Thứ bảy, 20/04/2024 04:04 (GMT+7)

Xây dựng mô hình tổ quản lý công trình nước sinh hoạt nông thôn ở Bình Gia, Lạng Sơn

Hải Vân -  Thứ hai, 26/09/2022 15:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, các cấp chính quyền, ngành chức năng của huyện Bình Gia đã chú trọng đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt ở khu vực nông thôn, nâng cao tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Cấp nước sạch nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa nông thôn với đô thị, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đó là quan điểm xuyên suốt của các đề án, chương trình liên quan tới cấp nước sạch nông thôn qua các giai đoạn từ năm 1998 đến nay.

Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

Trước đây, người dân thôn Vằng Mần, xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn muốn có nước sử dụng đều phải tự bắc ống dẫn nước từ khe núi về. Điều này không chỉ bất tiện cho người sử dụng mà còn tiềm ẩn mối nguy cơ về sức khỏe do nguồn nước chưa đảm bảo vệ sinh.

Theo ông Bàn Văn Thắng : Tôi và nhiều hộ dân khác tự đầu tư kinh phí, lắp đặt chung 1 km ống để dẫn nước từ khe núi về nhà sử dụng. Kinh phí mua sắm thiết bị lớn nhưng nguồn nước chưa bảo đảm vệ sinh. Mùa mưa, nước đục, mùa khô, nước về rất ít. Năm 2010, được Nhà nước đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung từ nguồn vốn Chương trình 134, đến nay, nước được dẫn tới tận nhà, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho sức khỏe cả gia đình. Người dân trong thôn ai cũng phấn khởi và luôn nhắc nhở nhau bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước để sử dụng lâu dài.

Ngoài thôn Vằng Mần, từ năm 1995 đến nay, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và lồng ghép từ các chương trình khác, xã Vĩnh Yên được đầu tư xây dựng 7 công trình cấp nước tập trung với số vốn gần 17,6 tỷ đồng.

Ông Bàn Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia chia sẻ : Các công trình đảm bảo cung cấp nước cho 229 hộ dân thuộc 4/4 thôn, tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến nay đạt 100%. Các công trình đều được duy trì và phát huy hiệu quả. Để làm được điều đó, xã đã chỉ đạo các thôn thành lập tổ quản lý công trình nước sinh hoạt, đồng thời giao trách nhiệm quản lý cho từng nhóm hộ được thụ hưởng (mỗi nhóm 5 đến 6 hộ). Tổ quản lý có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo vệ các công trình dẫn nước; đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ dân giữ gìn “tài sản chung” của Nhà nước. Đối với công trình hư hỏng không quá lớn, người dân thường chủ động tự sửa chữa và bảo dưỡng. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với tổ quản lý thôn tiến hành tổ chức kiểm tra 6 – 7 lượt các công trình cấp nước tập trung. Đến nay, 2 công trình cấp nước bị hỏng đã được sửa chữa và nâng cấp để phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn.

tm-img-alt

Trẻ em nông thôn miền núi - đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiếu nước

Không chỉ riêng xã Vĩnh Yên, những năm qua, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn lồng ghép khác, huyện Bình Gia đã khảo sát thực trạng, tập trung đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, xã khó khăn về nguồn nước. Từ năm 1995 đến nay, trên địa bàn huyện Bình Gia được đầu tư xây dựng 55 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Để đảm bảo các công trình được duy trì và phát huy hiệu quả, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng các công trình cấp nước. Các công trình sau khi được nghiệm thu sẽ bàn giao cho UBND xã, UBND xã có trách nhiệm thành lập tổ tự quản ở các thôn để theo dõi, quản lý và bảo vệ các công trình. Để nguồn nước đảm bảo vệ sinh, huyện đã tổ chức lấy mẫu nước xét nghiệm và cấp phép cho các nguồn nước tại địa phương đảm bảo vệ sinh để khai thác, sử dụng; kịp thời phát hiện công trình có nguồn nước bị ô nhiễm để có giải pháp xử lý phù hợp.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình cấp nước, chính quyền cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để tự đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt. Đến nay, tổng dư nợ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt hơn 21 tỷ đồng với 1.222 hộ đang sử dụng nguồn vốn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, ngân hàng đã giải ngân 5,7 tỷ đồng cho 298 hộ vay.

Theo ông Lý Văn Thọ, thôn Bắc Hóa, xã Thiện Long : “Trước đây, gia đình tôi thường sử dụng nước giếng khoan. Mỗi khi trời mưa nước rất đục và có mùi hôi tanh. Từ năm 2016, gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 12 triệu đồng để lắp đặt hệ thống dẫn nước tự chảy về nhà. Nhờ vậy, gia đình đã có nguồn nước sạch sử dụng hằng ngày. Vừa qua, gia đình tôi đã hoàn trả số tiền vay cho ngân hàng theo đúng kỳ hạn.”

Cùng với các công trình cấp nước tập trung, các công trình cấp nước nhỏ lẻ như: hệ thống dẫn nước tự chảy quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình đang phát huy hiệu quả, đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%, tăng 4,9% so với năm 2017.

Ông Tô Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cải tạo, sửa chữa một số công trình cấp nước hư hỏng nhẹ; tăng cường kiểm tra, quản lý việc khai thác nguồn nước; kiểm soát chất lượng nước được cung cấp và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng mô hình tổ quản lý công trình nước sinh hoạt nông thôn ở Bình Gia, Lạng Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...