Thứ bảy, 20/04/2024 10:32 (GMT+7)

Xây đập ngăn mặn để giữ nguồn nước ngọt bền vững cho Đà Nẵng

Đinh Nga -  Thứ bảy, 21/11/2020 11:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ông Hồ Minh Nam, Phó tổng Giám đốc Cty Dawaco, giải pháp căn bản nhất để đảm bảo nguồn nước thô sinh hoạt bền vững là TP Đà Nẵng cần phải xây dựng đập ngăn mặn.

Đầu tháng 11/2020, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Cty Dawaco) có tờ trình gửi Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng về việc bổ sung vào quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ tại vị trí cầu Hòa Xuân mở rộng. Đây là công trình có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc đảm bảo nguồn nước thô cho TP Đà Nẵng trước thực trạng xâm lấn ngày càng gia tăng của nước nhiễm mặn.

Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Cty Dawaco về dự án này.

Ông Hồ Minh Nam.

Xin ông cho biết vì sao Đà Nẵng phải xây đập ngăn mặn?

Ông Hồ Minh Nam: Thực tế những năm gần đây, tình trạng nước nhiễm mặn ngày càng gia tăng ở các tuyến sông trên địa bàn TP Đà Nẵng, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt phục vụ cho người dân. Nhất là vào mùa khô, nước nhiễm mặn xâm lấn lên đến tuyến sông chảy qua địa bàn cầu đỏ, Túy Loan và sông Yên. Cùng thời điểm này, các đập thủy điện ở các nhánh sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tích nước khiến lượng nước ngọt đổ về tuyến sông ở Đà Nẵng ít, dẫn đến nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt thiếu hụt nghiêm trọng. Vậy nên, giải pháp căn bản nhất để đảm bảo nguồn nước thô sinh hoạt bền vững là TP Đà Nẵng cần phải xây dựng đập ngăn mặn.

Thêm nữa, hiện nay công nghệ mới xây đập trụ đỡ ngăn mặn đã và đang được áp dụng cho hàng loạt các con sông ở khu vực miền Trung. Thực tế là đập Thảo Long ở tỉnh TT-Huế được xây dựng cách đây 15 năm, phát huy tác dụng đa mục tiêu. Ở Quảng Ngãi đang làm đập ngăn mặn trên sông Trà Khúc, Ninh Thuận có đập ngăn mặn sông Dinh… Năm 2020, Cty Dawaco đầu tư 15 tỷ đồng xây đập ngăn mặn tạm thời tại khu vực gần cầu Nguyễn Tri Phương. Kết quả là trong năm này, Đà Nẵng không thiếu nước ngọt, mặc dù sản lượng nước tiêu dùng bằng năm 2019.

Phối cảnh đập ngăn mặn trên cầu Hòa Xuân.

Vì sao lại chọn vị trí cầu Hòa Xuân để làm đập mà không phải là nơi khác thưa ông?

Ông Hồ Minh Nam: Qua khảo sát, Cty Dawaco nhận thấy, cầu Hòa Xuân cách vị trí cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ 4,5km về phía hạ lưu, khoảng cách an toàn để tạo ra vùng nước ngọt rộng lớn. Xây đập ngăn mặn tại đây, ngoài việc giữ được nguồn nước thô sinh hoạt bền vững còn ổn định nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, nhất là các phường, xã dọc theo sông Cầu Đỏ - Cẩm Lệ về hướng thượng lưu. Thêm nữa, khi dự án nạo vét sông Cổ Cò hoàn thành, cửa biển sông Hàn (Đà Nẵng) và biển cửa Đại (Quảng Nam) sẽ thông nhau, chắc chắn sẽ gia tăng xâm nhập mặn. Xây đập ngăn mặn tại cầu Hòa Xuân sẽ sớm chặn được nguồn nước mặn hướng về thượng lưu.

