Thứ năm, 28/03/2024 19:15 (GMT+7)

Xót xa cảnh chị công nhân thâu đêm bán sức trong dịch Covid-19 cứu chồng

MTĐT -  Thứ sáu, 03/09/2021 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đêm về khuya, bóng người phụ nữ đổ dài dưới ánh đèn vàng, tiếng chổi tre "loẹt quẹt" khô khốc, chị công nhân ấy kể, ở nhà chồng chị bệnh nặng lắm mà chẳng có tiền đưa đi viện.

TP Cần Thơ những ngày giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19, các con phố càng trở nên vắng lặng. Thỉnh thoảng ánh đèn xe cứu thương quét loang loáng, hắt vào từng cánh cửa im lìm của các nhà dân bên đường. Dưới làn sương mờ mờ của ánh đèn vàng phố thị, bóng chị công nhân đổ dài cùng những tiếng chổi tre "loẹt quẹt" khô khốc miết trên mặt đường.

Tôi gặp chị Lan vào cái đêm như thế ở TP Cần Thơ, khi đi tìm hiểu về cuộc sống của những người dân lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Xót xa cảnh chị công nhân thâu đêm bán sức trong dịch Covid-19 cứu chồng - 1
Chị Lan kể, đêm nào cũng vậy, chị và con trai đi làm từ 19h cho đến 2h sáng mới về tới phòng trọ. Chị cố gắng dành dụm tiền để gửi về quê mua thuốc cho chồng giảm đau... còn chẳng biết bao giờ mới có đủ tiền đưa chồng đến viện. Tâm sự với chúng tôi, chị Lan nghẹn ngào bật khóc.

Chị Lan quét rác, còn cậu bé, con trai chị thì đến từng thùng tìm kiếm những vỏ nhựa, vỏ lon bia... để tranh thủ gom về bán. Tâm sự với chúng tôi, chị Lan bật khóc... ở quê, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, chẳng có tiền đến viện.

Chị Võ Ngọc Lan, (37 tuổi, ngụ tại ấp Tân Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), là công nhân ca đêm, phụ trách quét dọn rác trên các đường phố ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, thuộc công nhân vệ sinh của Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhiều đồng nghiệp phải tạm nghỉ vì bị cách ly, phong tỏa, công ty thiếu người nên ngoài ca làm đêm thì chị xin làm thêm cả ca ngày để có thêm thu nhập.

Chị Lan kể, chị nhận cả việc phụ trách dọn rác trong những khu cách ly, phong tỏa. Chị bảo, cũng biết nguy hiểm lắm, nhưng thực hiện đầy đủ biện pháp "5K" trong phòng, chống dịch nên đỡ sợ hơn.

Xót xa cảnh chị công nhân thâu đêm bán sức trong dịch Covid-19 cứu chồng

Chị Lan cho biết, ba mẹ chị mất khi chị còn nhỏ, đủ tuổi lao động thì chị được người quen xin cho đi làm công nhân môi trường rồi bám trụ từ đó đến nay. Ở trong công ty, chị nên duyên với anh Trần Quang Nhựt. 2 người đã có với nhau, 4 đứa con, dù nghèo nhưng gia đình khi nào cũng đầm ấm, đầy ắp tiếng cười.

Nhưng rồi 3 năm trước, anh Nhựt bỗng lên cơn đau đầu dữ dội, đi khám mới biết là bị u não. Bác sĩ thông báo, số tiền chi phí cho ca phẫu thuật là khoảng 50 triệu đồng.

Một số tiền quá lớn đối với đồng lương còm cõi của vợ chồng anh chị, chẳng thể xoay xở đâu ra tiền, anh Nhựt đành ngậm ngùi bảo vợ xin về nhà phó mặc số phận cho ông trời.

Xót xa cảnh chị công nhân thâu đêm bán sức trong dịch Covid-19 cứu chồng - 2
Cậu bé Võ Quang Thịnh (14 tuổi), đôi mắt đỏ hoe, em kể mấy tháng hè em cũng tranh thủ theo mẹ lên Cần Thơ đi gom rác. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn, mấy lần em xin bố mẹ cho nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp gia đình, nhưng mẹ em không cho nghỉ học.

Kể từ đó, cơm áo cho 4 đứa con, thuốc men cho chồng một mình đôi vai gầy chị Lan gánh vác mà cũng chẳng đủ ăn chứ chưa nói gì đến việc có thêm vài chục triệu đồng để đưa chồng đi phẫu thuật.

