VUREIA thu gom 1 tỷ chai nhựa, 1 tỷ vỏ hộp sữa trong vòng 5 năm tới
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (VUREIA); Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco).
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, mỗi ngày Hà Nội thải ra khoảng 5.000 - 6.000 tấn rác, trong đó rác thải nylon chiếm 7 - 8%. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí có thể dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”. Bởi vậy, ngoài hành động quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc giảm bớt rác thải nhựa.
"Trong khoảng 6.000 tấn rác thải mỗi ngày của Thủ đô, có tới khoảng 1.000 tấn (gần 18%) là rác thải nhựa. Những năm 2000, tỷ lệ rác thải nhựa là khoảng 12% nhưng hiện nay đang tăng rất nhanh. Ở Hà Nội, việc phân loại rác thải tại nguồn chỉ mang tính phong trào nên việc xử lý sau này gặp nhiều khó khăn. Tại bãi rác Nam Sơn ,Sóc Sơn mỗi ngày có khoảng 600 người nhặt rác thải nhựa và bán lại cho các làng nghề tái chế. Đây là nguyên nhân gây ra ô nhiễm thứ cấp khi công nghệ tái chế ở các làng nghề chủ yếu là thủ công. Do đó, thành phố cần phối hợp với các tổ chức có kinh nghiệm để nâng cấp công nghệ xử lý rác thải nhựa." ông Tiến chia sẻ.
Hiện thành phố Hà Nội phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực hành động để chống rác thải nhựa. Hà Nội đã tích cực tham gia đối thoại, chia sẻ thông tin, xây dựng mạng lưới hợp tác, cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm rác thải nhựa. Nhiều hội thảo huy động sáng kiến quốc tế và địa phương nhằm kêu gọi các bên liên quan đồng hành cùng thành phố trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Gần đây nhất là đối thoại giữa TP Hà Nội và TP Tokyo (Nhật Bản) nhằm chia sẻ các sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Hà Nội hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 232 về việc phòng, chống rác thải nhựa và túi nylon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, tất cả các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi nylon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11. Cùng với đó, tăng cường thu gom, giảm bớt phát thải chất thải nhựa trên địa bàn, đến ngày 31-12-2020 hạn chế đến mức thấp nhất các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kết hợp nhiều việc làm cụ thể nhằm giảm rác thải nhựa, như thí điểm thu gom vỏ hộp sữa giấy tại 637 trường học, yêu cầu các cơ quan, công sở không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, vận động, hỗ trợ các chuỗi nhà hàng thay thế cốc, thìa, ống hút nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường…
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM cho biết , số liệu báo cáo của các tổ chức môi trường quốc tế thì Việt Nam là một trong những quốc gia thải chất thải nhựa ra môi trường khá lớn. Hiện TP.HCM mỗi ngày thải ra khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, chất thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 1.800 tấn gồm các loại nhựa, nilon…. Và trong 1.800 tấn chất thải nhựa này chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, lạc hậu do đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, khối lượng chất thải nhựa còn lại được chôn lấp cùng các loại chất thải khác…
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có Danh hài Thúy Nga; Hoa hậu Hà Kiều Anh; Diễn viên điện ảnh Lý Hùng, Diễn viên điện ảnh Thùy Trang; MC Quỳnh Hoa; MC Vũ Mạnh Cường và Đại sứ Áo dài Việt Nam Vũ Trần Bảo Nguyên đã trở thành Đại sứ cho chương trình " Nói không với rác thải nhựa" do TC Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động |
Đề cập đến vấn đề nóng trên, phát biểu tại "Lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa" ngày 6/9/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa, trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
"Vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại về rác thải nhựa, từ nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân đến thói quen phổ biến trong sinh hoạt, sử dụng túi nylon. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân hiện tại, các thế hệ tương lai được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững theo phương châm, "nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan rà soát chính sách nhằm hạn chế rác thải nhựa; đưa các nhà máy tái chế nhựa nhỏ lẻ vào khu công nghiệp; hạn chế tiến tới chấm dứt nhập khẩu, sản xuất các loại túi nylon khó phân hủy; đồng thời yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học nghiên cứu công nghệ mới, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Tại lễ ký kết thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) vào ngày 21/6/2019. ông Phan Xuân Dũng , Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội cho rằng, một số nền kinh tế đang phát triển nhanh tại châu Á, trong đó có Việt Nam, được xác định là tác nhân chính xả rác thải nhựa gây ô nhiễm cho đại dương. Trong đó, riêng Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam, tăng 16-18% mỗi năm.
Không chỉ rác thải nhựa, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với vấn đề quản lý và tái chế rác thải nói chung, đặc biệt là rác thải bao bì đã làm gia tăng gánh nặng về môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng ngày càng lớn. Các loại bao bì sử dụng một lần được tìm thấy phổ biến nhất ở Việt Nam gồm chai, nắp chai nhựa, bao bì giấy, túi nilông, vỏ hộp sữa, vỏ hộp các loại đồ uống...
"Chỉ tính riêng các vỏ hộp sữa, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường đến 10-15 tỉ vỏ hộp. "Số lượng rác thải bao bì gia tăng nhanh chóng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của con người, đe dọa sự phát triển bền vững quốc gia" - ông Dũng khuyến cáo.
Theo TS Vũ Tiến Lộc , Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Việt Nam vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân khi trở thành 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương lớn nhất thế giới.
Từ những số liệu thống kê về chất thải nhựa kinh hoàng nêu trên, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam khẳng định, VUREIA cam kết đủ sức để đảm nhiệm việc thu gom 1 tỷ chai nhựa, 1 tỷ vỏ hộp sữa trong vòng 5 năm tới. Bởi VUREIA chúng tôi hiện có hơn 250 đơn vị thành viên rất tiềm lực hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trên toàn quốc.
“Việc VUREIA cam kết như vậy cũng là hành động thiết thực theo tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.” Ông Tiến cho biết thêm.