Thứ năm, 25/04/2024 23:02 (GMT+7)

Xây dựng đô thị thông minh: Thay đổi tư duy là yêu cầu quan trọng

MTĐT -  Chủ nhật, 17/04/2022 14:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngoài việc xây dựng nền tảng thể chế, chuẩn bị về nguồn lực tài chính, con người, hạ tầng, để xây dựng đô thị thông minh quan trọng nhất phải thay đổi tư duy từ người quản lý cho đến cư dân mới có những bước đi đột phá.

Mô hình nào phù hợp với Việt Nam

Tại tọa đàm “Đô thị thông minh từ chính sách đến thực thi” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 15/4, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã có bàn luận sâu về những yếu tố nền tảng của mô hình TP thông minh, đô thị thông minh từ thể chế, chính sách tổng thể đến cơ chế vận hành; từ văn bản pháp lý đến nguồn lực thực thi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng bàn thảo về những yếu tố nền tảng của mô hình TP thông minh, đô thị thông minh như quản lý hành chính, môi trường, y tế giáo dục, văn hoá xã hội, giao thông… Đồng thời nêu ra cơ hội, cũng như thách thức của những TP tại Việt Nam trong việc triển khai đề án TP thông minh.

Ông Lê Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đã và đang được triển khai hiệu quả.

Đến nay có 41/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế - xã hội riêng biệt của từng tỉnh thành, từng vùng. Vấn đề là làm thế nào để các địa phương chọn được mô hình phù hợp, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.

Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm
Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm

Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, đô thị thông minh là một trong những hướng phát triển đô thị nhằm hướng đến mục tiêu quản lý, phát triển tốt hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Trong chỉ đạo định hướng của Đảng cũng có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gần đây là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định phát triển đô thị thông minh là một trong những xu hướng tất yếu.

“Tuy nhiên, qua theo dõi chúng tôi thấy nhiều đô thị của chúng ta đang chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển. Đề án có thể vẽ nhiều bức tranh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Với đô thị Việt Nam, các địa phương nên lựa chọn vấn đề ưu tiên để xây dựng TP thông minh, ví dụ Phú Quốc chọn du lịch thông minh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế cũng làm tốt...” - ông Lê Hoàng Trung nêu.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các địa phương là hiểu thế nào cho đúng về đô thị thông minh. Bởi khi hiểu đúng chúng ta mới biết đâu là vấn đề quan trọng, cần làm. Từ vai trò của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước... nếu không thống nhất được nhận thức vai trò của từng bên sẽ không thể thực hiện được.

Chuyên gia này cho rằng, đô thị thông minh thực chất là khái niệm "động", không có điểm đích, không có mô hình chuẩn áp dụng cho tất cả TP. Nhưng nó có một số đặc điểm chung và cách tiếp cận chung đó là đô thị thông minh, TP thông minh sẽ giải quyết các vấn đề của đô thị như môi trường, giao thông… một cách tốt nhất, mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, mọi nhu cầu, dịch vụ được tiếp cận dễ dàng.

Đô thị thông minh cũng thể hiện nền kinh tế sáng tạo, con người ứng xử văn minh hơn, được an toàn hơn. Đặc biệt, đô thị thông minh, TP thông minh sẽ có đặc điểm chung là hạ tầng, công trình, dịch vụ đều được kết nối thuận tiện hơn cho người dân. Quản trị xã hội cũng sẽ thông minh hơn, các dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu người dân phải tốt hơn. Đô thị thông minh là khi đứng chờ xe buýt, người dân sẽ biết phải chờ trong bao lâu; đi làm dịch vụ công, phải biết được các bước như thế nào, thời gian giải quyết bao lâu…

“Để xây dựng TP thông minh, đô thị thông minh thực ra công nghệ là không thể thiếu, nhưng trong bối cảnh này theo tôi yếu tố quan trọng nhất là giải pháp về quản trị của chính quyền đô thị. Đây được coi là nền tảng để phát triển các yếu tố tiếp theo” - ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Đức -Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho rằng, để tiến tới một đô thị thông minh có 3 trụ cột: Một là thể chế, hai là hạ tầng công nghệ thông tin và thứ ba là con người - đây cũng là yếu tố quan trọng nhất.

''Đầu tiên, tôi muốn đề cập là nhân sự hoạch định chính sách, những người xây dựng chính sách phải có ý chí chính trị để tiến tới nâng đỡ mô hình đô thị thông minh. Thứ hai, những người tham gia để sử dụng các công cụ này có cần nhiệt tình. Để thay đổi tư duy từ truyền thống sang hiện đại, cụ thể là những công cụ trong đô thị thông minh không hề dễ dàng. Nhưng để đổi mới, bắt buộc công chức, viên chức phải đổi mới trước tiên.

