Xã Tiên Dược (Sóc Sơn, HN): Cơ sở đun nấu tạo hạt nhựa gây ô nhiễm
Gần 10 năm nay, người dân xóm Trại, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội đang “chết dần, chết mòn” bởi khói bụi mù mịt, nước thải ô nhiễm từ các lò đun nấu tạo hạt nhựa nằm trong khu dân cư.
Khói bụi mù mịt, mùi khét lẹt từ các lò đun nấu tạo hạt nhựa, nước thải ô nhiễm từ các máy giặt bao tải ngang nhiên xả thẳng ra môi trường khiến người dân khu xóm Trại, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn phải sống trong mịt mù ô nhiễm.
Lò đun nấu tạo hạt nhựa của gia đình ông Lê Văn Thành tại xóm Trại, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược nằm trong khu dân cư, ngày đêm hoạt động đốt nhựa xả khói thải mùi khét lẹt ra môi trường xung quanh. |
Cực chẳng đã, khu dân cư nơi đây đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng UBND xã Tiên Dược, UBND huyện Sóc Sơn, Sở TNMT Hà Nội, Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội và UBND TP Hà Nội từ năm 2016 đến nay, thế nhưng tất cả chỉ như “muối bỏ biển”, không có tiến triển gì. Các cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động, mở rộng quy mô và vô tư xả nước thải, khói thải thẳng ra môi trường sống xung quanh.
Người dân xóm Trại, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược đã viết đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng từ năm 2016 đến nay, nhưng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường này vẫn ngang nhiên hoạt động xả thải. |
Ông Dương Văn Nhất - xóm trưởng của xóm Trại, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, Sóc Sơn cho biết: “Trước đây, người dân trong xóm cũng có rất nhiều người làm nghề này, tuy nhiên họ xây dựng các lò đốt trên đất nông nghiệp nên ngày 20/12/2016 đã bị cưỡng chế di dời. Sau đó, các cơ sở này đã chuyển lò đun nấu hạt nhựa vào đất ở nằm trong khu dân cư xóm Trại, thôn Dược Hạ. Qua quá trình sản xuất, xả thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến làng xóm xung quanh nên có một số hộ gia đình đã chuyển đi thuê các khu đất xa khu dân cư để tái sản xuất. Hiện tại ở xóm Trại chỉ còn duy nhất một cơ sở đun nấu hạt nhựa là gia đình ông Lê Văn Hưng và con trai là Lê Văn Thành, với 7 cơ sở giặt bao tải”.
Gia đình ông Lê Văn Hưng và con trai là Lê Văn Thành là cơ sở duy nhất đun nấu tạo hạt nhựa xả khí thải gây bức xúc cho người dân khu xóm Trại, thôn Dược Hạ. |
Qua ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, con đường dẫn vào xóm Trại, thôn Dược Hạ lúc nào cũng nhơ nhớp, nước thải từ các cơ sở đun nấu hạt nhựa và giặt bao tải ngang nhiên xả thẳng ra cống rảnh, mương nước của xóm. Mặc dù chỉ có duy nhất một hộ đun nấu hạt nhựa, ống khói lúc nào cũng đen xì và mùi khét lẹt từ việc đốt nhựa bao quanh khắp cả xóm.
Các cơ sở giặt bao tải và đun nấu hạt nhựa xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra cống rãnh của khu dân cư. |
Bà Bùi Thị Loan- xóm Trại, thôn Dược Hạ bức xúc: “Gia đình tôi ở bên cạnh hộ gia đình nhà ông Thành, hàng ngày 24/24 giờ lò đun nấu tạo hạt nhựa và cái máy cắt hạt nhựa nó hoạt động. Mùi khét lẹt từ khói thải khi họ nấu hạt nhựa khiến tôi khó thở, tức ngực vô cùng, rồi tiếng ồn từ máy móc cứ chạy suốt ngày đêm, nhà có trẻ con thì suốt ngày đi viện vì viêm phổi. Chúng tôi đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng suốt từ năm 2017 đến bây giờ cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, mà càng ngày họ càng thách thức, mở rộng thêm quy mô sản xuất”.
Người dân xóm Trại, thôn Dược Hạ đã gửi đơn nhiều năm nay nhưng cơ sở đun nấu hạt nhựa của gia đình ông Lê Văn Thành vẫn mở rộng quy mô hoạt động. |
Người dân khu xóm Trại, thôn Dược Hạ cũng cho biết thêm, cứ mỗi lần cơ quan chức năng về kiểm tra là gia đình ông Lê Văn Thành được thông báo trước, nên họ dọn dẹp sạch sẽ đường làng, cống rãnh và dừng hoạt động đun nấu tạo hạt nhựa?!
Ống nước thải và cặn bã được vớt lên tràn ra đường đi của người dân gây ô nhiễm môi trường. |
Để có thông tin đa chiều, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với ông Dương Văn Năng – Chủ tịch UBND xã Tiên Dược.
Ông Năng cho biết: “Tháng 12/2016 UBND xã Tiên Dược cùng với UBND huyện Sóc Sơn đã tiến hành cưỡng chế di dời 27 cơ sở giặt tải và đun nấu tạo hạt nhựa xây dựng trên đất nông nghiệp. Sau đó các cơ sở này đã di dời các xưởng này vào trong đất thổ cư. Hiện tại bây giờ toàn xã có 5 cơ sở sản xuất tái chế nhựa và gioăng kính nằm trong khu dân cư, các cơ sở này sản xuất xả thải gây ô nhiễm môi trường, người dân phản ánh là đúng.
Tuy nhiên do các cơ sở này đều sản xuất trong đất thổ cư nên xã không có thẩm quyền xử lý. UBND xã cũng đã báo cáo lên UBND huyện Sóc Sơn và các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần về kiểm tra, lấy mẫu quan trắc môi trường. Thẩm quyền của UBND xã Tiên Dược chỉ được phép xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở này khi không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận”.
UBND xã Tiên Dược "bất lực" khi chỉ có thể ra văn bản xử phạt vì cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường với 2,5 triệu đồng. |
Mới đây nhất, ngày 23/8/2019 UBND huyện Sóc Sơn cũng đã về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở này. Theo kết quả kiểm tra thì UBND xã Tiên Dược đã ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 3 cơ sở trên địa bàn thôn Dược Hạ với số tiền xử phạt mỗi cơ sở là 2,5 triệu đồng, trong đó có cơ sở của ông Lê Văn Thành ở xóm Trại mà người dân phản ánh.
Ông Dương Văn Năng – Chủ tịch UBND xã Tiên Dược cũng cho biết thêm, đây là kiểu nghề tự phát, vì lợi nhuận từ nghề này cao nên các cơ sở này không di dời khỏi khu dân cư. Mà người ta hoạt động trong đất thổ cư, đất của người ta được cấp sổ đỏ nên xã cũng không thể xử lý được. Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân tự dỡ bỏ sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp.
Các cặn bã từ giặt tải, đun nấu hạt nhựa thải ra môi trường được chất từng đống dọc con đường vào khu dân cư xóm Trại. |
Còn về việc dân phản ánh ô nhiễm môi trường là đúng, khói thải từ các lò đun nấu tạo hạt nhựa thải ra đen kịt, mùi khó chịu. Khí thải phát sinh trong quá trình nấu nhựa vô cùng độc hại; tiếng ồn từ việc sản xuất…cảm quan cũng có thể nhận thấy được.
Cống rảnh thoát nước của khu dân cư xóm Trại luôn bị tắc bởi các cơ sở giặt tải xả thẳng ra môi trường. |
Cống rảnh thoát nước tắc lại bởi các cặn, bã của các cơ sở này thải ra, tắc quá không chảy được thì nó lại tràn ra đường, người dân vớt lên chất thành đống, ruộng cũng không thể canh tác được. Chúng tôi cũng rất mong cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp xử lý triệt để đối với các cơ sở này.
Nhiều người dân cho rằng, UBND huyện Sóc Sơn, sở TNMT Hà Nội cần có biện pháp mạnh tay để xử lý vấn nạn này, không thể xử phạt rồi cho hoạt động gây ô nhiễm môi trường như vậy được.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!