Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Thừa Thiên-Huế đang ra sức vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, khẩn trương thực hiện hiệu quả các kế hoạch, giải pháp để xây dựng, phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Thừa Thiên-Huế được biết đến là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”. Do đó, quá trình phát triển thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản, giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương, giữ được các thương hiệu mà tỉnh đã dày công xây dựng và định vị.
Bên cạnh đó, với diện tích tự nhiên tương đối lớn (hơn 5.000km2), để phát triển đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 lên đến gần 180.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Nhà nước được xác định khoảng 30.000 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và dân cư vào khoảng 60.000 tỷ đồng.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án quan trọng gồm quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên-Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; đề án phân loại đô thị Thừa Thiên-Huế trực thuộc Trung ương, bao gồm phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên-Huế; xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia; đề án khu công nghệ cao Thừa Thiên-Huế.
Đặc biệt, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển đô thị như tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, hạ tầng khu đô thị mới Thuận An. Ngoài ra, đã có nhiều dự án, công trình trọng điểm được tỉnh khởi công xây dựng như khởi công khu công nghiệp Gilimex quy mô hơn 460ha tại thị xã Hương Thủy với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng; khởi công trung tâm thương mại Aeon Mall Huế tại khu đô thị mới An Vân Dương (phường An Đông, TP Huế) có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng…
Với mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến tỉnh sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Theo đó, sẽ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của TP Huế từ 29 phường, 7 xã còn lại 32 phường, chia thành 2 quận. Quận phía Bắc gồm 13 phường, quận phía Nam gồm 19 phường. Đối với phương án lựa chọn tên gọi chung cho thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa ra 2 phương án, thứ nhất là tên gọi “Thành phố Huế” và phương án hai là “Thành phố Thừa Thiên-Huế”.
Từ đầu tháng 1/2023, tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến người dân qua mạng internet về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 2 tháng triển khai, đến ngày 9/3, đã có hơn 36.000 lượt bình chọn cho các phương án về thành lập các đơn vị hành chính, tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương, tên gọi các đơn vị hành chính quận phía Nam sông Hương và quận phía Bắc sông Hương. Về tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong tổng số 8.900 lượt bình chọn có 87,8% chọn phương án tên gọi “Thành phố Huế”; 11,7% chọn phương án tên “Thành phố Thừa Thiên - Huế” và 0,4% chọn phương án khác.
Tên gọi “Thành phố Huế” được các nhà nghiên cứu, học giả ủng hộ xét trên nhiều bình diện tại hội thảo quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế và phương án mô hình các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức trước đó. Theo các nhà nghiên cứu, học giả, việc đặt tên gọi “Thành phố Huế” khi tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thuận lợi trong quá trình xây dựng thương hiệu.