Thứ sáu, 29/03/2024 12:32 (GMT+7)

Xây dựng mô hình kinh tế xanh cho xã đảo ven bờ

MTĐT -  Chủ nhật, 06/03/2022 09:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau hơn 3 năm thực hiện, Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam” đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Các xã đảo ven bờ là một địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước, tuy nhiên đời sống của người dân tại các vùng này thường gặp nhiều khó khăn do tách biệt với đất liền. Họ đã và đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên tại chỗ, ô nhiễm môi trường, thiên tai… với mức độ ngày càng gia tăng. Nhằm góp phần nâng cao đời sống cho bà con cũng như bảo vệ môi trường tại các khu vực trọng yếu này, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam”, mã số KC.08.09/16-20* đã được triển khai, mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Mô hình kinh tế xanh cho xã đảo

Theo nghiên cứu về mô hình kinh tế xanh phù hợp cho các xã đảo dựa trên định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP (2011) và các phương pháp tiếp cận dựa trên quan điểm bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ; tiếp cận hệ thống và liên ngành; bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế xanh cho các xã đảo được định nghĩa là: “mô hình kinh tế có quy mô phù hợp cho đơn vị hành chính xã đảo với cơ cấu kinh tế phù hợp để nâng cao đời sống, cải thiện công bằng xã hội, tăng gắn kết người dân với đảo, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những suy giảm sinh thái của xã đảo” (hình 1).

tm-img-alt
Hình 1. Sơ đồ mô hình kinh tế xanh cho xã đảo.

Với cách tiếp cận trên, nhóm nghiên cứu đã tham khảo mô hình kinh tế đảo tại Thái Bình Dương để áp dụng vào mô hình của Đề tài. Theo đó, vẫn duy trì cơ cấu kinh tế truyền thống, đồng thời đánh giá, phân tích để phát huy thế mạnh và chuyển hướng gắn với các giải pháp bảo vệ môi trường, nhằm tăng giá trị kinh tế mà không làm suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã bắt tay thực hiện đề tài với 4 mục tiêu chính: i) Xây dựng kinh tế xã đảo hướng tới nâng cao đời sống người dân; ii) Giảm thiểu các rủi ro môi trường (áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong các mô hình sinh kế, giảm phát thải cacbon, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; iii) Bảo tồn các hệ sinh thái cảnh quan trên đảo và hệ sinh thái biển xung quanh đảo; iv) Đảm bảo an ninh, khẳng định và giữ vững chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của đất nước (người dân sống trên đảo không di cư vào đất liền, thu hút các lực lượng lao động đất liền ra đảo làm việc, tăng cường tính liên kết đảo - đất liền).

Xây dựng mô hình kinh tế xanh cho xã đảo ven bờ Việt Nam

Sau hơn 3 năm thực hiện, Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam” mã số KC.08.09/16-20 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong đó, hai xã đảo Nhơn Châu (Bình Định) và Nam Du (Kiên Giang) đã hoàn thành việc tập huấn và xây dựng thành công mô hình xã đảo với các hoạt động kinh tế như nuôi thủy sản công nghệ cao, công nghệ đa canh thân thiện môi trường, du lịch biển và khai thác thủy sản. Đặc biệt, xã đảo Việt Hải (Hải Phòng) đã có sự chuyển biến rõ rệt. Trước đây, cơ cấu ngành nghề chính tại Việt Hải là nông nghiệp, chỉ có 5 hộ dân tham gia làm du lịch song hình thức tổ chức còn nhỏ lẻ, manh mún. Từ khi mô hình kinh tế xanh được triển khai vào cuối năm 2017, cơ cấu ngành nghề nơi đây đã chuyển sang du lịch cộng đồng kết hợp với nông nghiệp hữu cơ. Đời sống của người dân đã được nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân mỗi tháng của các hộ làm du lịch đạt từ 10-12 triệu/người, cao hơn thu nhập trung bình của người dân trong xã là 5 triệu/người.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường như homestay, massage cá suối Garra Rufa, tour du lịch sinh thái và hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ canh tác và sinh hoạt như ủ phân hữu cơ, xây dựng vườn rau hữu cơ, rau trồng trong nhà kính, nhà lưới, xây cột đèn sử dụng pin năng lượng mặt trời (hình 2, 3, 4).

tm-img-alt
Hình 2. Mô hình homestay thu hút khách du lịch và phòng chống ngập lụt.

Mô hình homestay có cầu thang độc lập hai tầng giúp tạo không gian riêng giữa chủ nhà (tầng 1) và khách (tầng 2). Các đồ trang trí đều sử dụng tối đa vật liệu tự nhiên như tre, nứa. Mô hình này giúp thích ứng với những trận lụt do địa hình khu vực là thung lũng. Khi xảy ra mưa lớn bất thường, nước lũ không thoát kịp, người dân và khách lưu trú có thể sinh sống ở tầng 2. Mô hình homestay giả gỗ tạo điểm nhấn cho mô hình du lịch cộng đồng, giảm chi phí xây dựng, bảo vệ tài nguyên rừng và thu hút khách du lịch. Ngôi nhà sử dụng hệ thống đèn năng lượng mặt trời, bóng tiết kiệm điện để giảm tiêu thụ điện lưới.

tm-img-alt
Hình 3. Mô hình massage cá suối Garra Rufa quy mô hộ gia đình.

Mô hình massage cá suối Garra Rufa tạo ra một sản phẩm du lịch đặc trưng riêng cho xã Việt Hải khi dựa vào nguồn cá phân bố tự nhiên và đặc thù của xã. Nguồn cá tự nhiên có ở các suối và không tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn chủ yếu là cơm thừa. Mô hình này mang lại giá trị du lịch cao và có ý nghĩa trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, trong xã đã nhân rộng từ 1 lên 7 hộ phát triển mô hình này.

Đề tài nghiên cứu nói trên thuộc Chương trình KC.08/16-20: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai”.

TS Lê Xuân Sinh, ThS Nguyễn Văn Bách,

KS Bùi Thị Minh Hiền, KS Đoàn Thị Thanh Xuân

Viện Tài nguyên và Môi trường biển,

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng mô hình kinh tế xanh cho xã đảo ven bờ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo vjst.vn

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới