Thứ sáu, 29/03/2024 12:59 (GMT+7)

Xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn?

Hải Bình -  Thứ sáu, 24/02/2023 13:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc thiếu giám sát, thiếu quyết liệt trong thực thi pháp luật là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn (được cho là vấn nạn) vẫn diễn ra hàng ngày (đặc biệt tại các đô thị lớn), ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau bụi. WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 decibel tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe.

Theo QCVN 24:2016/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – Mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc) với thời gian tiếp xúc với tiếng ồn 8 giờ thì giới hạn cho phép mức áp suất âm tương đương 85 decibel, thời gian tiếp xúc càng giảm thì giới hạn cho phép càng tăng.

Tiếng ồn gây ra sự tác hại trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người như: gây giảm thính lực, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn giấc ngủ, thay đổi chức năng miễn dịch… Tiếng ồn là nguyên nhân dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp (ĐNN), không có khả năng hồi phục.

Theo thống kê của Hội chống tiếng ồn thế giới (AICB) tại các nước công nghiệp trung bình có ¼-1/3 số công nhân phải lao động trong môi trường có tiếng ồn. Bệnh ĐNN luôn đứng đầu trong các bệnh nghề nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, ĐNN là một bệnh có tỷ lệ mắc đứng thứ hai trong số các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm sau bệnh bụi phổi-silic; hàng năm có khoảng từ 250 đến 500 trường hợp được Viện giám định Y khoa kết luận là bị bệnh ĐNN.

Bài toán ô nhiễm tiếng ồn đã được đặt ra từ lâu, nhưng dường như chưa có biện pháp xử lý triệt để. Từ thực tế cho thấy, tiếng ồn đã ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Đã có những bức xúc dẫn đến cự cãi, thậm chí xô xát, án mạng xảy ra cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

tm-img-alt
 Ảnh minh họa (nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Để làm được điều này, việc giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức để thay đổi thói quen cho người dân rất quan trọng, sâu rộng hơn là thay đổi cả văn hoá sống của họ thông qua những bài giảng, tập huấn và cả những quy định mang tính bắt buộc tại các khu dân cư. Quan trọng hơn nữa, chính các cán bộ địa phương cũng cần phải ý thức được tiếng ồn là một mối đe dọa đến cộng đồng chứ không phải là thói quen thường nhật.

Từ nhận thức đúng đắn đến hành động quyết liệt, lực lượng chức năng với vai trò thực thi pháp luật cần tăng cường xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, góp phần tạo ra một môi trường trong lành, thân thiện hơn với người dân đô thị.

Xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn

Theo điều 22, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ có hiệu lực từ 25/8/2022, quy định hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có thể bị phạt tới 160 triệu đồng đối với cá nhân; 320 triệu đồng với tổ chức. Chế tài mạnh, nhưng để ô nhiễm tiếng ồn không còn nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân, cần có giải pháp cụ thể trong xử lý, chấn chỉnh vi phạm.

Cụ thể, Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 5 dBA đến dưới 10 dBA; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA; Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA; Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA; Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.

Bạn đang đọc bài viết Xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới