Thứ sáu, 29/03/2024 20:10 (GMT+7)

Xây nhà hát 1.500 tỷ, hãy nghe dân muốn gì?

MTĐT -  Thứ tư, 10/10/2018 17:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người ta lo “ăn no mặc ấm” rồi mới tính đến “ăn ngon mặc đẹp”. Hiện nhu cầu thực tiễn tối thiểu của người dân TP còn chưa đáp ứng đủ thì một công trình lớn mang tính biểu tượng là chưa hợp lý.

UBND TP. HCM vừa trình HĐND thành phố chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Nhà hát được xây với quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thành phố đánh giá công trình này thật sự cần thiết và cấp bách, là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của địa phương, cần cho người dân.

Trao đổi với báo chí, nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP. HCM cho hay, tới thời điểm này TP mới thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) đã là quá trễ.

Theo ông Thạch, chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng đã có hơn 20 năm trước. Vào năm 1993, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP. HCM (HBSO) được thành lập.

Năm 1999, TP dự kiến xây nhà hát tại số 23 Lê Duẩn, quận 1. Tuy nhiên địa điểm được chọn không phù hợp.

Cuối năm 2012, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương xây nhà hát trong Công viên 23/9, quận 1. Đơn vị tư vấn thiết kế là 1 công ty của Đức. Dự kiến cuối 2015 công trình sẽ được đưa vào sử dụng.

Nhiều ý kiến không đồng tình với việc xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ.

“Thời điểm đó đã có bản vẽ thiết kế của công ty Đức, TP bước những bước quan trọng để xây dựng nhà hát nhưng sau lại không làm được vì nhiều lý do, trong đó có lý do công viên 23/9 là lá phổi xanh của TP, nếu xây dựng nhà hát sẽ phá vỡ kiến trúc ở đây” – ông Trần Vương Thạch cho biết.

Theo ông Thạch, với nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân TP thì việc xây dựng nhà hát là rất bức thiết.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP. HCM khoá IX diễn ra vào ngày 8/10, Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định tầm quan trọng của dự án này với TP. Theo bà, dự án nhà hát, rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố. Bà khẳng định đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc.

Cũng tại kỳ họp, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự ủng hộ việc xây dựng nhà hát nghìn tỷ để phục đời sống tinh thần của nhân dân TP. HCM.

Tuy nhiên, sau khi chủ trương đầu tư Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm được thông qua đã dấy lên 2 luồng dư luận trái chiều, trong đó có ý kiến về việc đền bù, hỗ trợ cho người dân với sai phạm của TP khi thực hiện dự án Thủ Thiêm, nhiều người cũng đặt câu hỏi cho sự “bức thiết” mà dự án này đem đến.

Nhiều người cho biết, họ không mong chờ nhà hát này bằng việc có thêm trường học, bệnh viện. Nhiều trường công đã từ chối nhận trẻ đến trường vì quá tải. Bệnh viện Nhi đồng vào mùa dịch bệnh, các bệnh nhi phải nằm chồng lên nhau để chữa bệnh.

Họ cũng mong chờ TP giải quyết nạn tắc đường, ngập lụt mỗi khi mưa to hay triều cường, mong chờ một bầu không khí bớt ô nhiễm hơn là một nhà hát tầm cỡ.

Trao đổi với báo Thanh niên, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM) cho biết ông cảm thấy không hào hứng đối với thông tin thành phố sẽ bỏ ra một số tiền lớn như vậy để xây nhà hát tại khu vực Thủ Thiêm.

Ông Ninh nhận xét xung quanh khu đô Thủ Thiêm hiện vẫn là vùng nông thôn, chưa phải là khu đô thị sầm uất với nền kinh tế cho phép người dân có thu nhập cao hướng đến các hoạt động vui chơi hưởng thụ. Còn đối với các khu dân cư ở vùng khác, đường sang quận 2 hiện nay chưa đảm bảo nhu cầu giao thông hiện hữu, thường xuyên ách tắc, ngập lụt nên cũng hạn chế người dân qua xem ca nhạc.

TP.HCM hiện đã có Nhà hát Thành phố. Ảnh: Thanh niên. 

Ông Ninh chia sẻ: “Bản thân tôi là người rất yêu thích âm nhạc nhưng nếu xây nhà hát xa khu trung tâm thế thì tôi cũng sẽ không lặn lội đi. Chưa kể thể loại nhạc thính phòng chưa phải là nhu cầu phổ thông cho đại đa số người dân trong thành phố hay đa số khách du lịch đến Việt Nam hiện nay (chủ yếu là khách Trung Quốc). Nói thế để thấy, không có cầu mà tự nhiên đem cung là vô cùng lãng phí, bất hợp lý”.

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh thêm rằng người ta lo “ăn no mặc ấm” rồi mới tính đến “ăn ngon mặc đẹp”. Hiện nhu cầu thực tiễn tối thiểu của người dân thành phố còn chưa đáp ứng đủ, đường xá, cầu cống, bệnh viện quá tải không có tiền mở rộng, nâng cấp mà đã lo xây một công trình lớn mang tính biểu tượng để lấy tiếng thơm là chưa phù hợp.

“1.500 tỉ không phải số tiền nhỏ. Thành phố nên sử dụng cho những việc cần làm ngay, đó là đầu tư cho các nhu cầu thực tiễn, cải thiện, nâng cấp đời sống của người dân. Khi đời sống chưa thái bình thì chưa nên nghĩ đến hưởng thụ, nếu không muốn bị đánh giá là hám danh”, ông Lê Ninh đề xuất.

Dẫu biết, bên cạnh đời sống vật chất cũng phải lo đến đời sống tinh thần cho người dân. Thế nhưng với một thành phố còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết như TP. HCM thì nhà hát nghìn tỷ để nghe nhạc giao hưởng liệu có phải là nhu cầu bức thiết?

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Xây nhà hát 1.500 tỷ, hãy nghe dân muốn gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới