Thứ năm, 28/03/2024 17:44 (GMT+7)

Xây dựng, quản lý quy hoạch chung thị trấn Nhã Nam tạo động lực phát triển

MTĐT -  Thứ tư, 11/01/2023 06:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc xây dựng và lập quy hoạch của thị trấn Nhã Nam đã được tiến hành rất sớm từ năm 2012 và đã từng bước triển khai thực hiện.

Hiện nay, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, trước những thách thức trong quá trình phát triển đô thị, Đảng và Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và việc phát triển xây dựng, quản lý quy hoạch, hình thành các đô thị bền vững là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Trong những năm qua công tác xây dựng, quản lý quy hoạch của tỉnh Bắc Giang nói chung và của huyện Tân Yên nói riêng được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả, đây chính là động lực cho phát triển kinh tế xã hội và xây dựng tầm nhìn dài hạn.

Ngày 27/3/2020, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 232/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040; Các quy hoạch trên đã có sự điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh để đảm bảo phát triển không gian đô thị một cách hài hòa.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Việc xây dựng và lập quy hoạch của thị trấn Nhã Nam đã được tiến hành rất sớm từ năm 2012 và đã từng bước triển khai thực hiện. Ngay sau khi các quy hoạch của huyện Tân Yên được phê duyệt, thị trấn Nhã Nam cũng đã triển khai thực hiện một số các dự án đầu tư, trên cơ sở nghiên cứu đồ án quy hoạch chung được phê duyệt, công tác quản lý quy hoạch đã được triển khai khá tốt, bước đầu cũng đạt được một số thành tựu nhất định về mặt hạ tầng kỹ thuật để phục vụ phát triển mở rộng không gian đô thị...

Tuy nhiên theo dòng chảy lịch sử thì quy hoạch đã cũ, không còn phù hợp cho giai đoạn hiện nay, việc lập, xây dựng và quản lý đô thị chưa đồng bộ dẫn tới một số dự án trên địa bàn phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Quy hoạch đô thị có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nếu quy hoạch không hợp lý sẽ không khai thác hết nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, không thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển. Vì vậy, thị trấn Nhã Nam cần xây dựng, quản lý quy hoạch có tầm nhìn, có chiều sâu, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội

Từ thực tế cho thấy thị trấn Nhã Nam là một thị trấn cổ, lâu đời, có nhiều trầm tích lịch sử hào hùng, là một trong những địa điểm của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chùa Tứ Giáp, Đồi Phủ, Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy… Thị trấn Nhã Nam được định hướng đến năm 2035 là không gian đô thị hiện đại trên cơ sở phát triển mạnh về thương mại dịch vụ, là hạt nhân tạo động lực phát triển cho các xã lân cận khu vực phía Bắc huyện Tân Yên cũng như phía Nam huyện Yên Thế gắn với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử tâm linh.

Hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, đi qua giữa thị trấn có các tuyến đường giao thông huyết mạch là QL17 và đường tỉnh 294, nối khu vực quy hoạch với các trục đường quan trọng của tỉnh và Quốc gia: Đường vành đại 5, Đường Vanh đai 4 đi Võ Nhai - Thái Nguyên, Đường Liên Sơn - Phúc Sơn, đường Tân Trung - Liên Sơn…; kết nối TP. Bắc Giang, thị trấn Cao Thượng, Cầu Gồ, Bố Hạ là các đô thị trung kinh tế hành chính văn hoá của cả tiểu vùng; Các khu dân cư, khu đô thị mới, khu du lịch vui chơi giải trí, trung tâm dịch vụ thương mại mới đang phát triển phục vụ cho Nhã Nam và vùng phụ cận... đây là động lực thúc đẩy thu hút dân cư đô thị làm tăng cơ học. Vì vậy trong tương lai không xa, thị trấn Nhã Nam có nhiều cơ hội để trở thành một trung tâm đô thị dịch vụ - thương mại - du lịch của huyện Tân Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.

tm-img-alt
Thị trấn Nhã Nam trên bản đồ Google vệ tinh

Từ vị trí, vai trò và tiềm năng phát triển của thị trấn Nhã Nam như trên, chúng tôi dự kiến quy hoạch phân khu vực phát triển như sau:

* Phân khu số 1: Khu trung tâm có diện tích 189,14ha với không gian đô thị hiện hữu, phát triển lan tỏa một phần không gian khu vực phía Đông.

Định hướng: Quy hoạch và đầu tư phần mở rộng khu vực phía Đông Nam (TDP Tân Quang), Khu Chuôm Nho bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu cho không gian đô thị hiện hữu. Từng bước chỉnh trang mở rộng giao thông trong khu vực dân cư hiện hữu. Quy hoạch bổ sung hồ điều hòa, công viên cây xanh, công trình thương mại dịch vụ, hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt. Từng bước đồng bộ hạ tầng với khu đô thị mới, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khung, nhất là các tuyến giao thông kết nối đa chiều.

* Phân khu số 2: Không gian đô thị mới khu vực phía tây có diện tích 231,97ha, là khu vực phát triển thương mại dịch vụ và đô thị phía tây dọc 2 bên tỉnh lộ 294 gắn với các công trình tôn giáo tín ngưỡng và di tích lịch sử.

Định hướng: Là khu vực ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ, đô thị và du lịch văn hóa lịch sử gắn với các di tích nổi tiếng như Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND, chùa Tứ Giáp, Đồi Phủ, đền Gốc Khế, Đình làng Chuông, đền Cả Trọng, đình - chùa Nam Thiên…Quy hoạch xây dựng không gian đô thị mới kết hợp phát triển đồng bộ hệ thống công trình thương mại dịch vụ khu vực cửa ngõ, kết nối giao thông và không gian đô thị với xã Quang Tiến, Lan Giới và tuyến Thượng Lan, Việt Yên - Quang Tiến - Võ Nhai, Thái Nguyên.

* Phân khu số 3: Không gian đô thị hiện hữu gắn với sản xuất nông nghiệp và cảnh quan sinh thái nông nghiệp phía Bắc có diện tích 138,16ha.

- Định hướng: Chỉnh trang, bổ sung hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với không gian đô thị phía Nam và phía Tây với tuyến đường vành đai phía Bắc (TDP Tiến điều - Đoàn kết - Phúc Thành) để kết nối cung cấp dịch vụ thượng mại cho các xã khu vực phía Nam của huyện Yên Thế (An Thượng, Tân Hiệp, Tiến Thắng…). Phát triển không gian nhà ở sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Lâu dài sẽ từng bước mở rộng không gian đô thị phía Bắc theo hướng đô thị sinh thái.

Để đạt được những mục tiêu trên, tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch phát triển đô thị. Quản lý quy hoạch, quản lý đô thị phải được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện và đây là bài học kinh nghiệm được rút ra trong thực tiễn thời gian qua. Xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp chính quyền. Tăng cường công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt để việc đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo quy hoạch. Quy hoạch đồng bộ gắn liền với cắm mốc thực địa và có tầm nhìn dài hạn.

2. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án xác định các dự án trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên triển khai. Tập trung nguồn lực nhằm huy động tối đa những điều kiện, thế mạnh của từng khu vực đô thị của thị trấn. Đồng thời, xem xét, nghiên cứu việc đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong công tác tổ chức quản lý quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

3. Quản lý, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển đô thị, nhất là việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu về không gian chung, không gian phát triển, không gian kiến trúc, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật... Có giải pháp, lộ trình chỉnh trang các khu dân cư hiện có, bảo đảm hài hòa không gian chung của đô thị. Tạo cơ sở vững chắc đạt tiêu chí theo từng lĩnh vực, xây dựng đô thị hiện đại, đô thị xanh, đô thị thông minh, không gian đô thị thực sự hiện đại, hài hòa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, có đặc trưng riêng.

4. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường nội phố, công trình thể thao, văn hoá,... Quản lý, khai thác các khu vực, vị trí có tiềm năng, lợi thế để phục vụ hiệu quả, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đô thị.

Việc xây dựng, lập quy hoạch là trách nhiệm cá nhân và tổ chức về thực hiện quy hoạch, đảm bảo hiệu quả và tính khả thi. Lựa chọn những quy hoạch, kiến trúc đi vào chiều sâu, hướng tới chiến lược về tăng trưởng xanh; quy hoạch không gian đô thị đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn và thân thiện với môi trường…Và để đạt được mục tiêu này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, tiến tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Tháng 8/2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Nhã Nam đến năm 2035 (tỷ lệ 1/5.000). Theo đó, phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Nhã Nam (Tân Yên). Ranh giới nghiên cứu được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp huyện Yên Thế; phía Nam giáp xã An Dương và xã Liên Sơn; phía Đông giáp xã Tân Trung và huyện Yên Thế; phía Tây giáp xã Lan Giới và xã Quang Tiến. Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 559,27 ha.

Thị trấn Nhã Nam là khu hành chính, kinh tế, văn hóa, đô thị, dịch vụ thương mại, nông nghiệp khu vực phía Bắc huyện Tân Yên. Theo định hướng phát triển, không gian đô thị Nhã Nam được định hướng quy hoạch theo hướng phát triển lan tỏa từ không gian đô thị hiện hữu, mở rộng đô thị chủ yếu về phía Đông, phía Tây và một phần về phía Nam; khu vực phía Bắc là không gian phát triển nông nghiệp.

Quy hoạch hệ thống hạ tầng khung gồm các tuyến theo hướng Bắc Nam dọc hai bên quốc lộ 17 để kiến tạo và mở rộng không gian đô thị ở khu vực phía Đông và phía Tây; bổ sung tuyến đường vành đai có hướng phát triển từ khu vực phía Nam lên phía Bắc.

Quy hoạch bổ sung các chức năng quan trọng cấp đô thị như quảng trường trung tâm, công viên phía Tây, trung tâm văn hóa thể thao, các công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ, dịch vụ y tế cấp đô thị ở các cửa ngõ gồm ở phía Đông, phía Tây.

Quy hoạch di dời bến xe Nhã Nam ra khu vực phía Đông quốc lộ 17. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn đầu (đến năm 2027) bao gồm: Tuyến giao thông kết nối từ quốc lộ 17 đi Quang Tiến kết nối vành đai 5; tuyến giao thông song song với quốc lộ 17 ở phía Tây; điều chỉnh hướng tuyến 110 kV theo quy hoạch; xây dựng khu trung tâm thương mại tại sân vận động hiện hữu.

Đầu tư xây dựng khu quảng trường gắn với không gian chùa Tứ Giáp phía Bắc đường tỉnh 294. Các công trình, tổ hợp dịch vụ thương mại; phòng khám đa khoa; xây dựng các khu đô thị mới theo định hướng phát triển của đô thị. Cải tạo nâng cấp, mở rộng các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT.

Công viên cấp đô thị khu vực phía Tây, trung tâm văn hóa thể thao (trong đó có hạng mục sân vận động). Hoàn thiện hệ thống cấp nước khu vực thị trấn; nạo vét các trục mương tiêu thoát chính và cải tạo cảnh quan mặt nước các đầm, ngòi, hồ; trạm bơm tiêu thoát nước. Xây dựng khu xử lý rác, nghĩa trang tập trung ở khu vực phía Đông.

Th.S. KTS Lê Văn Trường
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thiết kế và xây dựng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng, quản lý quy hoạch chung thị trấn Nhã Nam tạo động lực phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.