Thứ sáu, 29/03/2024 00:43 (GMT+7)

Vùng lõi di sản vịnh Hạ Long bị bê tông hóa chóng mặt

MTĐT -  Thứ năm, 23/05/2019 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đang bị hàng loạt doanh nghiệp thi nhau bê tông hóa, đổ cát lấn biển làm du lịch trái phép nhưng không hề thấy sự can thiệp nào của cơ quan chức năng.

Đại công trường “phá di sản”

Cách bờ chừng 15 phút đi xuồng cao tốc ra vịnh Hạ Long, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi tốc độ bê tông hóa đến chóng mặt trên các hòn đảo được cho là độc nhất vô nhị nằm giữa vùng lõi di sản. Hàng chục công trình đang rầm rộ thi công với đủ các loại máy móc cơ giới, từng ngày phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của vịnh Hạ Long.

Bê tông hóa vịnh Hạ Long đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Theo một số ngư dân sinh sống trên vùng vịnh, các công trình bê tông đang mọc lên như nấm giữa vịnh đều nằm trong khu vực quản lý của Ban quản lý vịnh Hạ Long. Vài năm trở lại đây, không chỉ các doanh nghiệp tự ý đổ bê tông, đổ cát chiếm đảo mà chính Ban quản lý vịnh Hạ Long cũng là chủ đầu tư một số công trình đang được gấp rút thi công giữa vùng lõi di sản này.

Trong văn bản 9416 của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi các cơ quan chức năng của tỉnh này đã nêu ra hàng loạt các công trình trái phép đã và đang xây dựng ngay giữa vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới như công trình kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ, công trình kè đầm và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh, công trình kè đầm tại hòn Vụng Ba Cửa, công trình kè đầm tại Vụng Ong, công trình kè đầm hòn Vụng Hà…

Máy móc cơ giới tác động vào di sản vịnh Hạ Long.

Tất cả những công trình này đều xây dựng trái phép và cho đến nay không có cơ quan chức năng, tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm. Đặc biệt, hàng loạt các công trình trái phép mà UBND tỉnh đã nêu ra trong văn bản 9416 chỉ là số ít các công trình trái phép đang xây dựng giữa vùng lõi di sản vịnh Hạ Long.

Theo chân một ngư dân sinh sống nhiều năm trên vịnh, chúng tôi được tiếp cận hàng loạt công trình đang bê tông hóa các hòn đảo giữa vịnh Hạ Long. Tại khu vực đền Bà Men (trước đây là một ngôi miếu nhỏ do ngư dân trên vịnh lập để thờ cúng mỗi lần ra vào cửa vịnh) đang được xây dựng rầm rộ bằng bê tông cốt thép ngay trên đảo. Công trình rộng hàng trăm mét vuông với hàng chục nhân công gấp rút thi công ngày đêm.

Đại công trường phá vịnh nhưng không có đánh giá tác động môi trường.

Cách đó không xa, hang Tiên Ông cũng đang được đổ bê tông lấn ra giữa vùng nước của vịnh để xây bến tàu, cầu cảng. Máy móc cơ giới được huy động như một đại công trường ngay giữa vùng lõi di sản. Cùng chung số phận là động Mê Cung cũng đang bị máy móc cơ giới tác động không thương tiếc. Được biết, đây là 2 công trình do Ban quản lý vịnh Hạ Long đầu tư theo chủ trương nâng cấp bến tàu nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng tham quan.

Tại Hang Cỏ (còn gọi là Thiên Đường Cảnh Sơn) toàn bộ hòn đảo đã bị doanh nghiệp cải tạo không thương tiếc. Mặt Tây Nam của đảo là một bãi cát rộng hàng trăm mét do doanh nghiệp tự ý cơi nới đổ cát làm bãi tắm cho du khách. Mặt Đông hòn đảo bị bê tông hóa từ chân núi lên cao cách mặt nước hơn 3 mét làm nơi cập tàu lên đảo. Bên trên còn có các công trình phụ trợ như đường đi lối lại đều bị bê tông hóa.

Những bãi cát nhân tạo được đổ lấn ra vịnh làm bãi tắm cho du khách.

Tại hòn Dập Dò gần Hang Thầy (khu vực Cống Đỏ) cũng chính doanh nghiệp đang khai thác du lịch tại Hang Cỏ, đã tự ý đổ hàng trăm mét bờ kè bê tông vây quanh đảo. Theo nguồn tin của Tiền Phong, dự án này chưa hề được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền nhưng doanh nghiệp vẫn thi công. Sau khi xây xong kè, công trình này cũng chỉ bị lập biên bản qua loa.

Trách nhiệm của ai?

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, họ chỉ nắm được một số công trình xây dựng không phép như văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh. Còn các công trình khác, họ chỉ ghi nhận và lập biên bản ban đầu còn việc công trình có xây dựng tiếp hay không Ban này không quan tâm.

Bờ kè bê tông kiên cố ngay giữa vùng lõi vịnh Hạ Long.

Khi PV hỏi vì sao các công trình xây dựng trái phép đơn cử như khu vực đền Bà Men mà Ban Quản lý vẫn không có biện pháp xử lý, ông Nguyễn Bá Căn - Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn 2, Ban Quản lý vịnh Hạ Long, thản nhiên nói: “Chúng tôi có lập biên bản rồi, họ mà vẫn xây dựng tiếp thì đấy là trách nhiệm của người ta!”.

Ngay cả 2 công trình do Ban Quản lý vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư là động Mê Cung và hang Tiên Ông mặc dù đã rầm rộ xây dựng, đổ hàng nghìn khối bê tông xuống vịnh nhưng khi phóng viên hỏi về văn bản đánh giá tác động môi trường của 2 công trình này, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban Quản lý vịnh Hạ Long mới giật mình quay sang hỏi thuộc cấp: "Đã có chưa, sao lâu thế?"

Vịnh Hạ Long đang bị "băm nát" với hàng loạt công trình trái phép.

Ông Bùi Sỹ Giáp, Trưởng phòng Kỹ thuật tu bổ, tôn tạo thuộc Ban Quản lý vịnh Hạ Long lý giải việc chưa có đánh giá tác động môi trường là do Ban đã làm hồ sơ gửi lên tỉnh nhưng phía Sở Tài nguyên Môi trường vẫn chưa trả lời. Khi phóng viên hỏi vì sao chưa có đánh giá tác động môi trường mà Ban vẫn quyết định xây dựng rầm rộ như thế nhưng không ai trả lời.

Việc hàng chục công trình trái phép đang được rầm rộ xây dựng trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cấp các ngành về việc bảo tồn, phát huy lợi thế của di sản vịnh Hạ Long. Bảo vệ thiên nhiên là tối thượng, nhất là vùng lõi của di sản, dù một cành cây ngọn cỏ cũng phải bảo vệ nghiêm ngặt chứ không phải tự ý đổ hàng nghìn khối bê tông xuống vịnh như cách làm của Quảng Ninh hiện nay.

TheoTiềnphong

Bạn đang đọc bài viết Vùng lõi di sản vịnh Hạ Long bị bê tông hóa chóng mặt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.