Thứ năm, 18/04/2024 08:46 (GMT+7)

Xe nhập ”vượt ải”, thị trường ôtô Việt ngay lập tức khởi sắc trở lại

MTĐT -  Thứ ba, 10/04/2018 16:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo bán hàng mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, doanh số toàn thị trường trong tháng 3/2018 đạt 21.127 chiếc, tăng 70% so với tháng trước đó.

Trong đó, số lượng xe du lịch được bán ra là 12.858 chiếc, tăng 48%; 6.949 xe thương mại và 1.320 xe chuyên dụng được trao tay khách hàng, tăng 109% và 222%.

Đặc biệt, trong tháng 3, sản lượng bán ra của cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đều tăng mạnh. Cụ thể, sản lượng của xe lắp ráp trong nước (CKD) đạt 18.777 xe, tăng 76% và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) là 2.350 xe, tăng 37% so với tháng trước đó.

Điều này có thể lý giải là do Nghị định 116 siết chặt nhập khẩu ô tô về Việt Nam, khiến hầu hết các hãng không có xe nhập để bán trong 3 tháng đầu năm 2018. Ô tô nhập khẩu không có hàng để bán tạo cơ hội thuận lợi cho xe lắp ráp trong nước lên ngôi về doanh số.

Các hãng có sự tăng trưởng, Toyota bán ra thị trường 4.500 xe, Thaco bán được 8.548 xe, Honda bán được 1.311 xe, trong đó hãng xe sang Lexus không bán được chiếc nào.

Thị trường ô tô Việt Nam kết thúc chuỗi ngày ảm đạm. 

Toyota ăn nên làm ra nhờ xe lắp ráp

Đáng chú ý, “ông lớn” Toyota có thế mạnh về các dòng xe nhập khẩu, nhưng trong tháng 3 vừa qua lại bán ra chủ yếu với các mẫu xe lắp ráp trong nước với 4.469 xe, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số dòng xe lắp ráp của hãng này được khách hàng tìm đến nhiều trong tháng qua phải kể đến Vios, Corolla Altis, Camry và Innova.

Trong đó, mẫu xe Vios vẫn luôn dẫn đầu phân khúc xe du lịch của TMV với 2.240 xe được bán ra trong tháng 3, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai mẫu xe lắp ráp trong nước khác cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan với 442 xe Corolla Altis được bán ra thị trường (tăng 14%), và 365 xe Camry đã đến tay người dùng (tăng 29%).

Ở phân khúc xe thương mại, Toyota Việt Nam cũng đã giao được 1.469 xe Innova đến tay người dùng trong tháng 3 vừa qua, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017.

Toyota Vios vẫn luôn nằm trong top xe bán chạy nhất thị trường.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại hãng này mới bán được vỏn vẹn 4 chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng trước.

Ngoài ra, Toyota Việt Nam cũng công bố kết quả kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2018 với số lượng xe được bán ra thị trường đạt khoảng 12.469 xe (không bao gồm dòng xe Lexus), giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng dòng xe lắp ráp trong nước đã bán được 12.235 xe, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thaco hưởng lợi lớn từ Nghị định 116

Trong khi đó, một "ông lớn" khác là Trường Hải Thaco cho biết, doanh số bán hàng của hai dòng xe chủ lực là Kia và Mazda tăng mạnh trong những tháng đầu năm.

Theo tiết lộ từ Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), trong quý I/2018, Kia Việt Nam đã bán được hơn 7.000 xe, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, Kia Morning là mẫu xe đạt doanh số cao nhất với 3.200 xe, theo sau là mẫu sedan cỡ trung Cerato với 2.600 xe. Bộ ba loại xe 7 chỗ Sorento, Sedona và Rondo đạt gần 2.000 xe.

Nhờ đó, Kia Morning và Kia Cerato tiếp tục là hai mẫu xe nằm trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất cả nước trong quý vừa qua, theo thống kê của Hiệp Hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA).

Mazda của Thaco lần lượt vượt qua các đối thủ khác trở thành một trong những dòng xe được ưa chuộng nhất hiện nay.

Không chỉ vậy, Thaco còn liên tục gặt hái thành công ở dòng xe Mazda, chỉ trong quý I/2018, Mazda Việt Nam bán được 3.372 xe CX-5 trong khi doanh số của CX-5 năm 2017 cũng chỉ có 9.017 xe. Với việc tăng trưởng không ngừng qua từng năm, CX-5 vẫn đang thống trị thị trường CUV (lai giữa SUV và Sedan) 5 chỗ tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ VAMA, năm 2014, doanh số của Mazda CX-5 lần đầu vượt Honda CR-V trong phân khúc CUV, với việc bán ra 2.931 xe.

Với việc thị trường ô tô trong nước khan hiếm xe trong một thời gian dài đã giúp Thaco bán được rất nhiều xe trong quý I/2018.

Tuy nhiên, với khoảng gần 5.000 chiếc ô tô đang chuẩn bị cập bến và sắp tung ra thị trường Việt Nam trong vài tháng tới, Thaco tiếp tục đối mặt với áp lực cạnh tranh từ xe nhập khẩu sẽ có giá rẻ hơn nhờ thuế nhập khẩu về 0%.

Honda kết thúc chuỗi ngày kinh doanh èo uột

Một dòng xe hút khách khác tại Việt Nam là Honda, sau một thời gian dài kinh doanh èo uột với chỉ 13 chiếc ô tô CR-V bán ra trong tháng 2/2018 cũng đã ghi nhận sự trở lại của dòng xe chủ lực này khi số lượng bán ra trong tháng trước đã tăng lên tới 413 chiếc.

Vào đầu tháng 3 năm nay, Honda bất ngờ nhập về Việt Nam hơn 2.000 chiếc ô tô miễn thuế đầu tiên với bốn mẫu khác nhau gồm Jazz, Accord, CR-V và Civic sau khi liên tục kêu ca không thể nhập xe về do vướng các quy định trong Nghị định 116, đặc biệt là quy định về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Chỉ đúng 2 tuần sau đó, hơn 1.000 chiếc thuộc lô hàng này đã được thông quan thành công tại cảng Hiệp Phước, TP. HCM.

Honda là hãng xe nhập đầu tiên được "thông ải" Nghị định 116.

Như vậy, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy một bức tranh sáng sủa hơn cho thị trường ô tô Việt, đặc biệt với sự trở lại của ô tô nhập khẩu sau một thời gian dài.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong tháng 1/2018 chỉ có 340 chiếc ô tô các loại được nhập về Việt Nam, tháng 2/2018 là 200 chiếc trong khi có tới gần 5.000 chiếc được nhập về trong tháng vừa qua.

P.V (tổng hợp theleader, xegiaothong)

Bạn đang đọc bài viết Xe nhập ”vượt ải”, thị trường ôtô Việt ngay lập tức khởi sắc trở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.