Thứ năm, 28/03/2024 23:13 (GMT+7)

Vụ VEC từ chối phục vụ: Chủ phương tiện có thể khởi kiện

Thùy Dung -  Chủ nhật, 17/02/2019 10:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc cấm 2 phương tiện của VEC là không đảm bảo quy định về quyền tự do đi lại của công dân và đang vượt quá chức năng, nhiệm vụ của một doanh nghiệp.

Ngày 10/2, VEC phát đi thông tin từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên tất cả các tuyến đường do đơn vị này quản lý. Cụ thể, sự việc diễn ra khi xe mang biển kiểm soát 51A-55850 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành-Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí nhưng người điều khiển phương tiện đã không trả thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí.

Sau đó, các xe có biển số 51C-78196, 51G-77256 cũng thực hiện hành vi tương tự tại làn thu phí số 10, số 8. Nhằm tránh tình trạng kẹt xe nghiêm trọng nên nhân viên trạm thu phí đã mời các tài xế vào văn phòng của trạm để giải thích cụ thể, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Hãng Luật TGS LawFirm.

Trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Hãng Luật TGS LawFirm cho biết: “Việc cấm 2 phương tiện trên là tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013. Đồng thời tại Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong những trường hợp cần thiết. Như vậy, chỉ có các văn bản luật hoặc các văn bản dưới luật mới có quyền quy định việc cấm đoán hoặc hạn chế việc lưu thông trên đường. Do đó không có bất kỳ chủ thể nào ngoài các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có quyền quy định về việc hạn chế lưu thông như trên, kể cả bản thân các pháp nhân doanh nghiệp là nhà đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ”.

Được biết, dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP), mà cụ thể là hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), trong hợp đồng này, nhà đầu tư chỉ có các quyền khai thác, kinh doanh công trình trong thời hạn và theo các phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án.

Theo quy định tại Điều 53 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm đối xử bình đẳng với tất cả các đối tượng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp dự án cung cấp, không được sử dụng quyền kinh doanh công trình để khước từ cung cấp dịch vụ cho các đối tượng sử dụng.

Hiện nay các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, chưa điều chỉnh hết các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, khai thác bình thường của các dự án giao thông đường bộ nên các nhà đầu tư đã tự ban hành các văn bản riêng nhằm góp phần đảm bảo các phương tiện lưu thông trên cao tốc được an toàn hơn.

Trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây.

Ngoài ra, luật sư Tuấn nhấn mạnh: “Quyết định từ chối phục vụ nêu trên chỉ là quyết định cá biệt của pháp nhân doanh nghiệp, không phải là quyết định của cơ quan nhà nước nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về khiếu nại và tố tụng hành chính. Dịch vụ được VEC/VEC E quản lý, khai thác tại công trình dự án là một loại dịch vụ mang tính công cộng trong hoạt động kinh doanh, do vậy đây chỉ là một dạng tranh chấp trong quan hệ dân sự - thương mại nên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân hoặc trọng tài thương mại. Bởi vậy, các chủ xe có thể khởi kiện vụ án dân sự đến tòa án có thẩm quyền hoặc trọng tài thương mại (nếu các bên có thỏa thuận trọng tài) để yêu cầu nhà đầu tư hủy bỏ các quyết định này”.

Ô tô chỉ là phương tiện di chuyển, còn chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng ô tô là cá nhân hoặc pháp nhân. Bởi ô tô chỉ là vật, không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự nên bản thân ô tô không thể là đối tượng bị hạn chế hoặc cấm đoán, việc cấm đoán chỉ có thể xảy ra đối với chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng ô tô trong việc đưa ô tô vào quá trình lưu thông nếu không đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật.

Giả sử hai ôtô này được cho thuê, cho mượn hoặc chuyển nhượng lại cho người khác thì khi đó người thuê, người mượn, người nhận chuyển nhượng không thể bị hạn chế quyền lưu thông trên các phương tiện này nếu họ có đủ điều kiện để điều khiển, sử dụng ô tô theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, nước ta chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với hành vi ban hành văn bản trái thẩm quyền ngoài biện pháp ra quyết định thu hồi hoặc ra quyết định khác thay thế. Trong trường hợp quyết định của VEC gây thiệt hại tới chủ sở hữu phương tiện bị cấm, nhà nước nên có chế tài cụ thể xử lý VEC nói riêng và các cơ quan tổ chức khác nói chung khi ra những văn bản trái thẩm quyền.

Đối với chủ sở hữu phương tiện bị VEC cấm trong trường hợp này, trước khi quyết định được thu hồi thì 2 cá nhân trên sẽ không thể lưu thông tại khu vực đường cao tốc do VEC quản lý. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới thời gian và tiền bạc của họ. Vì VEC là một doanh nghiệp lớn, họ quản lý rất nhiều tuyến đường cao tốc khác nhau. Khi chủ phương tiện giao thông bị cấm lưu thông trên các tuyến đường cao tốc này, họ sẽ phải tốn thời gian đi quãng đường khác, tốn thêm khoản chi phí xăng xe, vé máy bay, vé tàu khác mà đáng lẽ họ không phải bỏ ra.

Bạn đang đọc bài viết Vụ VEC từ chối phục vụ: Chủ phương tiện có thể khởi kiện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.