Chị Lan chia sẻ, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, hàng ngày, cứ sáng sớm chị lại đi từ quê lên Cần Thơ làm, tối về Hậu Giang. Nhưng thời điểm này, vì dịch nên 2 tháng nay chị phải thuê trọ ở lại. Chồng ở quê đành phải để các con chăm sóc.

Xót xa cảnh chị công nhân thâu đêm bán sức trong dịch Covid-19 cứu chồng - 3
Xót xa cảnh chị công nhân thâu đêm bán sức trong dịch Covid-19 cứu chồng - 4
Chiếc xe cà tàng đồng hành cùng chị Lan suốt năm này, tháng nọ chở không biết bao nhiêu tấn rác vì cuộc sống mưu sinh.

Nhờ tăng ca và cộng cả tiền bán ve chai mỗi tháng chị Lan kiếm được hơn 4 triệu đồng. Nhưng giờ đây lại mất thêm tiền trọ, làm cực mà cũng chẳng dám ăn, mỗi tháng chị Lan phải co kéo để có đủ 3 triệu đồng gửi về cho chồng mua thuốc.

Để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình chị Lan, chúng tôi tìm về gia đình chị, chứng kiến cảnh người chồng da dẻ vàng vọt, xanh xao bước đi từng bước chậm chạp do căn bệnh u não đang hành hạ 3 năm nay.

Cũng vì có bệnh mà không có tiền đi bệnh viện để điều trị nên anh Nhựt bị biến chứng dẫn tới xuất huyết não, hở van tim, men gan cao.

Anh Nhựt buồn rầu tâm sự: "từ ngày bị căn bệnh u não, những cơn đau nhức khủng khiếp hành hạ. Thế nhưng, mỗi bữa tôi chỉ ăn được nửa chén cơm rồi uống thuốc để giảm đau. Cứ lê bước được chừng vài trăm mét đã tức ngực, có lần tôi đi mần cỏ mướn để kiếm tiền nhưng làm được chừng 30 phút là mệt thở không nổi, chút nữa là ngất xỉu".

Theo lời anh Nhựt, vợ chồng lấy nhau từ cảnh nghèo khó, rồi sinh 4 đứa con, bao năm nay vợ chồng, con cái vẫn phải nương nhờ ông bà.

Ngồi bên cạnh cha, Cẩm Tiên, con gái đầu lòng của anh Nhựt chia sẻ, những ngày mẹ ở trong tâm dịch Covid-19 tại TP Cần Thơ, em thay mẹ chăm sóc bệnh tình cho cha.

Cô gái kể: "cha hay lên cơn động kinh, co giật. Lúc đó em chỉ biết chạy ra ngoài tri hô nhờ mấy cô, mấy cậu xung quanh giúp đỡ. Em rất sợ...".

Xót xa cảnh chị công nhân thâu đêm bán sức trong dịch Covid-19 cứu chồng - 5
Lấy nhau có tới 4 mặt con nhưng vợ chồng anh Nhựt vẫn phải nương nhờ bố mẹ. Những ngày này, con gái lớn thay mẹ chăm sóc cơm nước, thuốc men cho cha.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lưu Việt Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ cho biết, chị Võ Ngọc Lan làm việc ở bộ phận quét đường ban đêm thuộc Đội Ninh Kiều.

Chị Lan là hoàn cảnh vô cùng khó khăn trong công ty. Vì vậy, công ty luôn tạo điều kiện để chị có thể làm thêm tăng thu nhập. Về phía Công ty cũng có những trợ cấp, tuy nhiên phần trợ cũng không thấm vào đâu so với hoàn cảnh ngặt nghèo của Chị Lan.

"Qua báo Dân trí mong các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, giúp đỡ, ủng hộ gia đình chị Lan vượt qua nghịch cảnh, chồng chị Lan có tiền chữa bệnh và các con có tiền ăn học", ông Chiến bày tỏ.

Bạn đang đọc bài viết Xót xa cảnh chị công nhân thâu đêm bán sức trong dịch Covid-19 cứu chồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Dân Trí

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".
Ninh Thuận: Những người hùng thầm lặng
Từng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, đến nay, nhờ sự chung tay của nhóm thiện nguyện bảo vệ môi trường, người dân địa phương và khách du lịch, vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) ngày càng trở nên xanh – sạch – đẹp.
Bông hồng Thành phố
20 năm trôi qua, thấp thoáng trong ánh mắt hiền hòa của chị Lê Thị Thuỳ Tân là những câu chuyện về hành trình vất vả, nhưng đầy lòng tự hào.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.