Một lợi thế nữa là năm 2014, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Công trình mở rộng cầu Hòa Xuân và đường dẫn đầu cầu. Đến năm 2019, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông Đà Nẵng đã phê duyệt nhiệm vụ, phương án kỹ thuật, khảo sát xây dựng và nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công. Dựa trên dự án này, Cty Dawaco sẽ kiến nghị thiết kế, điều chỉnh lại bản vẽ để xây dựng đập ngăn mặn theo mô hình trụ đỡ. Kỹ sư thiết kế sẽ làm lại phần đáy vị trí trụ cầu để đặt cánh phao xuống, còn mọi chi tiết đều giữ nguyên như cũ.

Xây đập ngăn mặn trên cầu Hòa Xuân góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

Ông có thể nói rõ hơn về thiết kế của đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ?

Ông Hồ Minh Nam: Dự án này có tổng vốn dự kiến là 410 tỷ đồng, do Cty Dawaco đảm nhận đầu tư. Công trình có các hạng mục đầu tư chính gồm xây dựng công trình ngăn mặn kết hợp giao thông rộng 12,75m với 7 nhịp, mỗi nhịp dài 42m, tải trọng HL 93. Có âu thuyền bên bờ phải để đảm bảo giao thông đường thủy. Theo phương án này, lòng sông rộng khoảng 200m, cao độ đáy sông sâu nhất là -7m, chiều cao cửa van điều tiết nước 8m. Đây là dự án đa mục tiêu, vừa ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, vừa giải được bài toán ùn tắc giao thông ở vị trí cầu Hòa Xuân hiện nay và tạo điểm nhấn về kiến trúc đối với bộ mặt đô thị Đà Nẵng.

Hiện trạng cầu Hòa Xuân hiện tại.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng, việc xây đập ngăn mặn sẽ khiến tuyến sông (đoạn từ vị trí ngăn mặn về thượng nguồn) sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm khi nước không được đối lưu. Thêm nữa, khi vào mùa mưa lũ, liệu có xảy ra tình trạng ngập lụt vì lượng nước sẽ thoát chậm khi qua đập? Cty Dawaco đã tính đến dự báo này chưa?

Ông Hồ Minh Nam: Đây là vấn đề chúng tôi cũng đã khảo sát và tính toán rất kỹ khi đưa ra giải pháp xây đập ngăn mặn. Các chuyên gia có góp ý về việc Đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển về phía cánh Tây, tất cả chất thải sẽ thải ra sông, khi xây đập sẽ chặn lại, gây ao tù nguồn nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tất cả các nhà máy, xí nghiệp ở Đà Nẵng đều có hệ thống xử lý chất thải rất bài bản. Việc xử lý nước thải đã được đầu tư và đưa vào hệ thống quan trắc để kiểm tra, xử lý. Điều quan trọng nữa là trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 có đặt ra mục tiêu xây dựng TP Môi trường. Theo đó, đến năm 2025, 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn. Có trên 90% nước thải sinh hoạt đô thị, 100% nước thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tập trung đạt chuẩn.

Thêm nữa, hằng ngày các thủy điện từ thượng nguồn đều xả nước về hạ du thông qua việc phát điện. Nên dù làm đập ngăn mặn nhưng lượng nước ngọt vẫn đảm bảo lưu thông, khi đó khu vực sông chảy về chân đập ngăn mặn vẫn được đối lưu, không phải là sông chết, ao tù như tiên liệu. Về cảnh báo thoát lũ, thiết kế đập ngăn mặn trụ đỡ khắc phục hoàn toàn nỗi lo này. Vào mùa khô, cửa đập sẽ đóng để ngăn xâm nhập mặn. Đến mùa mưa lũ, cửa đập sẽ hạ hoàn toàn xuống đáy sông, tạo thông thoáng cho dòng chảy nên không thể xảy ra ngập lụt vì đập.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Bạn đang đọc bài viết Xây đập ngăn mặn để giữ nguồn nước ngọt bền vững cho Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