Thứ tư, 24/04/2024 18:03 (GMT+7)

Xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL

MTĐT -  Thứ sáu, 28/04/2023 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Ngày 27/4, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

Nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang xây dựng 3 kịch bản phát triển, tỉnh lựa chọn phát triển theo kịch bản 2 - tăng trưởng tích cực.

Theo đó, mục tiêu đến đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 10 - 12%/năm, hoặc cao hơn trung bình cả nước và vùng khoảng 1%. Cân đối được thu, chi ngân sách, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn Trung ương hỗ trợ.

Xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Quy hoạch là cơ hội để tỉnh Hậu Giang nhận diện, xác định lại các điểm nghẽn, phát triển tỉnh xứng tầm trở thành một trong những trung tâm động lực của Vùng. Ảnh: Đức Trung

Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp đóng góp trên 40% GRDP và tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP giảm xuống dưới 15%.

Tăng dần tỷ suất nhập cư và hướng tới trở thành một địa phương có tỷ suất nhập cư thuần dương.

Bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình được cải thiện mạnh mẽ, phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất vùng ĐBSCL.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước. Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 7%/năm từ nay đến 2050.

GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 30.000 USD/người/năm, đạt ngưỡng các nước thu nhập cao theo phân loại hiện nay của Ngân hàng Thế giới. Cơ cấu kinh tế hiện đại với đóng góp của khu vực dịch vụ tăng lên trong GRDP; tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn dưới 10%.

Cân đối được thu, chi ngân sách một cách bền vững, đủ nguồn lực đầu tư cho phát triển và an sinh xã hội. Trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng của vùng ĐBSCL.

Sản xuất nông nghiệp theo phương thức hiện đại; nông nghiệp xanh, phát triển nông nghiệp gắn với phục hồi hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Quy mô dân số đạt khoảng 1 triệu người vào năm 2050. Các vùng đô thị được mở rộng, hài hòa và không tạo ra khoảng cách thu nhập quá lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm

Để hiện thực hóa mục tiêu, Quy hoạch tỉnh xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển. Trong đó, định hướng chiến lược: “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm”, trên 3 mặt chiến lược không gian, chiến lược kinh tế và chiến lược quản lý.

Cụ thể, Một tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn.

Hai tuyến là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.

Ba thành - ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị: TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

Bốn trụ là phát triển 4 trụ cột là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng cao.

Với Năm trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Hậu Giang với kết quả 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh khẳng định, trên cơ sở các ý kiến góp ý chi tiết, sâu sắc của các thành viên Hội đồng, đặc biệt là đối với việc xây dựng các kịch bản phát triển, lựa chọn phương án phát triển - một trong những trăn trở, khát vọng phát triển của tỉnh, Hậu Giang sẽ tiếp tục rà soát, sớm hoàn thiện các nội dung, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tuấn Đông/tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.