Thứ sáu, 29/03/2024 13:06 (GMT+7)

Xén dải phân cách đường vành đai 3 lại là giải pháp tình thế!

MTĐT -  Thứ năm, 08/02/2018 10:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương xén dải phân cách đường vành đai 3 để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây chỉ là giải pháp tình thế và cần phải cân nhắc thật kỹ.

Gần 70 tỷ đồng để xén 8km dải phân cách

Theo đó, dải phân cách giữa trên đường Khuất Duy Tiến, đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Trãi đến nút giao đường Trần Duy Hưng (gần 2 km), sẽ được thu hẹp từ 1 - 5 m; đảm bảo bề rộng mặt đường mỗi chiều từ 12 - 20 m; tổng mức đầu tư dự kiến trên 12 tỷ đồng lấy từ ngân sách thành phố; thời gian thực hiện trong năm 2018.

Lãnh đạo Sở Giao thông cho hay, tuyến đường Vành đai 3 hiện là một trong những trục đường huyết mạch của Hà Nội, đi qua địa bàn các quận, huyện: Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm.

Đường vành đai 3 tắc từ trên xuống dưới trong những giờ cao điểm.

Tuyến vành đai 3 có lưu lượng phương tiện rất lớn, áp lực giao thông ngày càng tăng, thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm. Do đó, Sở Giao thông đã đề xuất thành phố thực hiện nhiều biện pháp giảm ùn tắc, trong đó có xén dải phân cách giữa, mở rộng lòng đường Vành đai 3 dưới thấp.

Việc xén đường được chia thành 3 đoạn: Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Vành đai 3 đoạn từ Cầu Dậu đến nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Vành đai 3 đoạn từ nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đến nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng và Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Vành đai 3 đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đến nút giao Mai Dịch.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, tổng chiều dài dự án khoảng 8km; mức đầu tư theo khái toán ban đầu là gần 70 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí dự phòng; sử dụng nguồn ngân sách TP trong chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Có giảm được ùn tắc?

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội phải xén đường với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông. Trước đó, việc xén đường cũng đã được làm với đường Nguyễn Chí Thanh. Để có đất cho giao thông, dải phân cách rộng 16m với cây xanh được trồng đẹp như một khu vườn mát mẻ và đẹp mắt giữa tuyến đường Nguyễn Chí Thanh đã bị gọt đi chỉ còn khoảng hơn 4,4m.

Tuy nhiên, điều khó hiểu ở chỗ để giảm ùn tắc giao thông, TP Hà Nội đã phải gọt đi dải phân cách nhưng theo quy hoạch đô thị thì tuyến đường này lại được phép xây chung cư cao tới 50 tầng. Cụ thể, đầu tháng 11/2017, UBND TP Hà Nội có Quyết định phê duyệt đồ án Thiết kế đô thị hai bên đường vành đai 3, tỷ lệ 1/500 (đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển).

Theo đồ án Thiết kế đô thị hai bên đường vành đai 3, tỷ lệ 1/500 đoạn đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển được phê duyệt có chiều dài khoảng 4,22km tại một số khu vực được phép xây dựng công trình cao tối đa tới 50 tầng.

Giao thông tại vàng đai 3 như vỡ trận".

Với quyết định này của UBND TP Hà Nội đã nhận được những tranh cãi trái chiều, đa số nhiều người cho rằng, việc xén dải phân cách như vậy cũng không thể cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra tại đây. Bởi lẽ ai cũng hiểu rằng, tắc đường là do rất nhiều nguyên nhân.

Anh B. V. Bình (Dương Nội, Nam Từ Liêm) cho rằng, với dải phân cách giữa rất rộng dưới gầm cầu vành đai 3, sẽ có thêm làn đường mỗi chiều cho các phương tiện đi xuống. Nhưng anh Bình cũng khá bi quan khi cho rằng, việc xén dải phân cách đường vành đai 3 chỉ là giải pháp tình thế “giật gấu vá vai”, rất khó giải quyết ùn tắc ngay cho đoạn giao Nguyễn Trãi - Trần Duy Hưng.

Theo một chuyên gia giao thông, cách đây 3 - 4 năm, vành đai 3 vẫn được xem là tuyến đường vùng ven vắng bóng xe qua lại. Nhưng hiện nay, đây lại là một trong những tuyến đường ùn tắc kinh hoàng, lý do rất dễ thấy khi trục đường này đang phải gánh hàng chục khu chung cư cao tầng đã và đang mọc lên rải khắp dọc tuyến từ Nguyễn Xiển đến Phạm Hùng.

“Thảm cảnh” của đường vành đai 3 cũng là số phận của hàng loạt tuyến đường vừa mở đã ùn tắc như Lê Văn Lương, Tố Hữu và tương lai của nhiều tuyến đường khác tại Hà Nội.

“Hà Nội buộc phải xén phân cách để tạo thêm làn, nếu không thì ùn tắc ở tuyến vành đai 3 không thể cứu vãn nổi trong 1-2 năm tới”, chuyên gia này nhìn nhận.

Không có giải pháp nào khác

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia ngành giao thông khẳng định, việc xén dải phân cách là giải pháp tình thế nhưng cần thiết trong bối cảnh đường Hà Nội hẹp,  mật độ giao thông tăng, nhà cao tầng đua nhau mọc lên, vì thế không có cách nào khác là phải xén bớt vỉa hè, dải phân cách.

Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới giải pháp này chính là do sự yếu kém trong tầm nhìn, quy hoạch.

“Đáng lý ra những con đường đó phải làm rộng hơn, nhưng bởi tầm nhìn kém nên người ta cứ nghĩ rằng đường như vậy là đủ rộng. Ngoài ra, lợi ích nhóm, tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện - có thể khi quy hoạch thì đường rộng nhưng khi làm thì người ta lại xén bớt đi.

Tôi đi nhiều nước, thấy đường trung tâm của họ rất rộng, có những đường 50m, thậm chí 70-80m, có cảm giác người đi đường đi giữa công viên bởi cây xanh rất nhiều, đường rất rộng nên không ùn tắc”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Vành đai 3 luôn nằm trong tình trạng kẹt cứng.

Lo ngại về việc xén dải phân cách có đảm bảo an toàn cho tuyến đường cao tốc trên cao hay không, PGS. TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Đại học GTVT nói: “Dải phân cách đó trên đường vành đai 3 trước đây để bảo vệ trụ cầu và để đảm bảo ô tô không đi vào phía dưới gầm cầu. Nếu chứng minh rằng cái đó đủ tĩnh không, tức đủ chiều cao thì hoàn toàn có thể mở”.

Theo ông, việc xén dải phân cách tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra mất khá nhiều công đoạn và chi phí tốn kém.

“Khi xén dải phân cách không phải chỉ bó vỉa vào bên trong là thêm được một làn đường. Nó có khó khăn là phải làm lại toàn bộ kết cấu mặt đường. Chưa kể, có thể còn phải di dời các công trình ngầm. Trước đây, khi là dải phân cách thì người ta có thể đặt công trình nằm dưới như thoát nước, điện..., giờ thành đường thì phải di dời vào trong”, ông Toản phân tích thêm.

P.V (tổng hợp theo ĐVO, LĐO, TNO)

Bạn đang đọc bài viết Xén dải phân cách đường vành đai 3 lại là giải pháp tình thế!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới