Thứ sáu, 19/04/2024 18:00 (GMT+7)

Xây bến xe Yên Sở: Người dân lo lắng, chuyên gia băn khoăn

MTĐT -  Thứ hai, 02/07/2018 13:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyên gia giao thông cho rằng bến xe Yên Sở sẽ gia tăng áp lực lên đường vành đai 3, còn người dân lo lắng về an ninh trật tự và ùn tắc giao thông...

Mấy ngày nay, nước hồ Yên Sở đã được bơm, rút nước ra ngoài để chuẩn bị cho việc san lấp mặt bằng thi công bến xe. Xung quanh khu vực này, mùi bùn tanh nồng cùng xác sinh vật bị phơi nắng chết, bốc mùi hôi thối cả một khu vực.

Trên chỗ cao hơn, mấy xe máy xúc đang khẩn trương dỡ bỏ những công trình tạm, san gạt mặt bằng chuẩn bị xây bến xe Yên Sở.

Vị trí lô đất ven đường Vành đai 3 đang được chuẩn bị làm bến xe Yên Sở.

Dân lo là có cơ sở

Nhiều ngày qua, khi được biết TP Hà Nội có chủ trương xây dựng bến xe Yên Sở (nằm trên đường vành đai 3, thuộc địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều người dân phường Yên Sở đi đâu cũng bàn tán và lo lắng về dự án này.

Ông Nguyễn Văn Duy (61 tuổi), ở cụm dân cư số 9, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cho hay, hiện nay chưa có bến xe Yên Sở nhưng nhiều hôm lưu lượng phương tiện đông đúc đường vành đai 3 Yên Sở đã tắc đến tận Cầu Giẽ.

Bây giờ xây thêm bến Yên Sở, hoạt động sẽ không khác gì bến Mỹ Đình, Nước Ngầm khi cùng nằm sát vành đai 3. Hơn nữa, bến xe này chỉ cách bến Nước Ngầm hơn 1km, nhưng TP vẫn quyết định cho xây rồi lại chuyển bến Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình đi là bất hợp lý”, ông Duy nói.

Nước trong hồ Yên Sở đang được rút cạn, nhường mặt bằng cho dự án bến xe.

Ông Thắng, một người dân ở tổ 26, phường Yên Sở bày tỏ lo lắng khi được hỏi về việc xây dựng bến xe này. Theo ông, việc chưa có bến xe Yên Sở thì tại ngã 3 Yên Sở (nay là ngã 4) đã vô tình trở thành một bến xe “cóc” từ lâu, xe ôm, taxi dù, xe khách dừng bắt khánh dọc đường... hoạt động bát nháo, gây mất trật tự an ninh, an toàn giao thông trong khu vực.

“Giờ mà có thêm bến xe này về đây chắc tình hình trật tự xã hội khu vực này thêm phức tạp. Bến tàu, bến xe luôn phức tạp, khó quản lý nhất”, ông Thắng nói.

Chuyên gia hoài nghi

Là người gắn bó cả đời với nghiệp giao thông - vận tải, ông Bùi Danh Liên -Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm, Bến xe Yên Sở không phù hợp, đối lập hoàn toàn với chủ trương di chuyển bến xe ra khu vực đường vành đai 4 của Hà Nội.

Bến xe Yên Sở cũng có diện tích nhỏ, không đáp ứng nhu cầu san sẻ với Bến Giáp Bát và Nước Ngầm. Trong khi các bến khác đang hoạt động lại cho chuyển đi, rõ ràng không hợp lý và thiếu nhất quán.

Về ý kiến nói xây bến xe Yên Sở là có trong quy hoạch, theo ông Liên, dù đã có trong quy hoạch song thành phố có thể điều chỉnh. Vì, trước đây cũng từng có quy hoạch bến xe Lương Yên song lại điều chỉnh để xây nhà cao tầng.

"Hà Nội cấp phép cho bến xe Yên Sở hoạt động đến 50 năm là vô lý vì bến xe này nằm trong nội đô. Chúng tôi kiến nghị thành phố phải đảm bảo công bằng, khi các bến xe khác phải ra khỏi nội đô thì bến xe này cũng vậy", ông Liên nói.

Theo ông Liên, tuyến vành đai 3 đã thường xuyên ùn tắc, nhất là đoạn dẫn lên cầu Thanh Trì, nếu giờ có thêm 400-500 lượt xe khách mỗi ngày thì ùn tắc nghiêm trọng là không tránh khỏi, nhất là khi xe khách thường dừng đỗ dọc đường.

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cũng nhận định, bến xe Yên Sở dù có trong quy hoạch nhưng có nhiều điểm bất hợp lý. "Không ai quy hoạch theo kiểu cụm phía Nam có 3 bến xe "dí sát" vào với nhau là Giáp Bát, Nước Ngầm và Yên Sở như thế được. Hơn nữa, thành phố có chủ trương chuyển các bến xe ra vành đai 4 thì chuyển hết đi, để lại bến Yên Sở là bất hợp lý. Tôi không đồng tình”, ông Thanh nói.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu có bến xe Yên Sở thì sẽ không có ai mặn mà đầu tư vào bến xe phía Nam ngoài vành đai 4. Do vậy, thành phố cần phải nói rõ thời gian bến xe Yên Sở chuyển ra ngoài vành đai 3, phải công khai minh bạch việc này.

Khẳng định việc quy hoạch di chuyển Bến xe Giáp Bát nhưng lại cho xây Bến xe Yên Sở với thời hạn 50 năm chắc chắn có lợi ích nhóm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận, một số quy hoạch bến xe sau khi bị xóa bỏ đã biến các bến xe cũ thành các "khu đất vàng" để thay đổi mục đích, công năng sử dụng (xây tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị, khu mua sắm…). Điều này đã xảy ra mấy năm gần đây như trường hợp của Bến xe Lương Yên nay biến thành chung cư.

Vị trí xây dựng bến xe Yên Sở (hay còn gọi là bến xe Thanh Trì) ở sát vành đai 3. 

"Quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông của Hà Nội quá yếu kém, thiếu tầm nhìn, định hướng chưa thấu đáo, thiếu tinh thần trách nhiệm... dẫn đến quy hoạch liên tục thay đổi theo chiều hướng tạo ra thảm cảnh về hạ tầng và hiện trạng ùn tắc giao thông như hiện nay", chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận.

Việc Hà Nội có chủ trương di dời các bến xe ra khỏi nội đô, nhưng lại đồng ý cho xây bến xe Yên Sở tồn tại đến 50 năm đang gây nhiều ý kiến trái chiều, nhiều hoài nghi về tính minh bạch của chủ trương này.

Hà Nội đã từng lắng nghe ý kiến người dân, chuyên gia góp ý cho nhiều dự án. Hy vọng, với chủ trương xây dựng bến xe này, hà Nội cũng sẽ lắng nghe thấu đáo khi thực hiện.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Xây bến xe Yên Sở: Người dân lo lắng, chuyên gia băn khoăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...