Hiện tại, lãnh đạo TP Hà Nội luôn mang theo máy tính bảng để vừa họp vừa xử lý công việc, mọi chỉ đạo, phúc đáp, tương tác… đều trên môi trường internet. TP hạn chế chuyển công văn, giấy tờ. Nói vậy để thấy rằng, chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để tiến tới một đô thị thông minh. Vấn đề còn lại là ý chí chính trị thống nhất cần phải cao hơn. Khi thay đổi phương thức sẽ khó tránh khỏi va chạm, chỗ này được hưởng lợi, chỗ khác bị thiệt thòi. Do đó tôi muốn nhấn mạnh, cùng với thể chế, chính trị, phải thay đổi cả tư duy, từ người quản lý cho đến công dân là vấn đề rất quan trọng", ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Cần sớm có bộ tiêu chí

Để xây dựng được đô thị thông minh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn thứ nhất được các đại biểu đề cập là vấn đề hạ tầng. Ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn cho hay, ngay cả 5 TP lớn cũng còn khó khăn vô cùng chứ chưa nói đến các tỉnh khác. Nhất là đối với Hà Nội, muốn xây dựng thành một đô thị thông minh không phải chuyện một sớm một chiều khi dân số đông, hạ tầng yếu kém. Ngay việc hoàn thiện phần mềm để biết là đoạn đường nào đang bị tắc, và khu vực nào đang bị ô nhiễm môi trường cũng còn là một bài toán.

“Để người dân có một cuộc sống tốt hơn, chúng ta buộc phải bắt đầu làm từ bây giờ, từ cụm dân cư cho đến các khu đô thị mới. Chúng ta buộc phải dựng tốt cơ sở hạ tầng rồi mới tính tới phát triển đô thị thông minh. Để xây dựng TP thông minh việc xây dựng tiêu chí là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoạch định ra những tiêu chí mở để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có đủ tiềm lực xây dựng các khu đô thị, khu dân cư thông minh phục vụ tốt nhất cho cuộc sống người dân” - ông Nguyễn Hoài Bắc nêu.

Một khó khăn nữa mà các chuyên gia bàn thảo, đó là xây dựng đô thị thông minh, TP thông minh nhưng hiện không xác định được mô hình nào chuẩn, cũng như chưa có bộ tiêu chí chung để nhận diện.

Ông Phan Đức Hiếu nêu, hiện nay Việt Nam không có một mô hình nào chuẩn, tuy nhiên khi xây dựng đô thị thông minh, chúng ta cần phải có một bộ tiêu chí tối thiểu. Bộ tiêu chí phải mang tính định hướng, để các bên liên quan nhìn vào định hướng nên xây dựng cái gì, giải quyết vấn đề gì khi xây dựng TP thông minh.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang xây dựng các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh cũng như nền tảng pháp lý và quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh. Trong đó tập trung vào 3 trụ cột chính để nhận diện, thứ nhất là quy hoạch thông minh, thứ hai là quản lý đô thị thông minh, thứ ba là các ứng dụng thông minh, dữ liệu đô thị thông minh.

Ông Lê Hoàng Trung cho hay, bộ tiêu chí đô thị thông minh liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do vậy, Bộ Xây dựng đang thống nhất với các bộ, ngành phải có một khung, để từ đó từng đô thị lựa chọn theo nhu cầu của họ, muốn phát triển như thế nào. Trong thời gian sớm sẽ nghiên cứu ban hành, trước tiên là sổ tay hướng dẫn.

Bên cạnh bộ tiêu chí áp dụng cho tất cả đô thị trong cả nước, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, với các TP lớn như Hà Nội cũng cần thiết xây dựng những công cụ để quản lý một TP thông minh, với các lĩnh vực như giao thông, môi trường, cấp thoát nước, về quy hoạch hay quản lý trật tự xây dựng…

“Rất mong trong hoạch định chính sách, trong các quyết định của Chính phủ, cơ quan ban hành phải lường trước được những phát sinh trong quá trình vận hành để đi trước một bước và có quy trình, quy chuẩn cụ thể nhằm tiết kiệm tối đa nguồn lực” - ông Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng đô thị thông minh: Thay đổi tư duy là yêu cầu quan trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Kinh tế Đô thị

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.