Thứ năm, 28/03/2024 18:50 (GMT+7)

Xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất: Tại sao Bộ GTVT 'cấm cửa' tư nhân?

V.Chương -  Thứ năm, 21/03/2019 12:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện Chính phủ chưa chỉ định nhà thầu nào thực hiện mở rộng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất nhưng tại sao Bộ GTVT đã “vội vã” công bố ACV là nhà đầu tư?

Chỉ một nhà đầu tư tư nhân xuất hiện?

Chiều 19/3, buổi tọa đàm về việc đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được diễn ra tại trụ sở Báo Giao thông. Buổi tọa đàm này có sự xuất hiện của đại diện của Thứ trưởng Bộ GTVT, Lê Đình Thọ, ông Lại Xuân Thanh, Tổng giám đốc ACV, đại diện ADCC… Đặc biệt, các nhà đầu tư tư nhân đề xuất được thực hiện nhà gà T3 ở Tân Sơn Nhất đều vắng mặt, trừ ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP). 

Rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư thực hiện nhà ga T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Zing.vn.

Dẫn theo Báo Giao thông, mở đầu tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định cần phải mở rộng Tân Sơn Nhất và thời gian tới sẽ đầu tư nhà ga hành khách T3. Thứ trưởng Thọ cho biết, Bộ GTVT đã quyết định đề xuất Chính phủ giao cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với báo cáo tiền khả thi về dự án có tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng.

“ACV đang là nhà quản lý khai thác cảng duy nhất tại Tân Sơn Nhất. ACV có kinh nghiệm, có nguồn lực, vậy tại sao không giao ACV?”, Thứ trưởng đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm.

Cũng tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Tập đoàn IPP, ông Jonathan Hạnh Nguyễn khẳng định: “Không bao giờ muốn một mình đầu tư một nhà ga mà luôn mong được đồng hành cùng ACV. Ngay cả khi ACV muốn làm một mình chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ”. Việc chỉ một mình ông Jonathan Hạnh Nguyễn xuất hiện tại buổi tọa đàm này cũng khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Điều hoài nghi hơn nữa, tại buổi tọa đàm, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng phát biểu có ý ủng hộ ACV thực hiện dự án nhà ga T3. 

Giao đất trực tiếp cho ACV: Vướng luật?

Trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam, TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không khẳng định: Ngay cả khi ACV được đồng ý thực hiện đầu tư mở rộng, xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất thì việc bàn giao đất trên phần diện tích này cũng không dễ.

Ông Tống khẳng định, hiện trên khu đất này có nhiều đơn vị quân đội đóng quân chưa thể di dời ngay, cho dù, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương và ủng hộ bàn giao đất để xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, việc giao đất cũng vướng luật, bởi hiện nay, ACV đã là Công ty cổ phần có vốn tư nhân và nước ngoài nên không được giao đất trực tiếp”.

Vì thế, theo Điều 50 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, khu 16,37 ha đất quốc phòng ở vị trí dự kiến xây nhà ga hành khách T3 phải được Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND TP HCM. Vì ACV đã là công ty cổ phần nên TP. HCM buộc phải đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư. Lúc này, chắc gì ACV đã “trúng” khi hàng loạt các nhà đầu tư khác cùng nhảy vào? Do đó, việc giao đất cho ACV là không hề đơn giản.

Cũng nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam khẳng định, tại Mục 4 Điều 50 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 ghi rõ: “Đất do các đơn vị vũ trang nhân dân đang quản lý, sử dụng nhưng không thuộc quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh đã được phê duyệt thì phải bàn giao về địa phương quản lý…”

Thứ trương Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ giao ACV đầu tư thực hiện dự án. Ảnh infonet.

Do đó, đất Quốc phòng ở Tân Sơn Nhất đầu tiên phải chuyển về UBND TP. HCM. Khi đó, UBND TP.HCM có giao đất cho ACV đề xây nhà ga T3 hay không lại là chuyện khác. Bởi ACV hiện đang là công ty cổ phần có vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài.

Luật sư Hùng nói rằng nếu UBND TP.HCM giao thẳng khu đất và dự án này cho ACV mà không thông qua thủ tục đấu thầu minh bạch là không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về đất đai.

Nhận xét về việc Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 19/3 về việc đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tiền sử dụng sẽ từ vốn từ ACV là nhà đầu tư và kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác, luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng nếu đúng như Thứ trưởng Bộ GTVT nói, đây sẽ là việc vi phạm nghiêm trọng Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu, theo đó nếu nhiều nhà đầu tư quan tâm một dự án, cần phải tiền hành đấu thầu để lựa chọn Nhà Đầu tư.

Được biết, có hơn 3 nhà đầu tư đã và đang có đề xuất thực hiện dự án nhà ga T3. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, người duy nhất được góp mặt tại buổi tọa đàm ngày 19/3 vừa qua cùng Bộ GTVT, ACV chỉ là 1 trong số những nhà đầu tư đó.

Sao Bộ GTVT lại "cấm cửa" tư nhân ở dự án nhà ga T3, Tân Sơn Nhất?

TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không khẳng định, lẽ ra Bộ GTVT cần phải lựa chọn nhà đầu tư thật kỹ lưỡng để có thể thực hiện, đưa dự án vào hoạt động sớm nhất để giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Chính phủ luôn khuyến khích “xã hội hóa”, tư nhân thực hiện những dự án lớn. Không hiểu sao dự án này, Bộ lại đề xuất không cho tư nhân vào thực hiện mà chỉ nhất nhất giao cho ACV trong khi rất nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến dự án này. Trong khi đó, ACV đang dồn sức vào dự án sân bay Long Thành.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất: Tại sao Bộ GTVT 'cấm cửa' tư nhân?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.