng nữa, thì với trách nhiệm của người quản l

Những ngày qua, cuộc sống sinh hoạt của hàng nghìn người dân ở Hà Nội đã bị đảo lộn bởi sự cố “nước sạch nhiễm dầu thải”.

Dù sự cố một phần đã được khắc phục, người dân Hà Nội đã có nước sinh hoạt trở lại. Thế nhưng, một lần nữa câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước lại khiến người dân bức xúc.

Đáng nói, theo UBND TP Hà Nội, việc nước sạch từ Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn đã được công ty này biết rõ từ ngày 8/10, nhưng nhà máy nước vẫn xử lý và đưa về bể cho hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội sử dụng.

Nước nguồn sông Đà bị nhiễm bẩn. Ảnh: Zing. 

Trong một cuộc trả lời báo chí, Tổng giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà Nguyễn Văn Tốn còn cho rằng, trước đây nhiều lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ khiến người dân Hà Nội thiếu nước nghiêm trọng. Vì vậy, việc ông không đưa ra quyết định ngưng cấp nước là "có trách nhiệm với người dân".

Khi mọi việc vỡ lở, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình mới yêu cầu công ty này xử lý triệt để ô nhiễm để bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp cho nhà máy; khoanh vùng ngay khu vực ô nhiễm, thu gom dầu thải, bùn đất, cây cỏ nhiễm dầu; khẩn trương đem toàn bộ chất thải nhiễm dầu đang để trong khuôn viên nhà máy chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Bởi việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Tại buổi họp báo do tỉnh Hòa Bình tổ chức chiều 17/10, khi báo chí đặt câu hỏi: Liệu Công ty có nợ người dân lời xin lỗi không thì, ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà khẳng định: "Xin lỗi hay không phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng".

Trước câu hỏi về việc có tính đến đền bù cho người dân thiệt hại không?, đại diện công ty còn cho biết, "công ty là đơn vị thiệt hại nhất".

Dù đến nay vẫn chưa có thống kê nhưng có thể người dân đã xác định được những thiệt hại cụ thể của từng gia đình về việc nước nhiễm bẩn. Tuy nhiên, những câu nói và cách xử lý khủng hoảng Công ty nước sạch sông Đà thể hiện sự thiếu trách nhiệm với người dân.

Theo báo Lao động, chiều 21/10, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu chia sẻ bức xúc và đề nghị cần quy rõ trách nhiệm những người liên quan đến sự cố “nước sạch ở Hà Nội nhiễm dầu thải”.

Đại biểu Y Khút Niê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Đắk Lắk cho rằng, những ngày qua phản ứng của cơ quan chức năng còn chậm, cũng như chưa quy rõ trách nhiệm của những người liên quan.

“Cần phải quy trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch cho người dân. Dù cho có bị tác động bên ngoài, hoặc có thể do phá hoại đi chăng nữa, thì với trách nhiệm của người quản lý, như vậy là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nếu anh phát hiện sớm, ngăn chặn sớm thì chắc chắn không thể để xảy ra việc hàng triệu người thủ đô dùng nước không an toàn”- đại biểu Quốc hội Y Khút Niê nhấn mạnh.

Sáng nay 22/10, bên lề kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ông Trần Đăng Ninh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, “đã cung cấp nước sạch thì phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm là người cung cấp nước cho người dân. Bây giờ công ty nói thực chất một số số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh nước đó có mùi khét thì mình phải chịu trách nhiệm”.

Nói về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân sau sự cố, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là quan hệ thương mại mang tính dân sự, giữa đơn vị cấp nước và người dân đô thị. Về nguyên tắc, bên bán nếu gây thiệt hại cho bên mua thì phải bồi thường, dù có ghi hoặc không ghi điều khoản trong hợp đồng. “Nếu chứng minh được việc nước bị nhiễm bẩn gây thiệt hại cho người dân thì phải đền bù. Điều này rất bình thường trong pháp luật dân sự”, ông Võ nói. Theo ông Võ, người dân, các tổ chức có liên quan, các cơ quan nhà nước có thể phối hợp, hỗ trợ, chứng minh thiệt hại trước mắt và lâu dài do nước nhiễm bẩn gây ra, ví dụ như gây suy hao về sức khỏe để bên cấp nước bồi thường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vụ nước sạch nhiễm dầu: Cần làm rõ trách nhiệm đơn vị cung cấp nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.