Thứ sáu, 29/03/2024 03:28 (GMT+7)

WHO: Cứ 10 người thì có 9 người đang hít thở không khí bị ô nhiễm

MTĐT -  Thứ tư, 10/07/2019 14:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người thì có 9 người trên hành tinh đang hít thở bầu không khí bị ô nhiễm. Điều này dẫn tới cuộc khủng hoảng sức khỏe trên toàn cầu.

Theo VOV, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, không ai có thể an toàn trước ô nhiễm không khí. Cứ 10 người thì có 9 người trên hành tinh đang hít thở bầu không khí bị ô nhiễm. Điều này dẫn tới cuộc khủng hoảng sức khỏe trên toàn cầu, vốn đã khiến 7 triệu người chết mỗi năm.

Mới đây, một nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san Journal of Public Health cho thấy những người tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, hội chứng chuyển hóa và bệnh tim.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học y tế Lithuanian (Lithuania) phát hiện mức độ ô nhiễm không khí có liên quan đến nguy cơ giảm cholesterol tốt HDL, tăng mỡ máu và tăng tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp.

Những người tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, hội chứng chuyển hóa và bệnh tim. Ảnh minh họa: Internet.

Theo các chuyên gia, tăng huyết áp và mắc hội chứng chuyển hóa là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch.

Nghiên cứu cũng cho thấy tác động tích cực của môi trường sống thiên nhiên đối với sức khỏe tim mạch.

Đây không phải là lần đầu tiên các nghiên cứu về tác hại của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người.  Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết, ô nhiễm không khí gây ra cái chết cho 800 người mỗi giờ, hay 13 người mỗi phút, gấp 3 lần số người chết vì sốt rét, lao và AIDS cộng lại mỗi năm.

Ô nhiễm không khí chịu trách nhiệm về 26% số ca tử vong do các bệnh về tim mạch, 24% số ca tử vong do đột quỵ, 43% các bệnh do nghẽn mạch phổi mạn tính và 29% số ca tử vong do ung thư phổi. Ở trẻ em, ô nhiễm không khí có liên quan tới nhẹ cân ở trẻ sơ sinh, hen suyễn, ung thư ở trẻ em, phổi phát triển kém, béo phì và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Trong đó, khoảng 25% ô nhiễm không khí ở đô thị là do giao thông gây ra, 20% là do các chất đốt trong nhà và 15% là do các hoạt động công nghiệp trong đó có cả sản xuất điện.

Theo các tổ chức quốc tế, mặc cho nhận thức về môi trường sống và ô nhiễm không khí ngày càng được cải thiện tại các đô thị lớn, tình hình vẫn ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân là do dân số những khu vực đô thị tăng quá nhanh, khiến các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí chỉ như "muối bỏ bể."

Dữ liệu mới nhất được khảo sát từ 2.000 thành phố lớn cho thấy, tại các vùng tập trung đông dân cư, mức độ ô nhiễm tăng cao với sự xuất hiện những làn khói bụi độc hại cấu thành từ khói thải của các loại phương tiện giao thông, bụi bẩn từ các công trường, khói độc từ các nhà máy điện và việc đốt củi, than ở các hộ gia đình.

2/3 thế giới đang phải hứng chịu nạn ô nhiễm khủng khiếp với chỉ số hạt bụi PM2.5 cao trên mức 35 µg/m3 khí, chủ yếu tại châu Á, Trung Đông và châu Phi.

Làn khói độc hại đang bao phủ nhiều thành phố lớn trên thế giới, thậm chí còn có thể quan sát được từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Không chỉ gây ảnh hưởng đến con người, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân gây ra cái chết ở nhiều loài sinh vật, là tác nhân quan trọng gây ra nhiều hiện tượng môi trường nghiêm trọng khác như mưa acid, hiệu ứng nhà kính, suy giảm tầng ozone và biến đổi nhiệt độ.

Ngoài ra, theo tính toán của nhiều báo cáo toàn cầu, ô nhiễm không khí gián tiếp gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD cho thế giới khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động cũng như ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp toàn cầu.

Khói mù bao trùm khu dân cư ở Noida, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ hồi tháng 11/2018.

Ngoài ra, theo tính toán của nhiều báo cáo toàn cầu, ô nhiễm không khí gián tiếp gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD cho thế giới khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động cũng như ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp toàn cầu.

Không chỉ tồn tại ở ngoài trời, nhân loại còn phải đối mặt với ô nhiễm không khí trong nhà, nguyên nhân tử vong của khoảng 3,8 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, tương đương 7,7% cái chết trên toàn cầu.

Các nguồn gây ô nhiễm này bao gồm khói thuốc lá, khói than, củi, các hóa chất có trong sơn hoặc các sản phẩm làm sạch, khí máy lạnh và một số chất có trong vật liệu xây dựng.

Theo một báo cáo năm 2018 của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ, ước tính tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao gấp 8 lần ô nhiễm không khí ngoài trời.

Nguồn ô nhiễm chính trong nhà là bụi. Khảo sát tại Mỹ cho thấy cứ 6 phòng trong ngôi nhà (với tổng diện tích khoảng 450m2) sẽ “thu” được tới 18kg bụi/năm.

Và những hạt bụi li ti này sẽ được tích lũy trong vải bọc ghế, màn, gối, khăn và các đồ nội thất trong nhà… tạo thành một môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật phát triển, gây bệnh.

Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn thế giới. Quyền được hưởng một môi trường trong lành là quyền con người được ít nhất 155 quốc gia thống nhất thông qua các văn kiện, hiệp ước toàn cầu.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết WHO: Cứ 10 người thì có 9 người đang hít thở không khí bị ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.