Thứ bảy, 20/04/2024 19:33 (GMT+7)

Vụ xẻ đất đồi ở Thái Nguyên: Chủ tịch UBND huyện Phú Bình có vô can?

Văn Bình- Phan Ngân -  Thứ năm, 01/03/2018 05:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ cấp dưới đến cấp trên của chính quyền Phú Bình vẫn đang "phớt lờ" sự việc hay "mặc định" với hành vi có dấu hiệu khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản quốc gia?

Trước đó, Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài viết "Thái Nguyên: Đồi bị “xẻ thịt” giữa ban ngày, ai cho phép? (Kỳ 1)" phản ánh tình trạng đất đồi tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đang bị “xẻ thịt” và vận chuyển trái phép.

Công trình gần trăm tỷ vẫn sử dụng đất san lấp trái phép?

Theo đó, ngày 28/11/2017 UBND huyện Phú Bình ra văn bản “xin” UBND tỉnh Thái Nguyên bổ sung điểm khai thác đất san lấp để đáp ứng nhu cầu về san lấp phục vụ các công trình, dự án, công trình phúc lợi, đường giao thông và nhu cầu dân sinh trên địa bàn.

Và khi tỉnh chưa đồng ý, không trả lời đề nghị đó thì đất ở các quả đồi đã bị xẻ để phục vụ xây dựng, san lấp các công trình như Kho bạc, Chi cục thuế, Viễn thông, Kè chống sạt lở bờ sông. Đặc biệt là công trình Kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ khu dân cư đang thi công tại các vị trí xóm Trại 1, xóm Múc và tại vị trí xóm Soi 2 (xã Úc Kỳ).

Dự án thuộc nhóm dự án khẩn cấp trọng điểm nhóm C do Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

Dự án Kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ khu dân cư đoạn qua Cầu Mây

Tháng 8/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định số 2307/QĐ-UBND và 2612/QĐ-UBND quyết định về Chủ trương đầu tư dự án Kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ khu dân cư, với tổng mức đầu tư là 88.700.000.000 đồng, sử dụng các nguồn vốn như: nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh, nguồn ngân sách địa phương cân đối nguồn vượt thu chưa đưa vào cân đối, nguồn đầu tư phát triển và các nguồn khác.

Mặc dù đã được tỉnh Thái Nguyên đầu tư chi phí thực hiện nhưng không hiểu vì lý do gì, dự án gần trăm tỷ đồng này lại lấy đất san lấp trái phép từ các ngọn đồi trong khu vực huyện Phú Bình. Thậm chí, chuyện múc đất xảy ra như cơm bữa khiến người dân không còn lạ lẫm với hình ảnh những binh đoàn xe rầm rập chở đất từ các ngọn đồi đang bị “xẻ thịt” nham nhở ra khu vực dự án.

Liệu lãnh đạo huyện Phú Bình có nắm được việc đất đồi đang bị dự án “lấy cắp” công khai? Đi tìm câu trả lời, PV đã có buổi làm việc với nhiều vị lãnh đạo xã, huyện, thị trấn… và nhận được kết quả bất ngờ! 

Chủ tịch UBND huyện Phú Bình có “vô can”?

Những tưởng chính quyền sẽ phản ứng quyết liệt khi biết thực trạng trên, nhưng không, sau khi trao đổi với ông Hoàng Thanh Giao - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình, PV nhận được câu trả lời không thể bàng quan hơn: “Cái đấy phải hỏi chủ đầu tư chứ lại hỏi gì tôi. Lấy cắp (đất-PV) hay không là do chủ đầu tư chứ không phải tôi lấy cắp”.

Đó là một câu trả lời “vô can” tới từ vị lãnh đạo cao nhất của ủy ban nhân dân huyện Phú Bình liệu có thỏa mãn được lòng dân? Trên phương diện quản lý địa phương, thiết nghĩ trách nhiệm của UBND huyện Phú Bình là giám sát dự án trên địa bàn chứ không thể “đứng ngoài cuộc” như lời vị Chủ tịch huyện Phú Bình trả lời PV.

Không chỉ vậy, ông Giao còn cho hay: “Việc san lấp để phục vụ tại chỗ tôi nghĩ là việc rất bình thường, san lấp phục vụ các dự án, đặc biệt là làm tại chỗ thì luật pháp cũng cho phép”.

Bất ngờ trước quan điểm của ông Giao, PV đặt câu hỏi: Luật nào cho phép việc san lấp đất đồi phục vụ dự án và phục vụ tại chỗ?

Ngay lập tức ông Giao không ngần ngại trả lời: “San lấp tại chỗ theo Luật khoáng sản, ví dụ luật về đất đai thì người ta vẫn cho phép san lấp tại chỗ, việc đó là việc bình thường”.

Quả thực, không hiểu Điều, Khoản nào của Luật Khoáng sản 2010 và Luật Đất đai 2013 cho phép việc san lấp đất đồi như ông Giao đã chia sẻ.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Chính - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cương quyết: "Về phía địa phương thì chưa hề có một văn bản nào đồng ý việc khai thác đất để phục vụ dự án. Trên phương diện quản lý nhà nước, tôi không bao giờ có biểu hiện dung túng, hay làm ngơ, thậm chí rất "dị ứng" với những việc này". 

Buổi làm việc giữa PV và ông Nguyễn Bá Chính - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình

 Bằng những chỉ đạo "quyết liệt" trên của lãnh đạo huyện Phú Bình, thì chưa-biết-chừng, thời điểm huyện này được tỉnh Thái Nguyên cấp phép mỏ khai thác đất san lấp thì cũng là thời điểm những quả đồi chỉ còn trơ chân!

Đó là chưa kể, việc dự án múc "trộm" đất đồi đã trở thành điều hiển nhiên với lãnh đạo xã, thị trấn trên địa bàn. Thậm chí, ông Dương Viết Hòa – Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn còn nói: “Chính quyền thị trấn nắm được việc đang khai thác đất ở Tổ Tây, nhưng đất đó là để phục vụ công trình Kè chống sạt lở bờ sông trên Úc Kỳ”.

Vậy là từ cấp dưới đến cấp trên của chính quyền Phú Bình vẫn đang "phớt lờ" sự việc hay "mặc định" với hành vi có dấu hiệu khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản quốc gia?

Uẩn khúc phía sau câu chuyện dự án trăm tỷ vẫn đi "trộm" đất của Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên là gì? Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất tới độc giả. 

Bạn đang đọc bài viết Vụ xẻ đất đồi ở Thái Nguyên: Chủ tịch UBND huyện Phú Bình có vô can?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất