Thứ sáu, 19/04/2024 08:29 (GMT+7)

Xây dựng thêm công trình trên thửa đất đang thế chấp

MTĐT -  Thứ hai, 15/06/2020 10:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo quy định của pháp luật dân sự thì thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.

Câu hỏi: Vợ chồng tôi hiện nay đang thế chấp thửa đất của gia đình vào Ngân hàng quân đội, theo thông tin trên giấy chứng nhận thì thửa đất có diện tích 80,2m2. Căn nhà 3 tầng trên đất tuy không có trên sổ nhưng cũng thuộc tài sản thế chấp theo hợp đồng thế chấp. Nay, có nhu cầu xây thêm một số công trình phụ trên đất, cho tôi được hỏi tôi có được tự ý xây mà không cần thông báo với ngân hàng không?

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Theo quy định của pháp luật dân sự thì thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Hiện nay, bạn đang thế chấp nhà, đất cho tổ chức tín dụng là ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, do có nhu cầu về việc xây dựng thêm một số công trình phụ trên đất mà bạn đang đắn đo có phải thông báo cho phía Ngân hàng (bên nhận thế chấp) hay không thì căn cứ vào Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên thế chấp:

Điều 321. Quyền của bên thế chấp

  1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
  2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.”

Do đó, nếu việc xây dựng mà làm tăng giá trị của tài sản thế chấp (Nhà, đất) thì bạn có thể thực hiện mà không cần thông báo cho phía ngân hàng.

Hơn nữa, Điều 27 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định Bên nhận thế chấp không được hạn chế bên thế chấp đầu tư để làm tăng giá trị tài sản đó. Trong trường hợp bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp và dùng phần tài sản tăng thêm do đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì giải quyết như sau:

+/ Trường hợp phần tài sản tăng thêm có thể tách rời khỏi tài sản thế chấp mà không làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp so với giá trị của tài sản đó trước khi đầu tư thì các bên nhận bảo đảm có quyền tách phần tài sản mà mình nhận bảo đảm để xử lý.

+/ Trường hợp phần tài sản tăng thêm do đầu tư không thể tách rời khỏi tài sản thế chấp thì tài sản thế chấp được xử lý toàn bộ để thực hiện nghĩa vụ. Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định theo thời điểm đăng ký.

Tuy nhiên, trước khi xây dựng bạn cần thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Xây dựng để đảm bảo đúng quy định về xây dựng.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, phường Văn Quán, Q.Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]
Bạn đang đọc bài viết Xây dựng thêm công trình trên thửa đất đang thế chấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.