Thứ sáu, 19/04/2024 06:24 (GMT+7)

Xử lý cặn dầu đổ trộm vào nước sạch có thể lên 50 triệu đồng/m3

MTĐT -  Thứ năm, 24/10/2019 09:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo đại diện một Công ty môi trường ở Hà Nội, việc xử lý dầu cặn vô cùng phức tạp, chi phí có thể lên tới 50 triệu/m3?

Liên quan đến việc xử lý dầu thải xuống nguồn nước sạch sông Đà, mới đây, trao đổi với báo Tiền phong, đại diện một Công ty môi trường ở Hà Nội được cấp phép xử lý dầu thải cho biết, giá xử lý dầu thải thông thường dao động từ 6.000-7.000 đồng/lít (tương đương 6-7 triệu đồng/m3).

“Còn đối với cặn dầu thì việc xử lý vô cùng phức tạp, thông thường chúng tôi không nhận xử lý những loại cặn dầu như vậy”, đại diện đơn vị nêu.

Theo một đơn vị xử lý môi trường khác thì cặn dầu là loại đã qua rất nhiều lần lọc để tái sử dụng, đến cặn là không thể chưng cất được nữa. Về xử lý có thể lên đến 50 triệu/m3. Nếu xử lý theo phương án đốt cũng rất hại lò, nên phải kỳ công đốt từng chút một.

Liên quan đến vụ việc, ngày 23/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam hai tháng đối với ba đối tượng thực hiện hành vi xả chất thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà. Các bị can gồm: Lý Đình Vũ (1982), Nguyễn Chương Đại (1994, cùng trú Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (1986, trú Lạng Sơn) đã bị bắt về tội "Gây ô nhiễm môi trường", theo Khoản 2, Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo kết quả điều tra, Lý Đình Vũ khai anh ta quen Nguyễn Thị Huyền Trang (31 tuổi, con gái và là trợ lý Giám đốc Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở tỉnh Phú Thọ). Trong một lần trò chuyện, Trang nói công ty này có chất thải là dầu cặn nên muốn thuê Vũ đi đổ giúp với giá 7 triệu đồng.

Sau khi nhận lời, ngày 6/10, Vũ thuê Đại và Thám đi xe tải từ Bắc Ninh đến công ty trên để bơm dầu thải vào 10 thùng có tổng dung tích khoảng 10 m3. Sau đó, 2 người này di chuyển hơn 110 km về Công ty cơ khí cao su K90 ở xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên để gửi xe.

Ngày 8/10, Vũ cùng đồng phạm đi 2 ôtô đến khu vực vắng người ở xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để đổ dầu thải rồi bỏ trốn.

Tại biên bản kiểm tra ngày 19/10, của Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cũng nêu, từ năm 2012 Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà được Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Thọ chấp thuận cho vận hành 2 dây chuyền sử dụng nhiên liệu từ chiết xuất săm lốp cao su thải thay thế khí hóa than. Thậm chí, việc Cty áp dụng công nghệ này còn được Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam tuyên truyền như một sự cải tiến công nghệ.

Cũng tại biên bản kiểm tra ngày 19/10 của Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), Trung tâm kiểm định môi trường (thuộc Cục Cảnh sát Môi trường) đã thu các mẫu chất lỏng có màu đen tại các thùng được đại diện Cty CP Gốm sứ Thanh Hà xác định là chất thải còn lại và cùng loại với chất thải mà Lý Đình Vũ chở ra khỏi Cty này vào ngày 7/10. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu này.

Trong khi đó, trao đổi với báo Tiền Phong, một chuyên gia hóa học, chế tạo (xin giấu tên) xác nhận: Công nghệ này nung lốp cao su phế thải để thu dầu FO - R làm nhiên liệu đốt được sử dụng cho các nhà máy gạch men, xi măng... Ngoài ra, công nghệ này còn thu được than carbon, khí gas, thép dây và một phần cặn lẫn với nước nhiễm dầu (còn gọi là dầu thải).

“Dầu thải này thành phần chủ yếu là các Hydrocacbon mạch vòng, khối lượng phân tử lớn, các hợp chất của lưu huỳnh, các phức kim loại: sắt, nhôm, kẽm, chì... các muối canxi, silic, magie... Phần nước nhiễm dầu và cặn này không thể cháy, cực bền về hóa học, mùi hôi đặc trưng, tiếp xúc qua bay hơi cũng có thể gây nôn mửa, dị ứng, rất nguy hiểm”, vị chuyên gia này nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Xử lý cặn dầu đổ trộm vào nước sạch có thể lên 50 triệu đồng/m3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.