Thứ bảy, 20/04/2024 12:18 (GMT+7)

Yên Bái “lột xác” sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Hoàng Thoa -  Thứ ba, 30/06/2020 09:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xuất phát điểm là một tỉnh miền núi nghèo, Yên Bái đã và đang từng bước chuyển mình phát triển mạnh mẽ với diện mạo hoàn toàn mới sau 10 năm thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới.

Những con số biết nói

Yên Bái – địa danh "cửa ngõ phên dậu" vùng Tây Bắc nước ta, có tổng diện tích 6,887,45 km2 với 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Nơi đây chiếm vị trí chiến lược rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thiên phú và sự sáng tạo trong lao động của cộng đồng các dân tộc Yên Bái đã tạo nên một vùng đất nhiều tiềm năng. Cùng chính vì lý do đó Yên Bái đã khẳng định được giá trị qua những thành tích đạt được. 

Những hoạt động trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại Yên Bái. Ảnh: Internet

Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Năm 2019 là một năm rất khó khăn với sản xuất nông nghiệp, thời tiết bất lợi, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi hoành hành gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Song, với sự quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vẫn làm nên những mùa vàng bội thu”

Hiện nay, diện mạo nông thôn tại Yên Bái đã đổi thay mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại, môi trường nông thôn ngày càng xanh sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt, các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc được giữ gìn, lưu truyền và phát huy.  

Tính đến thời điểm đầu năm 2020,  Yên Bái đã có 68/157 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Trấn Yên 100% số xã cán đích nông thôn mới, huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí và sẽ trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Bắc, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Không chỉ 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới mà Yên Bái còn nằm trong nhóm 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 (Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên).

Trên 7.470 km - con số nói lên chiều dài của hệ thống đường giao thông đã được xây dựng nâng cấp, riêng 2.289 km trong số đó là độ dài quãng đường được kiên cố hóa. Yên Bái có 127/157 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi (đạt 80,89%), 122/157 xã hoàn thành tiêu chí điện, 67/157 xã hoàn thành tiêu chí trường học (đạt 42,6%), 69/157 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 43,9%) và có 117 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (đạt 70%). 

Song song với đó, các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất phát triển mạnh, đã có 81/157 xã đạt tiêu chí thu nhập (đạt 51%), 75/157 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo (đạt 47,77%), 146/157 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm (đạt 92%), 106/157 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất (đạt 67%). Để nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều mô hình có hiệu quả cao, điển hình như: mô hình trồng lúa chất lượng cao, mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng tre măng Bát độ, mô hình chè... tại các địa phương tiếp tục được duy trì và nhân rộng. 

Từ một tỉnh gần như không có vùng sản xuất hàng hóa nào thì nay đã hình thành và phát triển được trên 70.000 ha vùng quế, vùng tre măng Bát độ trên 4.000 ha, vùng chè 8.000 ha, vùng cây ăn quả gần 7.800 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 22.300 ha... Sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng cao, nguồn lương thực được đảm bảo, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tính đến năm 2019 đạt 30 triệu đồng/người/năm.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7.204 tỷ đồng (đạt 100%) kế hoạch năm và tăng 4,75% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và đạt vượt mức kế hoạch.  

Hành trình để có những con số 

Muốn có thành công hay bất cứ thành quả nào cũng phải trải qua dăm ba lần thất bại nhưng sau đó chúng ta làm gì để giải quyết khó khăn, đây chính là mấu chốt của vấn đề. Tương tự với quá trình xây dựng nông thôn mới với chặng đường 10 năm, chắc hẳn tỉnh Yên Bái phải quyết tâm cao độ,  đặc biệt đoàn kết,  kết nối giữa lãnh đạo và nhân dân cùng nhau vượt khó để phát triển mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. 

Lãnh đạo cùng nhân dân Yên Bái xây dựng đoạn đường mới. Ảnh: Tư liệu

Khi nhắc đến chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới, ông Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới, Yên Bái đã có một bước tiến dài, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức, đến chuyển biến thành hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Những kết quả tỉnh Yên Bái đạt được ngày hôm nay là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc tích cực và quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh”.

Và đây chưa phải đích đến cuối cùng mà chỉ là trạm dừng chân, phía trước còn chặng đường dài gian truân và quy mô hơn. Xây dựng nông thôn mới thực chất là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. 

Để có được những thành quả to lớn trên toàn tỉnh Yên Bái phải kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, tập hợp và đoàn kết quần chúng nhân dân, nhằm phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, từ việc bàn bạc, hiến kế, đóng góp công sức chủ động thực hiện nhiệm vụ cụ thể, cho đến thụ hưởng và phát huy các thành quả xây dựng nông thôn mới gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn. 

Ngoài ra Yên Bái còn biết nắm bắt và khai thác tiềm năng vốn có của tỉnh như đất, nước, khí hậu để phát triển thêm ngành nông nghiệp sạch, đưa tỉnh nhà dẫn đầu và trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đồng thời cần duy trì, bảo vệ những công trình công cộng và đưa ra các chính sách an sinh phù hợp cho người dân,  giúp xóa đói giảm nghèo, người dân an tâm phát triển kinh tế dựa trên nền tảng và sự quan tâm của lãnh đạo.  

Khi cuộc sống nhân dân được ấm no sẽ tạo ra tính chất đòn bẩy giúp tỉnh Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung dẫn đầu về nhiều mặt cũng như phát triển bền vững trên niềm tin yêu của nhân dân.  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “dân giàu,  nước mạnh”, câu nói này thật sự đúng đắn.  

Với những thành quả đạt được Yên Bái đang khoác lên mình diện mạo khác biệt cùng nhiều cơ hội và bước tiến mới.

Bạn đang đọc bài viết Yên Bái “lột xác” sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