Thứ sáu, 29/03/2024 00:00 (GMT+7)

Xây dựng nền nông nghiệp đi theo xu thế toàn cầu

MTĐT -  Thứ tư, 06/10/2021 09:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây là thông điệp được nêu ra tại cuộc họp trực tuyến “Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam”  tham vấn các đối tác quốc tế về kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vừa được tổ chức mới đây.

Cuộc họp đã thu hút 29 đối tác quốc tế đã tham dự và đưa ra nhiều kinh nghiệm, khuyến nghị quý giá cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Những năm vừa qua, quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được thành tựu rất tích cực. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp thực sự trở thành thành hình ảnh quốc gia và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, chúng ta phải có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Thông tin từ Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Bộ đang xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quý 4/2021.

Cần phải xem ngành nông nghiệp là ngành kinh tế gắn chặt các yếu tố văn hoá, xã hội và xu thế phát triển bền vững cũng như tư duy toàn cầu. Kinh tế nông nghiệp bao hàm cả nền kinh tế tri thức và kinh tế tương lai.

tm-img-alt
Ngành Nông nghiệp Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Ngành nông nghiệp phải đi theo xu thế kinh tế tuần hoàn, từ đó tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn thông qua sự sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới. Đây chính là minh chứng về việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với thế giới để phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường.

Cũng theo Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giai đoạn tới việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ là mở rộng ngành hàng này hay thu hẹp ngành hàng kia mà phải tích hợp các giá trị, vừa mang giá trị địa phương, vừa mang giá trị toàn cầu; chuyển từ tư duy phát triển đơn ngành sang phương pháp tích hợp đa ngành, đa giá trị.

Một cách tiếp cận nữa mà ngành nông nghiệp đang hướng đến, đó là chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo minh bạch và phát triển bền vững; chuyển từ chuỗi cung ứng sang chuỗi liên kết, tích hợp trong đó hàm lượng tri thức và giải quyết được các vấn đề nội tại của ngành hàng.

Tại hội nghị, các đối tác quốc tế cũng đã chia sẻ, định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp có trách nhiệm và chuyển đổi xanh cũng tương đồng với chiến lược phát triển lương thực như của Nhật Bản. Hay việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam hỗ trợ các vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, các giải pháp canh tác nông nghiệp thông minh; hợp tác phát triển thuốc thú y, thủy sản và hỗ trợ xây dựng các văn bản pháp luật.

Theo Giám đốc phụ trách nông nghiệp khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua và hiện nay đạt khoảng 42 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay đóng góp cho tăng trưởng đang giảm xuống do nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.

Vậy nên, cần phải quản lý các yếu tố đầu vào khoa học hơn, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, cải thiện xử lý rơm rạ, chuyển từ sản xuất độc canh cây lúa sang sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, quan tâm hơn đến thị trường carbon bởi Việt Nam vẫn còn dư địa giảm phát thải khí nhà kính.

Với các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ xanh, sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội nâng giá trị cao hơn nữa. Đó chính là nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, kết hợp: công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, xây dựng thương hiệu sản phẩm, định vị lại giá trị nông sản ở thị trường khu vực và quốc tế.

Mai Châu (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng nền nông nghiệp đi theo xu thế toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.